Cảm thấy vợ thay đổi, chồng nghi ngờ nhưng biết sự thật lại ân hận và hổ thẹn vô cùng

Vỹ Đình,
Chia sẻ

Đừng nghĩ vì người ta là vợ bạn mà họ bắt buộc phải nhẫn nại với tất cả những tiêu cực bạn mang đến.

Hôn nhân không xấu đi trong một đêm. Những rạn nứt thường bắt đầu từ những tâm lý sai lệch và hành vi vô thức hằng ngày. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ về hai kiểu tâm thái thường khiến hôn nhân trở nên ngột ngạt: tâm lý "tưởng gì cũng đương nhiên" và sự phụ thuộc quá mức.

Tâm lý "tưởng gì cũng đương nhiên": Cái bẫy âm thầm giết chết sự tôn trọng

Rất nhiều người bước vào hôn nhân với suy nghĩ: "Vợ phải chiều mình, phải nhường nhịn mình, phải hiểu mình vô điều kiện".

Cảm thấy vợ thay đổi, chồng nghi ngờ nhưng biết sự thật lại ân hận và hổ thẹn vô cùng- Ảnh 1.

Họ cho rằng sự kiên nhẫn và nhẫn nại từ phía vợ là điều... hiển nhiên.

Ví dụ cụ thể về câu chuyện của Huy (35 tuổi). Trong công việc, anh gặp nhiều rắc rối khiến tâm trạng luôn u ám. Mỗi khi về nhà, anh hoặc là than thở, hoặc là cáu gắt vô cớ với vợ. Trạng thái tiêu cực này kéo dài suốt ba tháng.

Không lâu sau, anh bắt đầu cảm thấy vợ thay đổi. Cô không còn ân cần, không muốn trò chuyện, thậm chí né tránh tiếp xúc. Anh nghi ngờ tình cảm của vợ, cho rằng cô không còn yêu thương anh như trước.

Anh phàn nàn với tôi: "Em chỉ mới tiêu cực có vài tháng mà cô ấy đã không chịu nổi rồi. Vậy sau này còn mong gì nữa?".

Tôi hỏi lại: "Nếu con em mỗi đêm đều quấy khóc không dứt, kéo dài vài tháng liền, em có mệt không? Có cáu không?

Rõ ràng là có. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là em không yêu con, mà chỉ là con đã khiến em quá mệt mỏi".

Tương tự, nếu mỗi ngày vợ đều phải làm "thùng rác cảm xúc" cho chồng, thì dù yêu đến đâu, cũng sẽ có lúc không chịu nổi.

Vậy mà nhiều người lại gắn cho điều này cái mác "hết yêu", "em không làm tròn trách nhiệm". Đó mới là điều thật sự bất công.

Hãy thử đổi vị trí: Nếu vợ bạn mỗi ngày đều về nhà với tâm trạng tệ, trút giận vô cớ lên bạn, bạn có chịu được không? Có kiên nhẫn nổi không?

Vậy nên, hãy tỉnh táo, đừng nghĩ vì người ta là vợ bạn mà họ bắt buộc phải nhẫn nại với tất cả những tiêu cực bạn mang đến. Nếu bạn liên tục ép họ gồng gánh cảm xúc thay mình, rất có thể chính bạn là người đẩy họ rời xa.

Tâm lý phụ thuộc: Khi hôn nhân trở thành gánh nặng thay vì nơi sẻ chia

Cảm thấy vợ thay đổi, chồng nghi ngờ nhưng biết sự thật lại ân hận và hổ thẹn vô cùng- Ảnh 2.

Tranh minh họa

Một số người phụ nữ bước vào hôn nhân và đánh mất khả năng "sống độc lập về tinh thần". Bất cứ chuyện gì, công việc, tâm lý, cảm xúc cũng đều trông chờ vào chồng.

Như trường hợp Lan (28 tuổi), thay vì tìm cách giải quyết vấn đề công việc, cô lại đặt hết kỳ vọng vào chồng: Từ lời khuyên, cảm thông đến cả việc... kéo tâm trạng cô lên.

Lúc đầu, chồng cô thực sự đã cố gắng đưa ra lời khuyên, rủ đi dạo, trò chuyện chia sẻ. Nhưng cô không hành động, cũng chẳng thay đổi. Chỉ khi tâm trạng tụt dốc, cô lại tìm đến chồng để tiếp tục trút bầu.

Và cuối cùng, chồng cô chọn cách... im lặng rồi rút lui.

Tôi nói với cô ấy:

"Chồng em có thể mang thuốc đến nhưng nếu em không chịu uống, thì em vẫn sẽ sốt. Anh ấy không phải là thuốc, càng không thể chữa lành những tổn thương mà em từ chối tự mình chữa".

Trong hôn nhân, sự sẻ chia là cần thiết, nhưng sự tự lực mới là nền tảng vững chắc. Đừng đẩy toàn bộ trách nhiệm cảm xúc của mình cho đối phương rồi kỳ vọng họ gánh vác mãi mãi.

Khi bạn yếu đuối quá mức, liệu người ta còn đủ kiên nhẫn để yêu?

Cả hai tâm lý trên đều là con dao vô hình cắt đứt sợi dây gắn kết giữa hai người.

Một mặt, bạn khiến đối phương cảm thấy áp lực, thậm chí là kiệt sức. Mặt khác, bạn tự làm mình thất vọng khi đối phương không đáp ứng kỳ vọng. Và khi thất vọng đủ nhiều, ta sẽ trách móc, giận dữ, rồi cả hai dần xa cách.

Hôn nhân cần sự bình đẳng. Đừng luôn coi mình là kẻ yếu cần được cứu rỗi. Cũng đừng nghĩ rằng yêu bạn có nghĩa là người ta phải bao dung mọi thứ.

Người thật sự yêu bạn, sẽ ở bên bạn nhưng người xứng đáng để yêu, là người biết yêu chính mình trước.

Nếu bạn đang lạc lối trong hôn nhân, không biết nên thay đổi thế nào hãy tìm một người hướng dẫn, một người đủ khách quan để chỉ cho bạn con đường đúng đắn. Vì đôi khi, chỉ cần thay đổi từ một tâm thế, là đã có thể cứu vãn một cuộc hôn nhân.

Chia sẻ