Cái tết đầu tiên sau gần 1.000 ngày đêm của chiến sĩ sống sót duy nhất vụ rơi trực thăng ở Hòa Lạc
Trở về với gia đình sau hơn 2 năm điều trị, Thượng úy Đinh Văn Dương, người sống sót duy nhất sau khi trực thăng Mi-171 rơi tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) chỉ mong có cuộc sống thương binh bình lặng, được nhìn thấy mọi người trong gia đình khỏe mạnh, các con nên người.
"Các con là nguồn động lực sống khiến tôi chiến thắng tử thần"
Chúng tôi gặp Thượng úy Đinh Văn Dương, một trong 21 chiến sĩ có mặt trên chiếc trực thăng Mi-171 và cũng là người sống sót duy nhất sau khi chiếc máy bay này rơi tại thôn Hòa Lạc (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ngày 7/7/2014.
Sau 24 tháng điều trị tại bệnh viện, anh Dương đã được đưa về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) để sinh hoạt.
Anh Dương không còn hai bàn tay, hai chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và da trên khuôn mặt co lại.
Trải qua 29 tháng nằm viện (891 ngày), 24 ca phẫu thuật, cấy ghép da với sự giúp đỡ của những bác sĩ giỏi nhất Viện bỏng quốc gia (Hà Nội) và các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, Thượng úy Đinh Văn Dương dần tỉnh táo và có được cuộc sống ngày hôm nay dù thân thể không còn lành lặn.
Anh Dương không còn hai bàn tay, hai chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và nhiều phần da trên khuôn mặt co lại. Ông trời vẫn thương Đinh Văn Dương khi trí não anh hoàn toàn bình thường, thính giác, khứu giác, khả năng ngôn ngữ của anh đã trở lại ổn định. Một bên mắt của anh thị lực còn 1/10, một bên 7/10, nhưng đó vẫn là điều quá may mắn với người từng tưởng đã về bên kia thế giới.
Mọi sinh hoạt đều nhờ sự giúp đỡ của người thân.
Anh Dương xuất ngũ tháng 9 và ra viện vào giữa tháng 12/2016. Sau đó, anh được đưa về Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) để sinh hoạt cùng gần 100 thương binh tại đây. Và hôm nay anh được về nhà để đón Tết cùng vợ con và người thân trong gia đình.
Dù không còn đôi tay nhưng anh Dương vẫn có thể lướt web, đọc báo...
Những việc này anh phải tập luyện rất lâu.
Trở về cuộc sống đời thường, anh sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng để kết nối với bên ngoài. Để có thể làm những việc tưởng chừng đơn giản như đọc báo, lướt web, uống trà,… anh Dương phải trải qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng gian khó với sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Những việc khác, anh phải nhờ sự giúp đỡ từ mẹ già hoặc vợ con.
Các con luôn là nguồn động lực lớn lao đối với anh.
Con gái cả luôn quấn quýt bố.
Tâm sự với chúng tôi, anh Dương tỏ ra lạc quan hơn. Ôm hôn hai đứa con là bé Hải Yến (6 tuổi) và Hải Anh (2,5 tuổi), anh Dương bảo: "Chúng là nguồn động lực sống khiến tôi chiến thắng tử thần và nhất là Hải Anh, nó là kỷ niệm trong cuộc đời mà tôi không bao giờ quên được".
Anh Dương cho biết, hai ngày sau khi mình và đồng đội gặp nạn, anh hôn mê và chấn thương rất nặng cũng là ngày chị Nguyễn Thị Hải (vợ anh) hạ sinh đứa con thứ hai. "Thời điểm đó là ngày vận hạn liên tục ập vào gia đình tôi, tôi gặp nạn, con gái bị gãy tay... rồi vợ sinh. Hai bên nội ngoại phải ngược xuôi chăm sóc cho cả gia đình nhỏ của tôi. 4 tháng sau gặp nạn, tôi mới tỉnh dậy, lúc đó con trai cũng đã được 4 tháng. Đó cũng là thời điểm gần cuối năm và tôi ăn Tết ở bệnh viện", anh Dương nhớ lại.
"Tết này tôi được về quê thăm gia đình, bà con làng xóm"
Nhớ về kỷ niệm Tết, anh Dương cho biết, thời điểm Tết năm 2015, anh vẫn đang phục hồi các vết thương ở Khoa liền vết thương (Viện bỏng Quốc gia). Thời điểm đó ít người được vào thăm nom nên anh rất buồn, phải nằm một chỗ, vợ mới sinh nên không có nhiều thời gian vào thăm nom chăm sóc anh được.
Đây là năm đầu tiên anh Dương được đón Tết cùng các con tại nhà sau nhiều năm ăn Tết ở viện.
"Lúc đó tôi phải dần hồi phục âm thanh, giọng nói rồi cử động. Tất cả với tôi đều rất khó khăn, lật người cũng phải tập luyện mất 3 tháng, tập ngồi mất 6 tháng... và năm ấy là cái Tết đáng nhớ và buồn vô cùng đối với tôi", anh Dương kể lại.
Dù không thể về nhà lo liệu công việc gia đình nhưng anh luôn dặn vợ chu đáo, sắm sửa đi Tết hai bên nội ngoại đầy đủ, tươm tất. Tết năm 2016, anh Dương khi ấy đã có thể ngồi trên xe lăn đi lại được và năm ngoái cũng là năm cả gia đình vợ con anh đón Tết với nhau tại bệnh viện.
Phút vui đùa của 3 bố con, những lúc như thế giúp anh xua đi những cơn đau thể xác.
Anh mong muốn được thấy các con khôn lớn từng ngày.
"Tôi đi chúc Tết tất cả các khoa phòng tại bệnh viện và cũng có duy nhất mình gia đình tôi ở đây đón Tết, các trường hợp nhẹ hơn họ về nhà. Dù vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vui vì được bên cạnh vợ và các con. Đón xong Tết cùng tôi tại bệnh viện, vợ phải đưa con về nhà nhờ người trông để đi làm", anh Dương xúc động.
Tết năm nay, anh rất phấn khởi vì được về quê đón Tết cùng người thân họ hàng, hàng xóm láng giềng mà bao năm qua anh chưa về được. "Lần này về quê tôi gặp được mọi người trong gia đình, được sum vầy sau bao năm xa cách, được gặp lại những người bạn cũ mà khi gặp nạn họ cũng đã tìm đến thăm, động viên mình, gặp để có thể kể chuyện cho nhau nghe", anh Dương tâm sự.
Anh Dương trăn trở ước nguyện xây dựng nhà tưởng niệm cho đồng đội tại chính nơi trực thăng gặp nạn.
Cuối tháng 12/2016, không thể đến từng nhà các đồng đội đã mất để thăm hỏi động viên gia đình nhưng anh đã trở lại nơi chiếc trực thăng rơi năm xưa để thắp hương cho đồng đội, đó là nguyện ước đau đáu của anh từ suốt hơn 2 năm qua. Những trăn trở về 20 chiến sĩ đã hy sinh khiến anh Dương ấp ủ ước nguyện xây dựng nhà tưởng niệm cho đồng đội tại chính địa điểm trực thăng rơi. Tuy nhiên, sức khỏe và kinh phí là nỗi lo lớn của người thương binh trong quá trình hiện thực hóa nguyện ước.
Chia tay chúng tôi, anh Dương bảo: "Dù tôi cụt chân tay và phía trước cuộc sống còn khó khăn biết nhường nào nhưng tôi không bao giờ lùi bước và gục ngã vì trước tôi còn tương lai của các con. Tôi muốn nhìn các con khôn lớn từng ngày".
7h46 phút ngày 7/7/2014, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bay huấn luyện nhảy dù đã bị mất liên lạc và rơi tại thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3 km.
Tổng số người trên máy bay gặp nạn là 21, trong đó có 16 học viên, 2 giáo viên dù và 3 thành viên tổ lái. Vụ tai nạn khiến 20 người tử vong. Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Dương, chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc Công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là người duy nhất sống sót.