Căn hầm trú ẩn để trở về sau mọi gian nan: Ai cũng có một và rất gần mỗi chúng ta

Phong Linh - Ảnh: DTHP - Thiết kế: Trim,
Chia sẻ

Với mỗi người căn hầm ấy lại một khác, không tường thép, không trang bị tối tân, nhưng ở đó ta được an toàn nhất và được là chính mình nhất!

Căn hầm trú ẩn để trở về sau mọi gian nan: Ai cũng có một và rất gần mỗi chúng ta - Ảnh 1.

 Trong kho ngôn ngữ bao la của thế giới, có những từ mà dù ở ngôn ngữ nào, thời đại nào, quốc gia nào, nó vẫn luôn được xếp vào hàng quan trọng bậc nhất. “Nhà” là một từ như thế. “Nhà”, một tiếng ấy thôi mà dường như vô vàn định nghĩa.

Nhà là nơi người ta sống, nơi người ta ngủ và ăn, ngoài thời gian ở trường học, văn phòng, chỗ làm việc. Nhà khởi nguồn từ tình yêu, lớn dần trong tình yêu giản dị, trong những hành động bé nhỏ. Đó có lẽ là nơi duy nhất tồn tại yêu thương vô điều kiện, không vụ lợi. Có thể có những sóng gió, những nguy cơ tan vỡ, những căng thẳng, bực dọc, nhưng nhà là nơi ta yêu thương ai đó “tẹt ga”. 

Nhà là tòa lâu đài nguy nga nhất của trẻ con, nơi chúng được đối xử như những công chúa, hoàng tử đặc biệt nhất thế gian. 

Nhà là nơi ngay cả những hành động kỳ quặc nhất đều được tôn trọng với sự bao dung đáng kinh ngạc. Nhà là nơi ta có thể tạm buông bỏ những phép tắc, những quy định để có thể sống thật, sống thoải mái với bản thể của mình mà không lo ai đánh giá.

Căn hầm trú ẩn để trở về sau mọi gian nan: Ai cũng có một và rất gần mỗi chúng ta - Ảnh 2.

Nhà cũng là ngân hàng không lãi suất, là nhà tài trợ trung thành, là trang trại miễn phí với những đứa con, dù đang sống chung hay đã có gia đình riêng. Nhà là nơi bố mẹ, nhất là bố mẹ của những cô con gái đã đi lấy chồng có thể than phiền đôi chút kiểu “con gái cái bòn”, “lớn rồi vẫn để tao phải lo” nhưng sẽ chẳng bao giờ từ chối lời yêu cầu viện trợ của các con, luôn dang tay đón những đứa cháu vào lòng.

Nhà là nơi, dù ta có trưởng thành đến nhường nào, dù ta thành đạt, có địa vị trong xã hội đến đâu, ta vẫn luôn là đứa con bé bỏng, cần được chở che, cần vỗ về ôm ấp của mẹ. Nhà là nơi có mẹ, và chỉ khi còn mẹ, ta mới có thể có được đặc ân kỳ diệu: Mãi mãi là trẻ thơ.

Nhà là bất kỳ nơi nào có cảm xúc của tình yêu, sự bình yên và an toàn. Nhà là nơi nào không quan trọng, khi bạn gặp ai đó cho bạn cảm giác được yêu thương, cảm thấy an toàn, khi bạn đi bất kỳ đâu cho bạn những cảm xúc yêu thương ấy, nơi đó chính là nhà.

Bởi tất cả những lẽ ấy, nhà chính là hầm trú ẩn an toàn nhất thế giới!

Căn hầm trú ẩn để trở về sau mọi gian nan: Ai cũng có một và rất gần mỗi chúng ta - Ảnh 3.

Nhưng cũng chính bởi giản dị nhường ấy, rộng lòng nhường ấy, an toàn nhường ấy, người ta đôi khi tự tin rằng, chẳng cần chăm chút nhiều, nhà vẫn mãi ấm êm. Người ta nhiều lúc tin rằng, nhà cũng như là mẹ, sẽ mãi ở bên ta, dù ngoài kia bão giông nhường nào.

Và nghịch lý ở chỗ, cái gì ổn định, bền bỉ và miễn phí thì lại ít được coi trọng. Ai cũng bảo mình yêu nhà, yêu gia đình, yêu tổ ấm, nhưng việc chăm chút cho nó lắm khi trở thành thứ yếu so với việc kiếm tiền và ra đường giao tiếp xã hội. Cho đến khi có biến cố nào đó xảy ra. 

Một ai đó bạn quen vừa hay tin mình ung thư. Một đôi vợ chồng có tình yêu đẹp như trong mơ sắp tan vỡ. Người thân lớn tuổi của bạn, mới tuần trước còn khỏe mạnh, hôm qua đã ra đi… Hay gần đây nhất, là đại dịch COVID-19 ập đến thế giới khiến hơn 4 triệu người nhiễm bệnh, hơn 286.000 người bỏ mạng. 

Những biến cố xung quanh ta, gần hay xa, để lại hậu quả dữ dội hay thoáng qua, đều nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc sống này rất mong manh, hạnh phúc rất ngắn ngủi. Và trên tất thảy, nó nhắc rằng sau mỗi cuộc hành trình, mỗi biến cố, nhà là nơi ta muốn trở về nhất, là nơi an toàn nhất để trú ẩn sau mọi biến cố của cuộc đời. Rằng, chỉ cần có nhà để về, mọi thứ sẽ ổn thôi.

Căn hầm trú ẩn để trở về sau mọi gian nan: Ai cũng có một và rất gần mỗi chúng ta - Ảnh 4.

Có người từng bảo rằng, xây một ngôi nhà để về cũng như nuôi dưỡng một cái cây. Cây cần tưới nước mỗi ngày, đôi khi thêm phân bón, đôi khi bắt sâu để trở thành đơm hoa, kết trái ngọt cho chủ nhân của nó. Để ngôi nhà thực sự là nhà, bạn cũng cần vun đắp, cần dành tình yêu, chăm sóc, dọn dẹp, có thế những bê tông, xi măng, thép cứng nhắc mới thành một nơi an nhiên nương trú cho tâm hồn.

Cố nhiên không có một mẫu số chung nào để biến ngôi nhà cốt thép trở thành ngôi nhà tinh thần. Nhưng có một điều rất thú vị trong hình dung về “nhà” của hầu hết người đã có con là nhà luôn gắn liền với trẻ nhỏ. Những đứa trẻ luôn là trung tâm! Bao nhiêu căng thẳng, ức chế bên ngoài sẽ tan biến chỉ với một ánh mắt, nụ cười. Sự có mặt của những đứa trẻ khiến căn nhà thêm sức sống, và tạo cho cha mẹ chúng nguồn sức mạnh vô song để yêu thương nhau. 

Căn hầm trú ẩn để trở về sau mọi gian nan: Ai cũng có một và rất gần mỗi chúng ta - Ảnh 5.

Minh chứng cụ thể nhất là trong những kỳ nghỉ dài hay đặc biệt là trong đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Thoạt đầu người lớn khi phải ở nhà 24/24, ai cũng lúng túng, thậm chí đôi chút bức bối vì đã quen đi làm, quen với những buổi cà phê, hẹn hò với bạn bè sau giờ làm. Nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn nhờ… lũ trẻ.

Những đứa trẻ có năng lực đặc biệt bắt mọi thứ xoay quanh chúng, bắt tất cả yêu thương, chăm chút chúng. Bình thường, cha mẹ vẫn hay than ở nhà với con thật lâu chắc “hóa điên” vì chúng quá nhiều năng lượng, quá nhiều yêu cầu, luôn đòi hỏi sự chú ý. Nhưng rồi trong những ngày giãn cách xã hội tháng 4, ở nhà toàn thời gian với con, nhiều bố mẹ phát hiện ra, chúng “đeo bám” bố mẹ là để cho bõ những giờ trống vắng.

Nhiều bố mẹ phát hiện ra, hóa ra chúng cũng không phiền lắm, nếu được chơi cùng, làm cùng mình. Chẳng cần cầu kỳ, chỉ cần mẹ kéo bố và các con làm mới góc vườn của gia đình, giao nhiệm vụ cho con chăm bẵm một cái cây hoặc mở một vài workshop tập huấn kỹ năng làm việc nhà…, thế là đủ cho cả nhà niềm vui. 

Bất kì một món đồ bình thường nào cũng có thể biến hình thành món đồ chơi thú vị, chỉ cần bố mẹ có thể nghĩ ra. Hoặc “lười” hơn, giao cho lũ trẻ nghĩ ra trò gì đó để cả nhà chơi cùng nhau. 

Và chỉ cần các mẹ không nhanh vội để nấu cho kịp bữa, không cảm thấy việc chúng vào bếp là quẩn chân, lũ trẻ sẽ tập tành nhặt rau, phân biệt các loại củ, khuấy trứng, thậm chí nấu được những món ăn đơn giản.

Những niềm vui nho nhỏ ấy nếu vẫn được duy trì trong những ngày bình thường, sẽ là cục pin sạc giữ cho hương vị hạnh phúc lan tỏa trong tổ ấm của chúng ta.

Nhưng niềm vui chăm “con” không chỉ là độc quyền của những người đã kết hôn. Ngay cả hội độc thân, chưa có bóng dáng bạn đời không ít người cũng ngày ngày bận rộn với chăm sóc những chú thú cưng của mình. Với họ, những chú chó, chú mèo, hay thậm chí cá cảnh, rùa cũng là “con cưng” của mình. 

Một chú cún suốt ngày nài nỉ được ra đường chơi, một con mèo mặt mũi ngổ ngáo, hay gây sự với “hàng xóm” nhưng lại nũng nịu sà vào lòng nịnh nọt chủ mua cho nó thêm chút pate… là những niềm vui nho nhỏ giúp họ vui vẻ vượt qua những áp lực trong cuộc sống. Và trong đợt giãn cách xã hội, nhờ chúng, những người trẻ đang quen với cuộc vui náo nhiệt thấy ở nhà thú vị hơn, thấy nhà bình yên và ấm áp hơn.

Hóa ra, với bất cứ gia đình nào, dù đủ đầy cha mẹ con cái, dù thiếu vắng thành viên, dù đơn chiếc, hoặc độc thân vui vẻ chỉ cần có tình yêu, có sự quan tâm chăm chút, nhà sẽ là nơi mọi bão tố, mọi hiểm nguy, mọi áp lực đời thường sẽ dừng lại trước cửa.

Căn hầm trú ẩn để trở về sau mọi gian nan: Ai cũng có một và rất gần mỗi chúng ta - Ảnh 6.

Những ngày cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh đã trôi qua. Chúng ta đã trở về cuộc sống tương đối bình thường. Có lẽ trong những ngày bận rộn trước và sau khi giãn cách xã hội, chúng ta sẽ rất khó có được những khoảnh khắc giản dị mà hạnh phúc như đã từng trong những ngày qua. Hơn hết có một điều mà ai cũng nhận ra, đó là ý nghĩa thật sự của gia đình. 

Hóa ra, với bất cứ gia đình nào, dù đủ đầy cha mẹ con cái, dù thiếu vắng thành viên, dù đơn chiếc, hoặc độc thân vui vẻ chỉ cần có tình yêu, có sự quan tâm chăm chút, nhà sẽ là nơi mọi bão tố, mọi hiểm nguy, mọi áp lực đời thường sẽ dừng lại trước cửa.

***

Có một câu chuyện ngụ ngôn về hạnh phúc thế này: Có một chú mèo con luôn tò mò và thích khám phá những điều mới mẻ. Một ngày kia, khi mèo con rong chơi khắp nơi, chú nghe người ta nói với nhau về hạnh phúc và hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc của họ. Tò mò, mèo con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, hạnh phúc là gì vậy mẹ?”. 

Mẹ của mèo con trả lời: “Là cái đuôi của con đấy, con yêu!”. Vậy là mèo con mỗi ngày đều tìm cách với tới cái đuôi của mình. Nó cứ với mãi, xoay vòng xoay vòng đến khi mệt lả mà vẫn không thể nào chạm tới cái đuôi của mình. Nó hờn dỗi nói với mẹ: “Mẹ ơi, sao hạnh phúc khó với tới vậy mẹ? Con tìm đủ cách mà không tài nào với được nó! Làm sao người ta lại có được hạnh phúc vậy?”. 

Mẹ của mèo con mỉm cười âu yếm và nói với nó: “Vì sao con lại muốn với tới nó vậy? Con không thấy rằng nó luôn theo mỗi bước con đi con và mãi mãi bên con sao. Con cứ hãy đi bất cứ nơi đâu và làm bất kỳ điều gì con muốn. Khi con mệt mỏi và dừng bước để nhìn lại phía sau, con sẽ thấy cái đuôi của mình luôn ở sau mình và gần nơi con nhất. Hạnh phúc không bao giờ rời bỏ con, con yêu ạ”. 

Câu chuyện trên dành cho trẻ con, nhưng dường như nó minh triết với cả người lớn nữa. Chúng ta, cũng như chú mèo con tinh nghịch kia, vẫn thường coi hạnh phúc là mục đích của cuộc sống, vẫn tìm cách đi tìm nó. Ta luôn nghĩ nó như kho báu ở đâu đó thật xa, phải đào xới, phải đi xa để kiếm tìm. Nhưng hạnh phúc đôi lúc chỉ đơn giản vậy thôi, trong những khoảnh khắc thường ngày, khi ta tĩnh lặng nhìn ngắm và biết trân trọng hiện tại, như cái đuôi của một chú mèo.

Chia sẻ