Cầm kết quả khám vô sinh, chồng đòi mang con đi xét nghiệm ADN ngay

Quang Vũ,
Chia sẻ

Sau phút giây ngỡ ngàng vì nguyên nhân vô sinh là do mình, anh D đứng ngẩn người, căng thẳng hỏi vợ: "Bé T là con ai?".

T là con gái đầu lòng của vợ chồng anh H.V.D (37 tuổi, Bắc Ninh). Sau 5 năm sinh được cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn và rất quấn bố, vợ chồng anh quyết định sinh thêm bé. Tuy nhiên, gần một năm không có kết quả, chị vợ giục chồng đi khám. Thể lực sung mãn, nghĩ nguyên nhân muộn con không phải do mình nhưng vì mong con, anh H.V.D miễn cưỡng gật đầu.

Nhận kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ trên tay, người đàn ông to lớn run bần bật. Bác sĩ thông báo nguyên nhân vô sinh do anh không có tinh trùng trong tinh dịch.

Sau phút choáng váng, anh H.V.D nói với vợ: "Vô sinh do anh, vậy con gái mình là con ai?". Đến lượt chị vợ tái mặt.

Câu chuyện dở khóc dở cười trên được BS.CKI Cao Tuấn Anh, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) chia sẻ khi kể về những câu chuyện bi hài khi chữa vô sinh nam.

Anh H.V.D bị quai bị 4 năm về trước. Bệnh khiến tinh hoàn bị sưng to, các tế bào mầm trong tinh hoàn bị tổn thương không thể hồi phục dẫn đến tình trạng tinh hoàn bị xơ và teo nhỏ dần. Số lượng và chất lượng tinh trùng suy giảm, và là nguyên nhân gây vô sinh thứ phát cho nam giới.

Trong quá trình điều trị, anh H.V.D thú nhận mặc dù nghe bác sĩ giải thích nhưng vẫn bán tín bán nghi. Anh lén lấy tóc của con gái mang đi xét nghiệm ADN và được xác nhận đây chính là máu mủ của mình. Sau này sinh con trai nhờ vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng trong tinh hoàn ở IVF Tâm Anh, anh ôm con gái lớn vào lòng nhủ thầm "bố xin lỗi".

Cầm kết quả khám vô sinh, chồng đòi mang con đi xét nghiệm ADN ngay - Ảnh 1.

Vi phẫu micro-TESE tìm tinh trùng trong tinh hoàn, kỹ thuật cao cấp giúp thỏa ước mơ làm cha cho đàn ông vô tinh (Ảnh: Phương Linh)

Bác sĩ Tuấn Anh kể thêm trường hợp về một bệnh nhân trẻ tuổi được chẩn đoán là không có tinh trùng do teo tinh hoàn hai bên, nội tiết tố rất cao (FSH 23.3 mIU/ml). Siêu âm trọng lượng tinh hoàn hai bên chỉ có 2,8 gram (theo nhiều tài liệu với tinh hoàn < 3 gram thì tỷ lệ thu được tinh trùng là rất thấp). Trước khi đến khám tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, bệnh nhân từng điều trị nội khoa được 6 năm nhưng không có kết quả.

Lần đầu đến khám, bệnh nhân rất mạnh mẽ và lạc quan. Bác sĩ chỉ định mổ vi phẫu micro-TESE thu tinh trùng từ mào tinh hoàn.

Khi mở tinh hoàn bên phải, các bác sĩ nhận thấy kích thước tinh hoàn nhỏ, mô tinh hoàn xơ teo và tiên lượng khó. Sau hơn 2 tiếng đào xới đến tận cùng ngõ ngách trong tinh hoàn tìm tinh trùng khỏe mạnh nhưng không khả quan, các bác sĩ đóng vết mổ, chuyển sang tinh hoàn còn lại. Lúc này, người đàn ông trẻ tuổi nằm trên bàn phẫu thuật, mắt ngấn nước: "Trăm sự nhờ bác sĩ".

Tiếp tục mở tinh hoàn còn lại, dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn, các bác sĩ đã tìm được những ống sinh tinh giãn còn lẩn khuất trong những mô tinh hoàn xơ teo, lúc này cả kíp mổ reo lên sung sướng.

Cầm kết quả khám vô sinh, chồng đòi mang con đi xét nghiệm ADN ngay - Ảnh 2.

Chuyên viên phôi học đang quan sát quá trình phôi phân chia bên trong phòng LAB phôi học của IVF Tâm Anh (Ảnh: Phương Linh)

"Nam giới hiếm muộn có xu hướng đi khám một mình hoặc giấu mặt, ít chia sẻ với gia đình và bạn bè. Một số trường hợp, người bệnh là trưởng tộc, trưởng họ nên áp lực càng đè nặng", bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Là con trai duy nhất trong gia đình và cháu đích tôn của cả dòng họ, việc không thể có con vì không có tinh trùng như một cú sốc lớn đối với anh P.T (32 tuổi, ở Tiền Giang).

Suốt 3 năm khám bệnh, uống thuốc, bồi bổ, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) 3 lần ở hai bệnh viện khác nhau đều thất bại… anh P.T được vi phẫu tinh hoàn để vét tinh trùng (micro-TESE) làm IVF, nhưng cũng không có kết quả.

Áp lực phải có con nối dõi đè nặng trên vai chàng trai "độc đinh". Sét đánh ngang tai khi bác sĩ khuyên xin tinh trùng mới có thể có con. "Tôi sợ rằng mình sẽ vĩnh viễn không có cơ hội làm bố, nhất là khi cha mẹ đã già mà vẫn chưa được bế cháu nội", anh chia sẻ, nhưng vẫn không thể chấp nhận sự thật.

Tháng 4/2022, vợ chồng anh tìm đến IVF Tâm Anh TP.HCM. ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học, cho biết kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy 99% tinh trùng bất động, 85% tinh trùng bất thường có đuôi ngắn cụt, 1% tinh trùng đầu nhỏ, không có acrosome (một cấu trúc ở đầu tinh trùng, bản chất là một enzym có tác dụng làm bào mòn vỏ trứng để tinh trùng bơi vào trong thụ tinh với trứng).

"Trong 1% di động còn lại, chỉ cần vài con tinh trùng đạt chất lượng là chúng tôi tự tin có thể giúp bệnh nhân có con", bác sĩ Khoa nói. Bệnh nhân được gom và trữ tinh trùng số lượng ít, giúp giảm chi phí, giảm đau đớn, tổn thương tinh hoàn của bệnh nhân so với hướng mổ micro-TESE thêm một lần nữa.

Anh P.T gom tinh trùng và trữ thành công 5 mẫu. Chị T.L, vợ anh, thu được 10 noãn trưởng thành. Họ tạo được 4 phôi chất lượng tốt. Tháng 10/2022, chị T.L, vợ anh P.T, nhận tin vui mang thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Bé trai P.L.Đ chào đời cuối tháng 5/2023 là món quà mà vợ chồng anh tìm kiếm suốt 5 năm.

Cầm kết quả khám vô sinh, chồng đòi mang con đi xét nghiệm ADN ngay - Ảnh 3.

Chị T.L, vợ anh P.T, hạnh phúc bên con yêu sau 5 năm điều trị hiếm muộn (Ảnh: Hữu Toàn)

Nam giới thường được coi là phái mạnh, nhưng khi được chẩn đoán là không có tinh trùng hoặc mắc các bệnh lý gây vô sinh (giãn tĩnh mạch thừng tinh, xuất tinh ngược dòng, tinh hoàn ẩn, vô tinh, nhiễm trùng….) thì rất ít người có thể giữ được bình tĩnh. Họ cho rằng việc có con chính chủ là vô vọng.

"Cách nay vài năm, những trường hợp này phải chấp nhận xin tinh trùng từ người hiến. Sự tinh vi của phương pháp trích tinh trùng từ mào tinh và tinh hoàn (micro-TESE) kết hợp với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) đã tạo nên bước đột phá trong xử trí các trường hợp vô sinh do vô tinh không do tắc (NOA), giúp các bệnh nhân này có thể có con chính chủ, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí điều trị", bác sĩ Tuấn Anh cho biết.

Vô sinh nam hiện chiếm 50% nguyên nhân trong các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong đó, tỷ lệ vô tinh chiếm khoảng 1% trong dân số và khoảng 10-15% bệnh nhân vô sinh nam. Cùng với sự phát triển của các ngành khoa học khác (di truyền, sinh học phân tử, nội tiết...), chuyên ngành vô sinh nam đã có những bước tiến đáng kể trong điều trị và góp phần trong thành công chung của lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.

Năm 2022, IVF Tâm Anh ghi nhận tỷ lệ tìm thấy tinh trùng và có thai ở bệnh nhân sử dụng phương pháp PESA, MESA, TESE đạt 100%. Đối với các trường hợp vô tinh nặng, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng từ phương pháp micro-TESE là khoảng 39%, tỷ lệ có thai thành công đạt 68.8%. Tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm tại IVF Tâm Anh thành công trung bình dẫn đầu cả nước, khoảng 68,5%. Với vợ chồng trong độ tuổi từ 28-35 tuổi, tỷ lệ này đạt tới 74,4%.

"Thuyền trưởng" IVF Tâm Anh - TTND.PGS.TS Lê Hoàng - khẳng định: "Điều trị vô sinh nam là một trong ba mắt xích quan trọng, song hành cùng phòng lab phôi học hiện đại và điều trị vô sinh nữ. Chiến lược 'kiềng 3 chân' này đã góp phần giúp IVF Tâm Anh mang lại kỳ tích cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn".

Chia sẻ