Cãi nhau, lôi cả tổ tiên vào cuộc

,
Chia sẻ

Hai đứa con nít chơi đùa, giành đồ chơi rồi đánh nhau, thế là hai bà mẹ là Lan và An xót con, bênh con mình đúng và cãi nhau liên tục 3, 4 ngày.

Ông bà tổ tiên từ bao đời, bao ấm ức, thói xấu được dịp tung ra nhức hết lỗ tai hàng xóm.

Biết chị An tôn trọng ông bà, tổ tiên, chị Lan cứ lôi các bậc tiền bối đó ra chửi. Càng chửi, chị càng hăng máu, gán ghép chị An với những gì xấu xa, ghê tởm, đáng khinh bỉ nhất, nghe mà phát sợ”, anh Huy Hoàng, quận 2 HCM ngao ngán kể lại cuộc chiến võ mồm kinh hoàng của hai bà mẹ trẻ trong khu phố mình tuần trước.

Ngày đầu tiên, chị Lan lôi cố tổ, từ đường chị An từng làm việc gì xấu ra bêu riếu, gán ghép cho những điều độc ác, tồi tệ. Sang ngày thứ hai, chị An tức tối "phản pháo", cũng lôi cha mẹ, ông bà, tứ đại đồng đường của chị Lan ra chửi với những lời cay độc. Chị còn thể hiện nguyện vọng được tự tay thực hiện hình phạt lên đối phương. Chị Lan cũng không vừa, trù ẻo cho đối phương gặp họa sát thân để thoả mãn cơn tức.

Tôi phải khâm phục hai cô ấy, chửi rất hay, chửi bài bản, có vần có điệu. Cả xóm được 3 ngày đinh tai nhức óc với tiếng chửi rủa thâm độc”, Hoàng nhận xét.

Ông Thái cùng xóm bức xúc nói: “Tôi thật không hiểu các chị ấy có ăn, học làm gì. Họ hết gán cho ông bà, tổ tiên là 'họ hàng' của các loài vật. Rồi ghép cho ông bà, tổ tiên ngày xưa làm nghề cướp giật, lừa đảo…”.

Không thỏa mãn với số "độc giả" ít ỏi trong nhà, hai chị còn ra tận đầu ngõ để thông báo cho cả thiên hạ, “Ới làng nước ơi”, “Bà con ra mà xem này” hay “Trời cao đất dày ơi”… để càng nhiều người biết càng hả giận.

Chưa thấy lợi lộc ở đâu, chỉ có điều sau hôm đó trở đi, khi nguôi giận, chẳng ai dám đến gần nhà nhau nữa. Lũ trẻ bị cấm tiệt chơi chung, thậm chí cả việc nhắc đến tên "nhà nó". Hàng xóm xung quanh cũng không vui vẻ gì khi thấy hai hộ nọ đằng đằng sát khí. Khu phố từ hôm đó trầm lắng hẳn đi.

Bà Lan, quận 6, TP HCM, 75 tuổi cũng lắc đầu ngao ngán khi nghe hàng xóm của mình lôi ông bà tổ tiên ra chửi.

Bà kể, trong cuộc sống, xung đột láng giềng là điều khó tránh khỏi. Nhưng chửi nhau như cái kiểu chú Nam và nhà cô Dân trong xóm thì khiến bà lo lắng, bởi bà sợ các con, cháu mình sẽ học theo.

Bình thường, hai vị hàng xóm này gọi nhau thân mật là anh Nam, chị Dân. Nhưng bữa đó, vì xung đột trong việc làm cống thoát nước chung, họ đem toàn ông bà, tổ tiên của nhau ra chửi cho bõ tức, như: “Tiên sư!”, “Cha bố tiên nhân”, “Tiên sư họ nội họ ngoại, họ gần họ xa, họ năm đời giở lên, họ ba đời giở xuống!”… Nhà này chửi qua, nhà kia chửi lại, cố tình tìm kiếm những lỗi lầm, điều chưa đúng của gia đình nhau để thóa mạ. Rồi còn đổ lỗi do ông bà không “ăn ở, tích đức” nên đẻ ra một bầy con cháu gian ác.

Tôi cũng là người gần đất xa trời, con cháu rất nhiều, nhưng kiểu chửi nhau của các cô, chú trong xóm khiến tôi thấy bức xúc. Họ tự đưa nhau lên ngang hàng với ông bà tổ tiên của nhau để phán xét. Thật là không ra thể thống gì cả”, bà Lan tâm sự.

Bi hài không kém là cảnh cãi nhau như "tấu hài" ở nhà chị Hồng Nhung, quận 4, TP HCM. Ông xã và chú ruột của chị mỗi lần nhậu xỉn là bắt đầu kể khổ, than trách tổ tiên.

Hai "ma men" mất hết lý trí, đem tứ đại đồng đường ra chỉ trích. Họ kể tội ông bà không biết làm ăn nên nghèo khổ từ đời trước đến đời sau, khiến cho họ phải chịu cảnh cơ cực, vất vả… Có hôm, chú chị ôm mặt khóc rưng rứt, chồng chị an ủi, dỗ dành như với một đứa trẻ. Rồi anh ta cũng kể lể hoàn cảnh và nỗi buồn đàn ông không làm nên cơ nghiệp lớn của mình. Hai chú cháu tranh nhau khẳng định ông bà của ai khổ hơn, tổ tiên người nào làm con cháu vất vả hơn. Có lúc không ai chịu ai, nhào vô đánh nhau khiến trẻ hàng xóm sang xem chật ních.

Theo thạc sĩ Bùi Hồng Yên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, khi xung đột, không ít người chọn cách giải quyết là đánh nhau, hoặc chửi bới để đối phương "mất mặt", tức tối, nhằm thỏa mãn cơn tức. Nhưng sau những cơn bộc phát đó, hậu quả thường là tình làng nghĩa xóm, tình anh em sứt mẻ. Họ lúc đó có ân hận cũng đã muộn vì lời nói bay đi không thể lấy lại, huống hồ là những câu "sắc như dao". Người trong cuộc còn bị xã hội, dư luận đánh giá là hỗn láo, bất kính với ông bà tổ tiên.

"Vì vậy, 'lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau' lúc nào cũng là vẫn là câu răn dạy chí tình, chí lý. Chúng ta nên biến chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không để có những người bạn, hàng xóm tốt. Họ là những người gắn bó và đi cùng chúng ta trong suốt hành trình dài của cuộc đời", thạc sĩ góp ý.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ