Cận cảnh "khu điều dưỡng" của cụ Rùa
Một chiếc bể rất lớn để dưỡng bệnh cho cụ rùa đang được các công nhân Nhà máy đóng tàu Sông Hồng thi công.
PGS-TS Hà Đình Đức, thành viên Ban Chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa hồ Gươm, cho biết: một chiếc bể rất lớn để dưỡng bệnh cho cụ rùa đang được các công nhân Nhà máy đóng tàu Sông Hồng thi công. Hiện tại, khu vực xung quanh hồ Gươm ở trước mặt Bưu điện TP Hà Nội đang được quây kín để tiến hành việc xây bể.
Đầu tháng 3 năm nay, Hà Nội đã cho hạ thủy xuống hồ Gươm chiếc bể có đường kính 5m, nặng 2,5 tấn dành để chữa bệnh cho cụ Rùa. Giờ đây, trên chiếc bể đã hạ thủy được coi là "giường bệnh" ấy, một "khu điều dưỡng" bể sắt rộng hàng trăm m2 đang được hình thành. Sau thời gian "chữa trị" trên "giường bệnh", cụ rùa sẽ tiếp tục được chăm sóc ở "khu điều dưỡng" này trong thời gian ít nhất là 3 tháng.
Chia sẻ quan điểm về việc này, bác Phong - một người dân Hà Nội gốc sống ở quận Hoàn Kiếm nói: "Có làm thế này thì rồi đâu cũng lại vào đấy thôi. Cái chính là cần phải xử lý đám rùa tai đỏ đang nhung nhúc dưới kia, rồi hút bùn làm sạch nước trong hồ đi. Chữa xong rồi lại thả vào hồ thì chỉ lãng phí công sức của bao nhiêu người".
Tuy nhiên, anh Tuấn (kỹ sư điện tử) và một số người đứng xem công trình thì có cái nhìn lạc quan hơn: "Việc gấp rút nhất hiện nay là chữa trị cho cụ rùa, vị cụ đã bị thương rất nặng. Còn việc diệt rùa tai đỏ hay làm sạch nước hồ thì có thể tiến hành trong thời gian dưỡng bệnh của cụ rùa cũng được".
Khu vực vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng được quây kín để thi công.
Các phao nổi dùng để đỡ "khu điều dưỡng".
Các phao nổi cần được gia cố rất cẩn thận để chúng có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình.
"Khu điều dưỡng" khá cao, các công nhân phải bắc thang để leo lên mặt bể thi công.
Vỉa hè được quây kín để dành chỗ cho rất nhiều thiết bị.
Bình ôxy để phục vụ cho công đoạn hàn.
Các công nhân đang tiến hành thực hiện bộ khung đỡ của "khu điều dưỡng".
Công trình thu hút sự tò mò và quan tâm của những người qua lại.