Cách đối phó để tránh bị ốm khi thời tiết chuyển sang rét đậm

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, miền Bắc đang chuẩn bị đón đợt rét đậm. Vì vậy, việc giữ sức khỏe để không bị ốm trong những ngày này là rất quan trọng.

Dưới đây là một số lưu ý phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe trong những ngày rét đậm:

Đối với người già

Người già có sức đề kháng kém, khi tiếp xúc với môi trường lạnh sẽ tăng chuyển hóa sản sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt. Ở người bình thường thì gặp trời lạnh, mạch máu dưới da co lại còn mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra do co mạch dưới da. Nhưng ở những người già yếu, người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, khả năng này bị rối loạn, dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não, đột quỵ, liệt dây thần kinh số 7 gây méo miệng, liệt mặt, tê cóng.

Chính vì vậy, người già cần hạn chế đến mức tối đa việc ra ngoài, nhằm tránh những tai biến đột ngột có thể xảy ra. Trong trường hợp cần thiết, gia đình nên bố trí để người già di chuyển bằng những những phương tiện kín gió như ô tô, tàu hoả.

Ngoài việc lưu ý đến quần, áo, khăn quàng đủ ấm, cần tránh để người già bước ra ngoài đột ngột từ trong nhà ra ngoài, hoặc trên tàu, xe bước xuống bởi nhiệt độ bên trong và ngoài quá chênh lệch có thể sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu não, gây tai biến. Bên cạnh đó, cần động viện người già tăng cường sử dụng thực phẩm, đồ uống tăng cường nhiệt như thịt, cháo bổ dưỡng, trà gừng…

Đối với trẻ nhỏ

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng  BV Bạch Mai nhiệt độ xuống quá thấp, trời mưa ẩm thấp, kết hợp với luồng không khí lạnh tăng cường là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp đặc biệt trong đó có trẻ nhỏ.

1
Giữ sức khỏe cho trẻ trong những đợt rét đậm rất quan trọng (ảnh minh họa)

Nguyên nhân là vì khi hít thở, không khí được niêm mạc mũi - họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản. Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc mũi - họng không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường, không khí hít vào có nhiệt độ thấp làm hệ thống hô hấp hoạt động kém và dễ gây các bệnh mũi - họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi.

Khi trời lạnh, cần hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngời, cần hết sức chú ý cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa.

Cho trẻ vui chơi nơi kín gió cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên, nhất là ban đêm nếu cần đắp thêm chăn cho trẻ, nhưng không nên quấn quá chặt khiến trẻ khó thở. 

Giữ ấm cơ thể (mặc ấm, đi găng, tất đầy đủ, đội mũ trùm tai để trẻ không lạnh), đặc biệt là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... nhất là khi chở trẻ ngoài đường.

Đối với người lao động ngoài trời

Đối với người lao động vì cuộc sống mưu sinh nên những ngày rét đậm họ vẫn làm  bình thường. Vì vậy trong quá trình làm việc ngoài trời cần mặc ấm, nên trang bị bảo hộ lao động cần thiết, bổ sung nước thường xuyên. Bởi sự thay đổi thời tiết đột ngột như nóng quá hoặc lạnh quá đều có thể kích hoạt thần kinh giao cảm và xuất tiết những hormone gây stress như cathecholamine dẫn đến tai biến do tăng huyết áp. 

Trời lạnh còn làm tăng hiệu ứng trên da do tác động se da và co mạch ngoại biên. Vì vậy việc làm việc ngoài trời lạnh cũng không kém gì nguy hiểm so với trời nắng. Vì thế những người lao động ngoài trời cần tránh uống các chất kích thích trước khi ra ngoài trời lạnh để tránh nguy cơ bị trúng gió, cảm lạnh.

Đến cơ sở y tế ngay nếu thấy có dấu hiệu bất thường

Khi thấy người già trong những trường biểu hiện như: Nhức đầu, chóng mặt hiện tượng quên hoặc rối loạn cảm xúc (buồn giận thất thường...), rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, cấm khẩu, méo mồm hoặc nặng hơn là liệt nửa người cần phải tới ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Đối với những người bị tai biến khi thời tiết giá rét, trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến hãy để bệnh nhân nằm nơi ấm áp, kín gió; tăng cường nhiệt, giữ ấm ngực, cổ, đầu và bẹn bằng những thiết bị tăng cường nhiệt như chăn, túi chườm. Chú ý, không nâng cao chân người bị nạn vì làm vậy máu sẽ dồn nhiều về phía trên người, khiến chân bị băng lạnh nhiều hơn.

Với bất kỳ đối tượng nào đảm bảo chất dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng
Chia sẻ