Cái Giếng - Biểu tượng, sinh mạng của làng quê Việt Nam mà "cấm ai được phép xâm phạm"

Thuỵ Anh,
Chia sẻ

Cây đa - giếng nước - sân đình. Ba biểu tượng tạo thành cái kiềng ba chân lưu giữ những nét đặc trưng của làng xã. Cuộc cách mạng nước sạch khiến các giếng làng lui về phía sau, nhường vai trò cung cấp nước sinh hoạt cho các bể giếng khoan, cho những nhà máy nước. Nhưng ở mỗi làng quê của Việt Nam dường như vẫn không thể thiếu bóng dáng của giếng làng, giống như mỗi gia đình không thể thiếu hình bóng của cha ông.

Những thế hệ lớn lên từ giếng làng

Chẳng biết từ bao giờ giếng làng đã xuất hiện, trở thành mạch nguồn nuôi sống bao thế hệ ở làng quê. Những cái giếng được xây từ đá ong kiên cố, chạm đúng vào mạch nước mát lành của quê hương và cấp nước quanh năm cho làng xã. Những thế hệ lớn lên từ giếng làng không chỉ là những thế hệ xa xưa mà chính thế hệ của những mẹ, những cô nhà mình về nhà chồng cũng vẫn còn ra giếng làng gánh nước.

Có nhiều làng xây giếng riêng cho đàn ông đi cày bừa về rửa chân. Đó là những giếng nước vuông vắn, tượng trưng cho đất, cho sự khỏe khoắn của những người đàn ông lực điền. Giếng tròn và nhỏ được dùng cho các bà các cô thay giặt, sinh hoạt hàng ngày. Còn giếng tròn và to, ở vị trí trung tâm là giếng cung cấp nước ăn của cả một làng quê ngày đó. 

Giếng làng ơi, biết bây giờ ai thương nhớ ai? - Ảnh 1.

Giếng làng Chuông (huyện Thanh Oai). Ảnh: Lê Bích.

Nhưng không phải làng nào cũng có đủ ba cái giếng như vậy. Đôi khi chỉ có một giếng khơi to dưới gốc cây đa để cả làng ra sử dụng. Nhờ cấu tạo của giếng rất sâu, thường được xây bằng đá ong và đáy là đá cuội nên nguồn nước bao giờ cũng trong và mát, gần như là nơi cung cấp nước ăn duy nhất của cả một vùng. 

Chính vì thế, giếng quan trọng như sinh mạng của làng xã. Mỗi làng đã có những quy ước riêng về việc sử dụng giếng. Không một ai được phép làm vấy bẩn nước giếng hoặc sử dụng giếng sai mục đích. Giếng là tài sản của cả làng, không chỉ để cung cấp nước mà còn để dự trữ nước cho ngày nắng hạn. 

Chẳng có ai ở làng dám xâm phạm đến giếng. Bởi vì động đến giếng là động đến sự sống của chính mình. Sống ở làng là lối sống cộng đồng, sống phải biết nhìn người trước người sau. Có lẽ điều sợ nhất với những người ở làng là bị hàng xóm xa lánh, bị làng xã xì xào. Có ai là người phải gánh nước giếng làng một mình lầm lũi, có ai phải thui thủi sớm hôm mà không có người hỏi thăm. Tình làng tình xóm bao giờ cũng sâu sắc như lòng giếng khơi.

Một lý do quan trọng nữa khiến người dân làng không dám động đến giếng vì coi giếng như một vật thiêng. Có nơi xây giếng làng để “trấn trạch”, mong một cuộc sống bình yên đầm ấm. Có nơi giếng như một tấm gương để ai đi qua sẽ soi bóng và tâm niệm phải biết lẽ sống. Và cũng có những nơi, người làng mỗi lần đi qua giếng đều phải dừng lại chào, như chào một bậc cao niên đạo mạo. 

Những cô gái, chàng trai sinh ra từ làng thời gắn liền với cái giếng khơi thường chẳng thể nào quên những ngày đi gánh nước, những ngày gặp nhau ở sân giếng nói chuyện mùa màng. Giếng lặng lẽ, chứng kiến biết bao sự đổi thay của thời cuộc, bao niềm vui, nỗi buồn của người dân quê và cả những cuộc ly hương chưa hẹn ngày trở lại. 

Giếng làng ơi, biết bây giờ ai thương nhớ ai? - Ảnh 2.

Giếng làng Viên Ngoại xã Viên An huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Theo lời kể của dân làng thì giếng từng bị lấp đi. Sau đó trong làng có nhiều việc không hay xảy ra nên mọi người đã họp bàn và nhiều gia đình trong làng đã góp tiền phục hồi giếng như hiện nay. Ảnh: Lê Bích.

Giếng làng ơi, biết bây giờ ai thương nhớ ai?

Nước sạch đến với làng quê như một cuộc cách mạng lớn, thay đổi cả nếp sống sinh hoạt của làng xã. Có những đứa trẻ, như chúng tôi sinh ra từ làng nhưng trong lòng không có ký ức về cái giếng. Mỗi lần nghĩ về cái giếng đã bị lấp đi ở giữa làng, chúng tôi chỉ nghĩ đến những ngày tháng tuổi thơ vui chơi, trồng rau chôn xác ve ở miệng giếng. Những cái giếng làng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, lui về sau để chứng kiến sự đổi thay của làng xã. Nhưng với những người dân quê đã từng có cả một thời gánh gánh gồng gồng thì có bao giờ quên được buổi sáng dậy sớm gánh nước giếng trong, buổi chiều đi làm đồng về ngồi nghỉ ở bên bến nước. Đôi lúc, có những bà những mẹ nấu cơm trong bếp, chợt nhớ quay quắt cái giếng làng như nhớ một người thân đã đi xa. 

Đâu đó có những làng xã trong công cuộc nông thôn mới vẫn giữ gìn, bảo tồn giếng làng như một kỷ vật, một biểu tượng của một thời quần cư đáng nhớ. Giếng không chỉ là “nhà máy nước” đơn thuần, mà còn là một nét đẹp trong văn hoá, là biểu tượng của sự sống, của mạch nguồn nuôi dưỡng bao thế hệ. 

Giếng làng ơi, biết bây giờ ai thương nhớ ai? - Ảnh 3.

Giếng Miếu tại xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) hiện thành nơi trồng sen. Ảnh: Lê Bích

Nhiều người thương cái giếng, tiếc một phần văn hoá của làng xã mà không nghĩ rằng đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Nhiều khi tôi nghĩ, không biết tôi thương giếng nước làng tôi nay chỉ còn là ký ức hay chính giếng nước đầu làng thương chúng tôi, những đứa con xa quê không còn bóng hình cái giếng thân thuộc. 

Chẳng biết rồi ai thương nhớ ai, tôi biết giếng không còn buồn vì cũng đã sống một cuộc sống trong lành, mát ngọt. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu giếng chỉ bảo tồn để làm biểu tượng thì liệu chính cái giếng đó có buồn, có thương cho mình không?

Giếng làng ơi, biết bây giờ ai thương nhớ ai? - Ảnh 4.

Giếng ở xã Cao Thành huyện Ứng Hoà - Hà Nội. Ảnh: Lê Bích.

Rồi mặt trời vẫn lên mỗi sớm, lịch sử vẫn bình lặng thổi qua cuộc sống của người dân quê, cuộc đời của những giếng làng. Giá trị văn hoá đôi khi không nằm ở vật thể mà nằm ở chính tâm tưởng, hồn cốt của mỗi con người. Và giếng làng cũng vậy, rồi cũng sẽ như ông cha ta, dù có như thế nào vẫn luôn giữ mãi bóng hình trong tâm thức của những người con quê hương.

Chia sẻ