Căn bệnh về da mà cô đào Kim Kardashian phải đối mặt cả đời vì không có thuốc chữa đặc trị
Mặc dù phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng Kim Kardashian không giấu giếm mà còn muốn chia sẻ để mọi người nâng cao nhận thức về căn bệnh này.
Năm 2011, Kim Kardashian tiết lộ về căn bệnh vẩy nến của mình. Đầu tiên, khi thấy các vết phát ban, Kardashian đã nói chuyện với bác sĩ da liễu, tiến sĩ Harold Lance với một chút lo lắng. Tiến sĩ Lancer kiểm tra các vết ban tròn trên chân của Kardashian và kết luận cô bị bệnh vẩy nến - một bệnh kinh niên, di truyền và có liên quan đến hệ thống miễn dịch.
Bệnh vẩy nến là bệnh tự miễn phổ biến, ảnh hưởng nhiều người. Tại Mỹ, số bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến lên tới 7,5 triệu người (theo thống kê của NPF - tổ chức nghiên cứu về bệnh vẩy nến của Mỹ, 2012), trong đó có Kim Kardashian. Bệnh vẩy nến xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động kém, từ đó tăng tốc độ chu kỳ tăng trưởng của các tế bào da. Bệnh không lây nhiễm nhưng lại có tính di truyền.
Mẹ đẻ của Kim Kardashian cũng được chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến ở độ tuổi 30. Tuy nhiên, mẹ cô không bị các vết ban đỏ, bong da nên cô cũng bất ngờ khi thấy mình có những triệu chứng ban đỏ. Các vết ban đỏ xuất hiện ở chân, sau đó lan khắp cơ thể cô. Giống như hàng triệu người khác mắc bệnh vẩy nến, Kim Kardashian cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nghiêm trọng khác liên quan đến căn bệnh này như bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì và trầm cảm. Có tới 30% người bị bệnh vẩy nến thường bị thêm bệnh viêm khớp, gây sưng đau các khớp.
Các vết ban đỏ xuất hiện ở chân, sau đó lan khắp cơ thể cô
Khi biết bệnh vẩy nến không có cách chữa trị dứt điểm, cô Kim đã rất sốc. Biết vậy nên Tiến sĩ Lancer khuyên cô nên sống chậm lại bằng cách hạn chế những căng thẳng - yếu tố góp phần kích hoạt bệnh vẩy nến. Ngoài ra, những yếu tố khác như lối sống, thuốc men và tổn thương trên da (chẳng hạn như một vết cắt hoặc vết xước) cũng có thể tác động làm cho bệnh vẩy nến nặng thêm hoặc giảm đi.
Tuy nhiên, mặc dù bị bệnh như vậy nhưng cô Kim không hề suy sụp hay giấu giếm bệnh. Trái lại, cô còn sẵn sàng để lộ những vết ban trên da trong mọi sự kiện mà cô tham dự.
Năm ngoái, khi chụp hình nude trên sa mạc với thân hình đầy sơn, cô cũng giải thích để khán giả không hiểu lầm. Cô cho biết: Tôi chỉ muốn vui vẻ và làm hết mình vì nghệ thuật. Vì vậy, để thoải mái, tôi nói trước với cả ekip về tình trạng bệnh của mình, rằng tôi bị bệnh vẩy nến nhưng tôi không cảm thấy có gì khó chịu nên hy vọng mọi người không tập trung vào điều này mà làm việc như bình thường.
Bệnh vẩy nến không thể cản trở cô Kim cống hiến cho nghệ thuật
Kim Kardashian không phải là người nổi tiếng duy nhất mắc bệnh vẩy nến. Ngoài Kim, một số "sao" khác như diễn viên LeAnn Rimes, Jon Lovitz, MC truyền hình Stacy London, người mẫu CariDee English... cũng mắc phải căn bệnh này. Và điểm chung của họ là muốn giúp mọi người nâng cao nhận thức về bệnh để đối phó và điều trị, phòng ngừa tốt hơn, ngăn ngừa bệnh bùng phát.
Bệnh vẩy nến là bệnh gì?
Bệnh vẩy nến là một trong những bệnh về da phổ biến. Mặc dù bệnh lành tính nhưng thường tái phát, dễ phát triển thành mạn tính và gây khó chịu, cản trở sinh hoạt của người bệnh.
Từ trước đến nay, căn nguyên gây ra bệnh vẩy nến chưa được xác định rõ ràng. Hầu hết các nhà nghiên cứu và chuyên gia sức khỏe thừa nhận bệnh có liên quan đến các rối loạn miễn dịch và mang yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như căng thẳng thần kinh (stress), nhiễm khuẩn trên da, chấn thương, thời tiết, khí hậu, sử dụng một số loại thuốc… cũng có thể làm cho bệnh tiến triển nặng thêm.
Triệu chứng bệnh vẩy nến trên da
Bệnh vẩy nến có nhiều thể khác nhau, chia thành 2 nhóm: Thông thường và đặc biệt.
Nhóm bệnh vẩy nến thông thường được chẩn đoán dựa vào kích thước, vị trí tổn thương để chia thành các thể khác nhau, cụ thể:
+ Vảy nến thể chấm, thể giọt có tổn thương với đường kính tối đa 1cm, rải rác khắp người, nhất là nửa người trên…
+ Vảy nến thể đồng tiền với những tổn thương có đường kính từ 1-2 cm, xu hướng tròn như đồng tiền, vùng trung tâm có nhạt màu hơn, ngoại vi đỏ thẫm.
+ Vảy nến thể mảng thường có các đám mảng lớn đường kính trên 2-10cm hoặc lớn hơn.
+ Vảy nến thể đảo ngược với các tổn thương xuất hiện ở các nếp gấp của cơ thể.
Nhóm bệnh vẩy nến đặc biệt bao gồm:
+ Vảy nến mụn mủ hay gặp ở trẻ em.
+ Vảy nến thể đỏ da toàn thân có thể tiến triển tự nhiên từ một vảy nến thể thông thường.
+ Vảy nến thể khớp ít gặp, đôi khi chỉ có biểu hiện ở khớp mà không có thương tổn da. Đó cũng được coi là một trong những biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, đa số các trường hợp bị bệnh vảy nến đều có trước tổn thương khớp. Các khớp sưng đau, hạn chế cử động, dần biến dạng.
Khi thấy có dấu hiệu mắc bệnh vẩy nến, người bệnh nên đi chữa càng sớm thì càng tốt, tránh để có nguy cơ biến chứng, trường hợp nặng sẽ gây tổn thương khớp.
Hiện tại, chưa có phương pháp chữa trị khỏi hẳn bệnh vẩy nến. Các phương pháp chữa bệnh chỉ chủ yếu tập trung điều trị tình trạng rối loạn da và làm thuyên giảm các triệu chứng, tránh biến chứng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
(Tổng hợp)