Cận cảnh vòng xoay 20 năm tuổi "bỏ thì thương, vương thì tội" ở TPHCM
Là cửa ngõ phía đông kết nối nhiều tuyến đường vào khu vực nội thành nhưng vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đang tồn tại bất cập là gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, phương án bỏ vòng xoay này rất khó thực hiện vì phạm điều tối kỵ trong giao thông.
Sáng ngày 9/3 lưu lượng phương tiện theo hướng từ Thành phố Thủ Đức dồn về trung tâm của TPHCM ở mức lớn, khi đi qua khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) đã gây ra tình trạng ùn ứ.
Để thoát khỏi điểm ùn tắc, nhiều phương tiện không đi theo vòng xoay mà tiếp tục di chuyển trên đường Điện Biên Phủ tới giao điểm với đường Đinh Tiên Hoàng mới quay đầu trở lại vòng xoay để vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Trường, một tài xế xe ôm tại khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, đặc biệt là sau những kỳ lễ, tết khu vực vòng xoay này đều bị kẹt xe. Hôm nào không may xảy ra va chạm giữa các phương tiện thì tình trạng ùn tắc đều xảy ra gần như ngay lập tức, dù cảnh sát giao thông có mặt kịp thời”.
Thực tế trên cũng đã được lực lượng Cảnh sát Giao thông TPHCM ghi nhận. Trên cơ sở đó, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - đường sắt (PC08), Công an thành phố vừa gửi công văn đến Sở Giao thông Vận tải đề xuất thành phố nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ để tổ chức giao thông cho các phương tiện theo đèn tín hiệu đi qua giao lộ.
Ngày 10/3 trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, việc dỡ bỏ vòng xoay để tổ chức cho các phương tiện di chuyển theo đèn tín hiệu là phương án không khả thi.
“Vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hình thành khá lâu. Tình hình giao thông hiện nay tại khu vực này trong giờ cao điểm vẫn còn một số tình trạng phương tiện tham gia giao thông đặc biệt là xe 2 bánh không chấp hành nghiêm quy định, lưu thông không theo luật trong vòng xuyến đã gây ra ùn tắc. Đặc biệt, một số phương tiện quay đầu trước giao lộ trên đường Điện Biên Phủ dẫn tới tình trạng mất an toàn giao thông. Ngoài giờ cao điểm, giao thông tại đây tương đối ổn định”- Ông Hải Đường nói.
Sau khi phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường Sắt thành phố có đề xuất về việc bỏ vòng xoay, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phối hợp với các đơn vị đánh giá các vấn đề liên quan để tìm hướng giải quyết.
“Tại vòng xoay hiện nay không phải là ngã tư như trước mà đã trở thành ngã 6. Khu vực này có đặc thù là phạm vi nút giao thông khá rộng, nếu bỏ vòng xoay và triển khai tín hiệu đèn giao thông thì rất khó điều tiết. Đặc biệt, vòng xoay nằm sát với cầu Điện Biên Phủ, do đó khi thực hiện tín hiệu đèn thì các phương tiện phải dừng trên cầu, và đây là điều tối kỵ trong việc tổ chức giao thông vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của cây cầu. Mặt khác, đường Trường Sa, Hoàng Sa còn có hầm chui nên rất khó điều phối xe nếu có đèn tín hiệu” – Ông Hải Đường thông tin thêm.
Được biết, Sở Giao thông Vận tải đang khảo sát, đánh giá lại toàn bộ khu vực vòng xoay để có phương án xử lý phù hợp. Đại diện sở cho biết đơn vị này đang tính toán phương án giảm bán kính vòng xoay để tăng diện tích lòng đường giúp phương tiện đi lại thông thoáng hơn.
Bên cạnh đó, Sở GTVT đang tính đến phương án phân luồng toàn thể khu vực giao thông trên phạm vi rộng từ cầu Ba Son đến vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm và các tuyến đường lân cận. Để có quyết định chính xác, Sở GTVT sẽ khảo sát và đưa ra mô hình chạy mô phỏng trước khi triển khai trên thực tế.
Vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) là điểm giao cắt của hai tuyến đường lớn Điện Biên Phủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngoài ra còn có 3 đường nhánh khác kết nối với đường Hoàng Sa. Vòng xoay này có đường kính rộng 60m, được xây dựng hơn 20 năm trước. Giữa vòng xoay có tháp đồng hồ 4 mặt, dưới tháp đang được trồng nhiều cây xanh để tạo cảnh quan.