Cách xử trí 'cơn ác mộng' khi ô tô kẹt chân ga

Theo CÔNG HIẾU(tổng hợp)/VTC News,
Chia sẻ

Ô tô kẹt chân ga khi đang di chuyển là “cơn ác mộng” của bất cứ lái xe nào, trong tình huống này lái xe cần bình tĩnh xử trí tuần tự theo các bước dưới đây.

Chân ga ô tô có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình vận hành của chiếc xe. Do đó, khi chân ga xe ô tô bị kẹt, chiếc xe có thể rơi vào tình trạng mất lái rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể xử lý được. Khi gặp tình huống này, lái xe hãy thực hiện các thao tác xử lý sau đây để hạn chế tối đa những tai nạn nghiêm trọng.

Cách xử trí 'cơn ác mộng' khi ô tô kẹt chân ga - Ảnh 1.

Kẹt chân ga là tình huống vô cùng nguy hiểm tài xế cần hết sức bình tĩnh để xử trí. (Ảnh minh họa: Vinfastauto)

Giữ bình tĩnh : Mặc dù là sự cố nguy hiểm nhưng kẹt chân ga có thể xử lý được nếu tài xế không lúng túng, hoảng hốt. Mất bình tĩnh không những không thể giải quyết vấn đề mà còn có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng không đáng có.

Tuyệt đối không tắt máy : Tắt máy khi xe bị kẹt chân ga, hệ thống trợ lái bị vô hiệu hóa, tay lái bị cứng làm cho  việc điều khiển xe trở nên vô cùng khó khăn, chiếc xe rơi vào tình trạng nguy hiểm khi chạy với tốc độ cao.

Không thực hiện kéo tay phanh : Phanh tay chỉ có tác dụng giúp xe đứng yên khi xe không hoạt động với tính năng giữ bánh sau để xe không bị trôi đi. Vì vậy, khi chân ga bị kẹt, xe vẫn đang hoạt động thì phanh tay không có tác dụng. Nếu người lái cố tình phanh tay sẽ làm bánh sau bị khóa lại, xe dễ bị trượt mất kiểm soát.

Dùng mũi chân phải nâng bàn đạp ga lên : Tuyệt đối không dùng mũi chân trái vì sẽ gây vướng víu. Bên cạnh đó, chân trái nên dùng để đạp côn và thử phương pháp khác nếu cách này không phát huy tác dụng.

Tiến hành đạp phanh hết cỡ : Lái xe cần chú ý sử dụng lực đều chứ không ngắt, nhả liên tục vì trợ lực của phanh sẽ vô tác dụng. Với xe số sàn, lái xe cần tiếp tục đạp lút côn để động cơ không truyền động xuống bánh. Còn xe số tự động, chỉ cần đạp và giữ đều chân phanh, tuyệt đối không đạp côn.

Đưa xe về số N : Sau khi đã đạp chân phanh, tài xế cần bình tĩnh ngắt truyền động của xe bằng cách đưa xe về số N. Cố gắng điều khiển xe tránh va chạm với các phương tiện khác và giảm tốc từ từ, không để xe rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Gọi trợ giúp từ cứu hộ : Khi xe đã dừng hoàn toàn, người lái và hành khác trên xe đã được an toàn, sự cố kẹt chân ga xe ô tô cơ bản đã được xử lý, tài xế có thể ra khỏi xe và nhờ sự trợ giúp từ đội cứu hộ, không cố gắng khởi động lại xe.

Vì sao xe bị kẹt ga?

Ô tô kẹt chân ga là tình huống bàn đạp ga bị kẹt cứng khi xe đang di chuyển. Lúc này người lái không thể kiểm soát chân ga, không thể tăng/giảm ga như bình thường. Có nhiều nguyên nhân khiến xe bị kẹt chân ga như: hệ thống phần mềm xe bị lỗi, bướm ga gặp vấn đề, lò xo hồi vị bàn đạp ga bị yếu/hỏng… Ngoài ra cũng có thể do chân ga bị vướng, mắc kẹt bởi một đồ vật nào đó trên sàn xe như thảm lót sàn, chai nước, thậm chí điện thoại di động…

Khi ô tô kẹt chân ga, xe sẽ đột ngột tăng tốc dễ khiến tài xế mất bình tĩnh, thậm chí là hoảng loạn, làm tăng khả năng gây ra những tai nạn đáng tiếc. Cụ thể tình huống này, xe có thể đạt đến vận tốc 200km/h và hệ thống phanh gần như đã bị vô hiệu hóa.

Cách xử trí 'cơn ác mộng' khi ô tô kẹt chân ga - Ảnh 2.

Kẹt chân ga khiến xe mất kiểm soát tốc độ. (Ảnh minh họa: Vinfastauto)

Tài xế có thể nhận biết các dấu hiệu xe ô tô bị kẹt chân ga thông qua các biểu hiện như: xe mất phanh, đồng hồ tua máy đột ngột dâng cao trên 3000 rpm (vòng/phút), xe tăng tốc bất ngờ, hay tốc độ của xe không thể giảm cả khi tài xế nhả hay đạp phanh.

Chia sẻ