Cấm chặt đào rừng về xuôi chơi Tết: Hiểu sao cho đúng?

LONG VÂN,
Chia sẻ

Các chuyên gia ủng hộ chủ trương cấm khai thác đào rừng, bảo vệ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc phân biệt giữa đào nhà và đào rừng có nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 24/12, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết; đồng thời yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Trao đổi với phóng viên Tin Phong, GS.TS Ngô Quang Đê, Nguyên Trưởng phòng Khoa Học, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm Nghiệp (trường Đại Học  Lâm Nghiệp) cho biết, đào là cây ăn quả, thân gỗ, lâu năm, có thể vươn cao 5 - 7m. Đào phân cành thấp, cành không thẳng và nhiều nhánh. Rễ cây đào khá phát triển nhưng không ăn sâu và tập trung nhiều ở tầng đất từ 30 - 40 cm.

“Đào rừng hiểu đơn giản là đào mọc tự nhiên ở trong rừng, không phải do người dân trồng. Gỗ cây đào sử dụng được. Cây đào về lâm sinh có thể giữ đất, giữ nước …”, GS.TS Ngô Quang Đê nói.

Anh Vũ Văn Chính, quê ở Nam Định buôn đào rừng mấy năm qua cho biết, việc buôn bán đào rừng xuất phát từ nhu cầu của nhiều người muốn chơi “ngông”. Khi có khách đặt hàng, tiểu thương sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê người địa phương lên rừng tìm về. Anh Chính cho hay, nếu Nhà nước có chủ trương, anh  tuân thủ không buôn bán đào rừng; nhưng cần có tiêu chí xác định rõ thế nào là đào rừng, thế nào là đào nhà, yêu cầu những giấy tờ cụ thể gì để những người buôn bán như anh biết và thực hiện.

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể

Phó chủ tịch UBND xã Nậm Có (huyện Mù Căng Chải, Yên Bái) Thào A Cu cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ trồng đào, tổng diện tích ước khoảng 15 héc ta. Đây chủ yếu là giống đào ta, được người dân trồng xen kẽ với ngô trong vườn nhà.  Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có, tại địa phương này, những cây đào nhiều hoa, đẹp có tán đều do người dân tự trồng rồi chăm sóc. Các tiểu thương thường lên mua cả vườn đào rồi đến dịp cận tết mới thuê người chặt, đem về dưới xuôi bán. Nếu một cây đào có giá khoảng 5 triệu, thì chi phí thuê người chặt, chở về dưới xuôi sẽ mất khoảng 10 triệu. Còn đào rừng chủ yếu là những cây đào không có hoa, do phải cạnh tranh với các loài cây phát triển khác.

Phó Chủ tịch xã Nậm Có cho biết thêm, tại xã, trung bình hộ trồng đào mỗi năm thu thấp nhất khoảng 10 triệu đồng, cao nhất hơn 150 triệu đồng. Có nhiều hộ bán 1 cây đào trồng lâu năm trong vườn nhà có giá trị hàng trăm triệu đồng. "Chúng tôi ủng hộ tuyệt đối chủ trương cấm chặt, phá đào rừng của cấp trên. Nếu cơ quan nhà nước có chỉ đạo cấm chặt đào để tạo cảnh quan, xã sẽ tích cực vận động người dân", ông Thào A Cu nói.

Cũng liên quan việc phân biệt đào rừng tự nhiên và đào trồng ở miền núi hiện nay, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho hay: “Từ xưa đến nay, tỉnh cũng chưa có thống kê về diện tích đào trồng và đào tự nhiên. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể ( về việc cấm chặt đào rừng-PV) để triển khai thực hiện”.

Ngày 26/12, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi tết. Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng.
Chia sẻ