Cách Nhật Bản thu hút du khách khám phá sumo: Kinh nghiệm quý phát triển du lịch – thể thao song hành cho Việt Nam
Theo hãng tin AFP, các chuyến tham quan xem cách huấn luyện võ sĩ sumo và tận mắt chứng kiến biểu diễn võ thuật tại Nhật Bản đang thu hút sự quan tâm lớn của du khách.
Sau một thời gian dài thế giới đóng cửa vì Covid-19, nhiều du khách quốc tế rất muốn tới du lịch Nhật Bản và khám phá môn võ truyền thống của nước này là sumo. Sự quan tâm của du khách càng được khơi dậy nhiều hơn sau khi bộ phim truyền hình mới của Netflix là Sanctuary được trình chiếu.
Đại dịch Covid-19 và một bộ phim mới hút du khách tới với sumo
Sumo là môn thể thao quốc gia của Nhật Bản, với hàng trăm năm tuổi và có truyền thống lâu đời. Lâu nay, sumo đã là một yếu tố thu hút du khách từ khắp thế giới đến với Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho biết sự quan tâm đã tăng vọt trong những năm gần đây và đang có nhiều đơn vị trong ngành du lịch phát huy tối đa sức hấp dẫn mới này.
Tại một buổi biểu diễn vào giờ ăn trưa gần đây, hai võ sĩ sumo oai vệ đang chuẩn bị đồ để thi đấu biểu diễn trong một nhà hàng ở Tokyo đầy ắp khách du lịch đang cổ vũ.
Sau màn thi đấu nhẹ nhàng, khán giả đổ tới chụp ảnh các võ sĩ sumo to lớn. Du khách cũng có thể chọn mặc trang phục sumo, đội tóc giả và thử sức thi đấu với các chuyên gia sumo đã nghỉ hưu.
"Những đứa trẻ rất phấn khích. Bản thân tôi cũng rất vui khi được tới đây và thử sức với họ", Kiernan Riley, du khách 42 tuổi đến từ Arizona, Mỹ cho biết.
"Họ đã thể hiện một màn trình diễn tuyệt vời. Đây chắc chắn là một trong những điểm nổi bật của chuyến đi lần này", Kiernan bày tỏ.
Các buổi biểu diễn này được tổ chức 3 lần 1 tuần. Vé cho 1 lần vào xem, bao gồm giải thích bằng tiếng Anh và một bữa ăn thịnh soạn, có giá 11.000 yên (76 USD). Du khách có thể đặt trước và cần đặt trước vì vé bán hết rất nhanh. Hiện vé cho 6 tuần tiếp theo đã được bán hết.
Một trong những ngôi sao của các màn biểu diễn này là cựu đô vật chuyên nghiệp hàng đầu Takayuki Sakuma, hay còn gọi là Jokoryu. Anh cao 1,87m và nặng 170 kg ở thời kỳ đỉnh cao.
Võ sĩ 35 tuổi hiện đã nghỉ hưu chia sẻ: "Khi bạn đã là một vận động viên chuyên nghiệp, cuộc sống của bạn gắn liền với sumo. Và kể cả trong các buổi biểu diễn, tính chất chuyên nghiệp đó cũng không được xem nhẹ. Nhưng để giải trí cho mọi người, chúng tôi thêm vào một chút sự hài hước. Điều quan trọng nhất là làm cho mọi người coi sumo là một nét văn hóa đặc biệt".
Cựu đô vật sumo nghiệp dư John Gunning, người từng đại diện cho quê hương Ireland của anh trong các giải đấu, đã từng chia sẻ trên truyền hình Nhật Bản rằng sự phổ biến của môn thể thao này ở nước ngoài đã "tăng lên rất nhiều" trong vòng 5 đến 10 năm qua.
Nhưng trong thời kỳ Covid-19, sự quan tâm đến môn thể thao này còn gia tăng mạnh mẽ hơn nữa khi những người bị mắc kẹt trong thời gian phong tỏa khám phá những sở thích mới.
Và việc phát hành bộ phim Sanctuary trong năm nay, một loạt phim mới của Netflix lấy bối cảnh thế giới sumo, cũng giúp giới thiệu môn thể thao này với khán giả mới.
"Tôi thấy nhiều người nói rằng bộ phim đó là dịp đầu tiên họ tiếp xúc với sumo," Gunning nói.
Hiệp hội Sumo Nhật Bản năm ngoái cũng đã ra mắt một kênh YouTube bằng tiếng Anh, "Sumo Prime Time" và liên tục đăng tải các video thu hút hàng chục nghìn lượt xem.
Ken Miller, một chuyên gia 68 tuổi kỳ cựu về sumo, đã chỉ cho các nhóm du khách Mỹ khu vực Ryogoku, thánh địa của môn thể thao này tại Nhật Bản. Đây cũng là nơi có đấu trường sumo nổi tiếng Kokugikan. Cứ 3 lần/ năm, vào tháng 1, tháng 5 và tháng 9, Kokugikan tổ chức các giải đấu quốc gia quy tụ các ngôi sao sumo hàng đầu trước sự cổ vũ của hơn 10.000 người hâm mộ.
Để có trải nghiệm khám phá thế giới sumo với Ken, mỗi du khách cần trả vài trăm USD. Ken cũng nói rằng ông đã nhận được đặt lịch cho nhiều chuyến đi năm tới.
Tìm lại giá trị thực sự của sumo trong văn hóa Nhật Bản
Miller nói: "Tôi sẽ giải thích cho các du khách rằng sumo không chỉ là một môn thể thao, nó là một phần của văn hóa. Và nguồn gốc của sumo còn liên quan rất nhiều đến Phật giáo, Thần đạo. Sumo cũng là một cách sống."
Khi đến với thế giới sumo, các du khách cũng có cơ hội tới thăm "heya" – khu vực các đô vật sumo sinh sống và tập luyện theo những truyền thống nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, do sự quan tâm ngày càng tăng, nhiều heya đã cấm các chuyến thăm cá nhân và chỉ cho phép các tour du lịch theo nhóm được đặt qua một số đại lý nhất định, hướng dẫn viên Yuriko Kimura cho biết.
Yuriko chia sẻ: "Khi chúng tôi bắt đầu triển khai các tour khám phá sumo, chúng tôi dẫn tour một hoặc hai lần một tuần. Lúc đầu, mọi người không biết nhiều về sumo. Nhưng sau đó sự quan tâm tăng vọt vào khoảng năm 2018-2019".
"Tôi nói với du khách rằng điều quan trọng trong chuyến thăm là thể hiện sự tôn trọng đối với các võ sĩ sumo. Nếu người dân từ các quốc gia khác biết những điều nên làm và không nên làm, họ sẽ không làm điều gì sai khi tiếp xúc với môn võ truyền thống Nhật Bản."
Khi vào bên trong các heya, du khách phải ngồi yên và im lặng khi ngắm nhìn để không làm phiền các đô vật tập luyện.
Một heya ở trung tâm Tokyo, có một khung cửa sổ lớn và mỗi ngày có hàng chục du khách tới để xem các buổi huấn luyện.
Yuka Suzuki, 61 tuổi, vợ của một cựu võ sư, chính là người đã lắp đặt khung cửa sổ này. Mục đích ban đầu của bà là để cộng đồng xung quanh biết nhiều hơn về sumo và không còn coi môn võ này là "huyền bí".
"Nhưng không chỉ người dân địa phương, những người từ khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu đến đây," bà nói.
Bà Yuka cũng bày tỏ hi vọng nhờ sự quan tâm hiện nay, người dân Nhật Bản sẽ bắt đầu khám phá lại môn thể thao quốc gia đặc sắc này. "Các đô vật trẻ đến với thế giới sumo là để thử thách bản thân, nhưng nếu người Nhật ngày càng ít chú ý đến sumo, môn võ này cuối cùng cũng sẽ biến mất", bà cho hay.