Cách nào để nhận biết thực phẩm dùng chất tẩy trắng?

Hương Thu,
Chia sẻ

Những loại thực phẩm được người dân ưa chuộng sẽ trở nên độc hại nếu dùng chất tẩy trắng. Vì vậy, người tiêu dùng nên biết cách nhận biết những loại thực phẩm có chứa chất tẩy trắng để bảo vệ sức khỏe của mình.


Thời gian gần đây, nhiều người hoang mang khi cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ việc thực phẩm tẩy trắng bằng hóa chất. Việc sử dụng những hóa chất phụ gia này trong thực phẩm sẽ có những tác động đến gì sức khỏe và cách nào để nhận biết?

Để trả lời câu hỏi trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan (Giảng viên Hóa, ĐH Khoa học tư nhiên TP.HCM).

Về các hóa chất tẩy trắng được dùng trong bảo quản, làm trắng thực phẩm, tiến sĩ Lan cho biết có một số loại chính, phổ thông nhất là chất làm trắng có nguồn gốc từ họ Sulfit như SO2, Natri Sulfit (Na2SO3), Natri  Bisunfit (NaHSO3) và hay được dùng nhiều là chất Hydro Sunfit (Na2S2O5).

Theo tiến sĩ, Hydro Sunfit là chất có khả năng tẩy trắng nhanh, mạnh, được dùng nhiều trong tẩy rửa công nghiệp.“Nếu như các chất trên được dùng nhưng giới hạn dư lượng thì Hydro Sunfit bị cấm hoàn toàn trong tẩy rửa công nghiệp vì hoạt tính cao và độc hại”, bà Lan cho biết.

Ngoài ra, một số hóa chất làm trắng khác cũng được sử dụng nhiều như nước Javen (NaClo), Oxalic axit (H2C2O4), nước Oxy già (H2O2)…

Không dễ nhận biết thực phẩm có ngâm chất tẩy trắng

Về cách nhận biết thực phẩm có sử dụng chất tẩy trắng, theo tiến sĩ Lan, việc này không dễ nhận biết. “Thông thường, để nhận biết một cách chính xác đồ ăn, thức uống có hóa chất làm trắng và sử dụng nhiều hay ít thì phải dùng chất thử. Cũng có thể nhận biết bằng mắt thường một số loại thực phẩm nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng để ý kỹ khi đi mua”, bà Lan giải thích. Một số loại thực phẩm có thể nhận biết bằng cảm quan như:

Măng: Dựa vào cảm quan có thể phân biệt được măng tươi tự nhiên và măng ngâm hóa chất. Theo đó măng tươi tự nhiên khi đã muối thường có màu vàng tươi nhạt, còn măng ngâm hóa chất màu trắng nhợt nhạt hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Nếu măng tự nhiên để một thời gian sẽ có màu hơi thâm đen trong khi hàng ngâm hóa chất có màu trắng phau. Ngoài ra măng không ngâm hóa chất thường dai, không giòn; còn măng bị ngâm hóa chất giòn, bẻ dễ gãy.

thực phẩm tẩy trắng
Măng tươi tự nhiên khi đã muối thường có màu vàng tươi nhạt, còn măng ngâm hóa chất màu trắng nhợt nhạt. (Ảnh minh họa)

Đối với dừa, hầu hết khi lột vỏ xong đều được ngâm vào thùng nước có chứa hóa chất làm trắng. Bà Lan phỏng đoán, loại chất này rất có thể là Hydro Sunfit vì làm trắng nhanh và trắng rất lâu.

“Theo cơ chế từ nhiên, dừa khi lột vỏ chỉ khoảng 15 phút là sẽ bị thâm.Vì vậy tốt hơn cả là người dân không nên mua dừa nguyên quả thay vì đã lột vỏ sẵn. Nếu thấy dừa trắng sáng quá mức, không có dấu hiệu bị thâm đen thì không nên mua”, tiến sĩ cho biết.

Tuy nhiên, nếu mua phải dừa đã ngâm chất tẩy trắng, người dân cũng không nên quá lo lắng vì các chất này rất khó để thấm qua lớp sọ và ngấm vào nước, cơm dừa. Bà nói: “Nếu dừa ngâm trắng bằng các chất như SO2, Natri Sulfit (Na2SO3), Natri  Bisunfit (NaHSO3) thì không đáng lo, chỉ cần rửa kỹ bằng nước sạch là có thể sử dụng. Nhưng đối với dừa non mà ngâm bằng Hydro Sunfit (Na2S2O5) thì không nên dùng vì có thể chất này sẽ ngấm vào bên trong, làm thay đổi mùi vị nước dừa”.

thực phẩm tẩy trắng
Chất tẩy trắng khó để thấm qua lớp sọ và ngấm vào nước, cơm dừa. (Ảnh minh họa)

Nhiều hải sản cũng được ngâm chất tẩy trắng họ Sunfit, Oxalic Axit (H2C2O4), nước Javen vì các chất này vừa có tác dụng bảo quản, làm trắng giúp hải sản trở nên tươi hơn. “Phương pháp làm tươi hải sản an toàn là bảo quản đông. Nhiệt độ càng cao thì càng để được lâu. Nhưng để nhận biết các loại tôm, cá, mực… có dùng chất làm trắng hay không thì phải dùng qua chất thử. Nếu người tiêu dùng mua hải sản mà ngửi thấy mùi Clo thì chắc chắn là đã được ngâm nước Javen”, bà Lan cho biết.

thực phẩm tẩy trắng
Một số hải sản cũng bị ngâm chất tẩy trắng. (Ảnh minh họa)

Một số loại bún, bì heo, lòng heo cũng được ngâm chất tẩy trắng. Như đối với bún, độ trắng tùy theo chất lượng gạo. Người ta hay sử dụng Oxalic Axit trong việc làm trắng bún. Ngoài ra, chất tinopal có khả năng phát huỳnh quang và gây ra hiệu ứng tán xạ trên bề mặt sản phẩm mà chúng bám vào làm cho sản phẩm sáng trắng và bóng bẩy hơn cũng hay được sử dụng làm trắng bún, bánh phở. Chất này không được phép sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm.

thực phẩm tẩy trắng
Độ trắng của bún tùy theo chất lượng gạo. (Ảnh minh họa)

Để nhận biết, nếu thấy bún có màu trắng tinh, bóng loáng và không tự nhiên như màu trắng của gạo thì là đã được sử dụng hóa chất làm trắng.


thực phẩm tẩy trắng
Nếu bún có phát sáng huỳnh quang thì có thể đã bị tẩy trắng. (Ảnh minh họa)

Đối với bì heo, bình thường để ngoài không khí một thời gian sẽ không còn trắng nữa.Vì vậy, dấu hiệu để nhận biết bì dùng chất tẩy là khi thấy có màu trắng tinh và không hồng hào.“Còn lòng, bao tử heo nhất là loại đã luộc rồi thì tốt nhất không nên mua nếu thấy trắng quá mức”, bà nói.

Đường cũng là sản phẩm được sử dụng chất tẩy trắng tuy nhiên phải đúng các loại hóa chất nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Natri Hydrosulphite có tên khoa học là NaHSO3 là hóa chất được dùng nhiều trong công nghiệp được dùng để tẩy đường. Theo bà, tốt nhất người dân nên mua đường có nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu rõ ràng thay vì các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Có thể gây tử vong

Có những loại chất tẩy trắng như Oxalic axit, nước Javen, Natri Sulfit… được cho phép nhưng chỉ với liều lượng nhất định. Khi sử dụng quá dư lượng sẽ gây nên nôn ói, chóng mặt, tiêu chảy. Theo tiến sĩ, vẫn chưa nhận thấy khả năng gây ung thư của những chất làm trắng trên. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên thi các độc tốc cũng sẽ tích tụy và tiềm ẩn khả năng bị ung thư.

“Với những người mẫn cảm, khi sử dụng thực phẩm có dư lượng Hydro Sunfit cao sẽ giảm huyết áp, gây nên cơn co thắt phế quản. Về lâu dài họ sẽ bị hen xuyễn thậm chí hôn mê dẫn đến tử vong nếu quá mẫn cảm và liều lượng cao”,Tiến sĩ Lan nhận định.



Chia sẻ