“Cãi” mẹ chồng thành công

Lan Anh,
Chia sẻ

Mẹ chồng nói “những kinh nghiệm nuôi con của tôi lúc nào cũng đúng vì thằng bố nó vẫn khỏe mạnh, lực lưỡng đấy thôi” nhưng có những cách bà áp dụng y học cũng phải “bó tay”…

Quan hệ con dâu – mẹ chồng vốn khá phức tạp. Thực tế, có nhiều bà mẹ chồng hàng ngày than thở, cằn nhằn về cô con dâu, ngược lại nàng dâu cũng không ngớt ca cẩm về bà mẹ chồng sao mà khó tính.

Khó khăn cải thiện mối quan hệ này, nhiều chị tâm sự: “cuộc chiến giữa mẹ chồng và con dâu đích thực là gian nan”.

“Cãi” lại mẹ chồng thành công, các cô con dâu rất đắc ý với ý tưởng này. Nhưng, hoàn toàn không như các cô nghĩ, phải “cãi” làm sao cho mẹ chồng ngày càng yêu quí mình hơn, sao cho “tình thương, mến thương”. Các bà vợ hoàn toàn có thể làm được việc đó mà không phải kéo các đức ông chồng vào cuộc rồi nhận ánh nhìn ngán ngẩm: “Sao em không chịu thông cảm cho mẹ, mẹ già rồi, anh ở giữa, biết nghe ai?”

 

Từ khi đứa con bé bỏng ra đời, mẹ chồng - nàng dâu ai cũng tìm cách chứng tỏ mình giữ vai trò quan trọng với bé. Thế là mâu thuẫn, mẹ chồng dựa vào kinh nghiệm nuôi trẻ còn cô con dâu ỷ sinh ra đứa trẻ và cập nhật các phương pháp nuôi dưỡng trẻ hiện đại.

Đầu tiên là việc đặt tên cho con. Chị Mai muốn đặt tên cho con nghe oách oách một chút thì mẹ chồng lại vắt óc nghĩ ra những cái tên xấu xí cho dễ nuôi nào Tí, Tẹo, Tún… Định bụng  “Bây giờ là thời nào rồi, mà mẹ sợ tên đẹp, ma quỷ sẽ bắt thằng nhỏ” nhưng cũng may chị lấy được bình tĩnh giải thích cho mẹ hiểu cái tên chỉ để gọi  nhưng rất quan trọng vì nó theo cháu cả đời. Đặt tên xấu khi  đi học cháu tự ti vì bạn bè chế nhiễu, cũng ảnh hưởng công việc sau này… Sau một hồi hờn mát, cũng may mẹ chồng chị thấu hiểu cho.
 
Chị Lan tâm sự, mẹ chồng dạy dỗ cháu mình không phải nói điều gì. Bà chăm cháu rất chu đáo nhưng theo cách nhiều khi rất khó chịu của bà. “Ngày xưa, mẹ toàn thế này, thế kia, có sao đâu...”, “Những cách dân gian của các cụ cấm có sai điều gì”… Những lúc như vậy mình chỉ biết ấm ức, chờ mẹ đi khỏi lại “nuôi con theo cách của mình”.

Thực tế có những kinh nghiệm các cụ ta để lại có ích giúp chăm sóc trẻ an toàn trong khi lại có những cách chăm sóc con hiện đại lại có thể gây hại cho trẻ thì các bà mẹ trẻ cần cân nhắc những lời khuyên hữu ích của mẹ chồng.

Đơn giản như khi trị rôm sảy cho trẻ, mẹ chồng đưa ra lời khuyên: Lấy gừng tươi giã nhỏ bôi lên vùng da nổi rôm,  tắm cho cháu bằng lá dâu tằm, dùng lá bọ mẩy vừa uống vừa bôi… sẽ tốt hơn khi nàng dâu dùng phấn rôm, hay bôi thuốc cho con vì da của trẻ nhạy cảm, có thể bị tổn thương, dị ứng… Nghe theo cách tốt này, bạn không phải nghe mẹ chồng cằn nhằn “đấy mẹ đã bảo sao con không chịu nghe”, mà lại được tiếng con dâu ngoan.

Chị Dung: “Lúc bà khuyên mình trị rôm cho con bằng lá dâu tằm, mình thấy bà vui trông thấy. Hai mẹ con cùng đi kiếm lá dâu về tắm cho con, bà còn nói “mẹ còn nhiều cách nuôi con mọn lắm, học dần con sẽ quen. Bà cười với mình như thể mình là đứa con dâu ngoan nhất trên đời.”

Nếu thấy các cách mẹ chồng đưa ra không ổn thay vì nói “Khoa học bây giờ khác rồi mẹ ơi,  dù sao thì ứng dụng công nghệ tiến bộ vẫn hơn mẹ à...”, nên giải thích cho mẹ hiểu để bà cũng có thể áp dụng những cách đó chăm cháu giúp bạn mỗi khi bạn bận bịu công việc hay vắng nhà.

Như việc dùng tã cho con chẳng hạn, mẹ chồng muốn dùng tã vải, bạn thì chọn tã giấy. Tã vải sẽ khiến trẻ khó chịu vì ẩm ướt, phải thay cho con liên tục trong khi bạn lại bí thời gian. Bạn hãy nói cho mẹ những ích lợi của tã giấy: tã giấy tốt đã qua kiểm định rất an toàn, tiện lợi, thấm hút tốt cho trẻ sự thoải mái, có đủ kích cỡ cho trẻ theo độ tuổi,… Lúc đó, bà mẹ chồng nào cũng muốn học cách sử dụng tã giấy để tự mình thay cho cháu.

Lần này, khi cháu ốm, mẹ chồng chị Vân lại ra tay với mấy bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, cháu sốt cao, chị như ngồi trên đống lửa muốn cho con đi khám xem tình hình thế nào mà mẹ chồng cứ bôi, giã, đắp hết lá nọ, lá kia nhất định không cho cháu uống kháng sinh vì sợ cọc người, không lớn được. Thấy cách của mẹ khiến y học cũng phải “bó tay”, chị vội vàng bảo mẹ để con đưa cháu đi bác sỹ thì nhận được cái “cái lườm rát má”. Đến nơi, bác sỹ nói: “Để muộn một tí thì nguy”. Mẹ chồng chị lúc đấy mới nhỏ nhẹ “Xót cháu quá!, cũng may cho cháu tôi là mẹ nó nhanh trí”.

Quan hệ gữa con dâu với mẹ chồng sẽ có “nguy cơ” nếu những cô con dâu chăm sóc thái quá đức ông chồng, hoặc bắt bẻ chồng trước mặt bà. Bà mẹ chồng thường có cảm giác “mất con” sau khi cậu con trai lập gia đình. Những lúc đó, nàng dâu cần tế nhị, khéo léo kẻo mẹ chồng mủi lòng…

Trong tề gia nội trợ, các cô con dâu cần học hỏi nhiều điều từ mẹ chồng nhưng nếu mẹ tiết kiệm chi tiêu quá thì sao? Thay vì mặc kệ bà mà mua la liệt, bạn hãy học cách tiết kiệm chi tiêu cho hợp lý.

Chị Hà biết mẹ chồng có tính tiết kiệm, thấy chị tiêu hoang một tí là bà tỏ ý không vừa lòng. Lúc hai mẹ con nấu nướng với nhau, chị thủ thỉ: “Con muốn bữa cơm ngon, đủ chất cho cả gia đình vì anh Thành làm việc vất vả, các cháu học hành căng thẳng và đặc biệt là mẹ già rồi cũng cần tầm bổ cho mẹ khỏe để sống lâu với các cháu”. Nghe câu nói mát ruột đó, bà nói với con trai: “Con Hà ngoan, cũng biết lo nghĩ, chăm chút cho gia đình chồng”.

Con đường đến với trái tim mẹ chồng là đi qua bản năng làm mẹ của bà. Tâm lý mẹ chồng thường thích dạy dỗ, khuyên bảo. Nàng dâu khôn ngoan không chờ đến lúc mẹ chồng "lên lớp" mà tự nguyện đăng kí học hỏi ở bà những kinh nghiệm như nấu ăn, chăm sóc chồng con, vun vén gia đình… Tuyệt vời biết bao khi chưa đầy 30 tuổi mà bạn đã có trong tay tất tần tật những kinh nghiệm dân gian “vàng” của mẹ chồng lại có cả những kinh nghiệm học hỏi từ sách báo, thông tin khoa học bạn tích lũy được. Hãy trao đổi với mẹ, mẹ sẽ không bảo thủ nếu cô con dâu đưa ra những ý kiến hay, đúng… Hãy trở thành cô con dâu đảm, ngoan, hoạt bát, có chính kiến, dám chắc các bà mẹ chồng sẽ có những câu chuyện: “Con dâu tôi, ôi nó ngoan!”…
 
Lan Anh
Chia sẻ