Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai

Tấn Rin,
Chia sẻ

Vẫn đều đặn mỗi ngày ở một góc nhỏ ven chợ Đồn (Bửu Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai), những người thợ rèn vẫn tay búa tay kềm rèn giũa kim khí để mưu sinh vừa để giữ lửa cho thương hiệu lò rèn cổ nhất ở đất Đồng Nai.

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 1

Sáng tinh mơ khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì ở một góc phố, những người thợ rèn đã bắt đầu những nhát búa quen thuộc của mình . Ông Phạm Hoàng Sang (60 tuổi), chủ lò rèn 12 tại chợ Đồn chia sẻ: “Ngày xưa ở phường Bửa Hòa có 3 thương hiệu rèn nổi tiếng, đó là Lò rèn 3 chữ Sĩ, 3 chữ Tượng và Lò rèn 12. Nay kinh tế khó khăn, máy móc thay thế nông cụ nên hiện giờ các lò kia đã tắt bếp chỉ còn mỗi anh em họ Phạm tôi còn bám trụ với nghề.”

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 2

Cầm chổi hãm ngọn lửa đang cháy ngùn ngụt trên lò, ông Sang tâm sự : “Ngày xưa cha tôi học nghề từ một người thầy ở miền Trung, sau khi thạo nghề ông bắt đầu vào Đồng Nai lập nghiệp, vì chất lượng tốt và độ bền cao nên thương hiệu rèn 12 rất nổi tiếng thời bấy giờ. Sau khi ông qua đời, 7 anh em tôi nối nghiệp cha tiếp tục làm nghề. Dù đã tách ra làm ăn riêng nhưng mấy anh em chúng tôi đều giữ thương hiệu chung là rèn 12.”

Khi được hỏi về nguồn gốc của thương hiệu rèn 12, ông Sang chia sẻ: “Vì cha tôi có mười hai ngón tay nên dân trong vùng thường gọi là ông 12, dần dà cái thương hiệu rèn 12 cũng có từ đó.”

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 3

Cũng theo ông Sang, muốn thạo nghề này thì cần ít nhất 40 năm kinh nghiệm, bởi vậy mà dù đã 60 tuổi nhưng ông vẫn là thợ chính tại lò. Còn người con của ông là anh Phạm Thanh Long (30 tuổi) chỉ phụ được cha nhát búa hay việc tra cán cho các nông cụ. Anh Long chia sẻ : “Tôi có bằng kỹ sư, dù bận bịu công việc nhưng tôi vẫn thường giúp ông tay búa bởi tôi không muốn cái nghề của cha ông mai một đi.”

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 4

Ở lò rèn 12 của cha con ông Sang, mọi nông cụ phổ biến của nhà nông đều được ông chế tác được. Từ chiếc rựa cho người đi rừng cho đến chiếc lưỡi cày cho người làm nông. Trung bình để xuất xưởng một sản phẩm thì chỉ từ 20-30 phút, mỗi ngày có làm ra 20 - 40 sản phẩm, với giá rơi vào khoảng 50 -150 nghìn đồng, thu nhập không cao nhưng cũng đủ cho kinh phí sinh hoạt của gia đình.

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 5

Đang đổ dở nước thép vào khuôn, ông Sang vội quay sang tiếp một vị khách lặn lội từ xa đến, đó là anh Lê Ân ( Long Thành - Đồng Nai) đến để đặt mua nông cụ, anh cho biết : “Tôi đang khai hoang vườn nên tìm đến đây để đặt hàng. Tôi biết tiếng lò rèn 12 này bởi sản phẩm rất bền, chất lượng, giá lại phải chăng, cộng với việc hoàn toàn làm thủ công nên tôi quyết định chọn sản phẩm của lò chứ không mua các sản phẩm công nghiệp.”

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 6

Tất cả các sản phẩm làm ra đều được khắc con dấu 12 vào sản phẩm.

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 7

Qui trình chế tác ra một sản phẩm ở lò rèn 12 hoàn toàn là thủ công. Bất kể lễ lạc, ngày nắng hay mưa, lò rèn 12 luôn đỏ lửa kèm theo đó là những tiếng đập tiếng chát làm huyên náo cả một góc phố.

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 8

Một trong những dụng cụ “hiện đại” hiếm hoi tham gia vào quy trình chế tác của lò, đó là chiếc máy thổi khí vào lò rèn.

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 9

Chiếc liềm này đã cũ, rỉ sét, buộc ông Sang phải sử dụng tới máy móc.

Cận cảnh lò rèn trăm tuổi của người thợ 12 ngón tay tại Đồng Nai 10

Ngày trước khi máy móc còn chưa phổ biến, nhiều hôm nhưng lò rèn nơi đây luôn đỏ lửa vì lượng đặt hàng rất lớn. Dù chất lượng của các sản phẩm thì vẫn thế, nhưng cái thời hoàng kim ngày xưa khó có thể trở lại được, nhưng không vì vậy mà ông Sang có ý định bỏ nghề. Lỡ yêu cái nghề này rồi thì phải sống đến hết đời với nghề: “Tôi biết giờ nghề rèn truyền thống khó mà phát triển nữa, hàng công nghiệp rẻ, đẹp là sẵn có nên nhiều người không mặn mà với hàng thủ công. Nhưng tôi và các con sẽ vẫn bám lấy cái nghề này đến cùng đến khi không cầm nổi cây kềm, không nhấc nổi cây búa mới thôi.
Chia sẻ