Cách pha ly trà măng cụt màu tuyệt đẹp và món chè mới lạ cho trưa hè nóng nực

Ngọc Hà,
Chia sẻ

Ly trà măng cụt đẹp tuyệt và món chè mới đang được các bà nội trợ đua nhau kết hợp thành thức uống bắt mắt, thơm ngon vô cùng.

Trà măng cụt hoa đậu biếc

Quả măng cụt ngọt thanh, chua dịu được nhiều người ưa thích, gần đây được kết hợp thành thức uống bắt mắt, màu xanh tím biếc, thơm ngon vô cùng - gọi là món trà măng cụt hoa đậu biếc.

 - Ảnh 1.

Nguyên liệu

3 trái măng cụt

10 hoa đậu biếc khô (chọn hoa khô, không ẩm mốc, màu xanh tím đậm, có nguồn gốc rõ ràng).

25gr đường

120ml nước nóng

2 nhánh cỏ xạ hương (mua ở các cửa hàng bán dược liệu)

1/2 quả chanh

Một ít đá viên.

Cách làm trà măng cụt đậu biếc

Măng cụt lột vỏ, lấy 2 trái tách thành từng múi nhỏ (giữ nguyên 1 trái để trang trí sau).

Lấy 120ml nước nóng, thả 10 hoa đậu biếc khô vào và khuấy đều, ủ 15 phút là có loại nước trà màu xanh đậm.

Vớt hoa đậu biếc ra, cho 25gr đường vào khuấy đều và thả tiếp những múi măng cụt nhỏ vào ly, dầm nát cho ra hết nước.

Cho đá vào ly, thả 2 nhánh xạ hương cùng chỗ măng cụt còn lại vào. Tiếp tục cho đá viên đầy ly thì vắt 1/2 quả chanh vào.

Trang trí ly trà hoa đậu biếc bằng 1 lát chanh, hoặc ruột quả măng cụt (vừa để lại) lên thành ly và thưởng thức.

Thành phẩm: Trà măng cụt có màu xanh tím nhạt rất đẹp mắt. Nước uống có vị chua của chanh, vị ngọt thanh của măng cụt rất thú vị, giải nhiệt, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. 

 - Ảnh 3.

Trà măng cụt đậu biếc tuyệt đẹp. Ảnh minh họa.

15 phút xong món chè măng cụt

Măng cụt xưa nay hay dùng ăn tươi, không mấy người biết cách làm chè măng cụt như sau:

Nguyên liệu (2 người)

Măng cụt 300gr

Nước cốt dừa 150ml

Đường nâu 80gr

Bột năng 50gr

Lá dứa 4 cái

Cách làm chè măng cụt

Lá dứa rửa sạch, cắt khúc, xay nhuyễn với 100ml nước rồi lọc qua rây lấy nước, bỏ bã.

Măng cụt rửa sạch, cắt bỏ vỏ ngoài, lấy thịt và tách từng múi lăn qua bột năng cho dính đều từng múi măng cụt.

Đổ nước cốt lá dứa, nước cốt dừa, đường và 100ml nước lọc vào nồi khuấy đều. Đun trên lửa nhỏ đến khi sôi thì bắc xuống.

Cho từng miếng măng cụt bọc lớp áo bột năng vào nồi nước khác luộc tới khi thấy các múi măng cụt nổi lên, lớp bột năng bên ngoài đã trong thì vớt ra bỏ vào tô nước đá lạnh (hoặc nước sôi để nguội) giúp măng cụt giòn và ngon hơn.

Thêm đường nâu vào, khuấy tan thì tắt bếp.

Khi ăn múc hỗn hợp nước lá dứa, nước dừa ra ly, thả măng cụt vào và thưởng thức.

Thành phẩm: Món chè măng cụt rất ngon khi dùng chung với đá viên, hoặc cho vào tủ lạnh 3 giờ rồi lấy ra ăn rất ngon. Món chè măng cụt thơm mát giữa trưa hè này làm chỉ tốn 20 phút.

 - Ảnh 5.

Măng cụt không chỉ ăn tươi, mà còn làm nhiều món ăn, đồ uống lạ miệng. Ảnh minh họa.

Cách chọn mua măng cụt tươi ngon

Nên chọn mua măng cụt to hơn quả bóng bàn một chút vì nhiều thịt, hạt không to, ưu tiên măng cụt baby không hạt. 

Tránh mua quả to bởi vỏ dày và múi nhỏ.

Măng cụt chín màu đỏ sậm tự nhiên, không bị dập, chai cứng, bóp quả thấy mềm và đều tay.

Kinh nghiệm dân gian cho rằng, quả măng cụt có những vệt mủ màu vàng bám ngoài vỏ sẽ ngon ngọt hơn quả có vỏ rám màu xám sần sùi.

- Măng cụt rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng chỉ nên ăn 30g/ngày, tuần ăn 2 - 3 lần là đủ. Nếu ăn nhiều quá sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

- Hàng ngày ăn đều măng cụt trong 12 tháng có thể nhiễm axit lactic nặng (chất này hay tích tụ bất thường trong máu, gây buồn nôn, điều trị có thể gây sốc, đe dọa đến tính mạng (nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Ketting -Mỹ).

- Ăn quá nhiều măng cụt có thể bị dị ứng nhẹ (mề đay, mẩn đỏ, sưng, ngứa, phát ban), thậm chí gây sưng miệng, môi, họng, hoặc tức ngực.

- Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên ăn măng cụt 2 tuần trước khi phẫu thuật vì có thể tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc sau khi phẫu thuật.

- Các tác dụng phụ khác gồm mất ngủ, đau bụng, đau cơ, nhức đầu nhẹ, đau khớp, giấc ngủ bị gián đoạn, buồn nôn liên tục, khó thở, choáng váng ánh sáng và chóng mặt. Khi thấy một trong các triệu chứng trên nên dừng ăn măng cụt ngay. Hầu hết các tác dụng phụ của măng cụt là tạm thời, khắc phục bằng cách giảm liều lượng, ăn vừa đủ, không nên ăn quá nhiều.

Ai không nên ăn măng cụt

Người hay bị dị ứng (nổi mề đay, mẩn đỏ da, sưng, ngứa) hạn chế dùng măng cụt, và dừng ăn khi thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nói trên.

Bệnh nhân ung thư không nên ăn vì măng cụt có thể ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của xạ trị, thuốc hóa trị.

Người bị bệnh về tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy...), hoặc hệ tiêu hoá kém nên hạn chế ăn măng cụt, vì có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng, kích thích không tốt cho dạ dày.

Người bị bệnh đa hồng cầu (một rối loạn khi tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu, dẫn đến tăng số lượng hồng cầu trong máu) tránh dùng măng cụt vì có thể làm tăng khối lượng hồng cầu.

Chia sẻ