Cách để các bà mẹ thể hiện sự "giàu có" là gì? Không phải nhà xe hay điểm số, câu trả lời quá thực tế
Theo bạn, thế nào là một bà mẹ "giàu có"?
* Bài viết của Trần Dương, một blogger chuyên về nuôi dạy con ở Trung Quốc.
Tôi nhớ cách đây khoảng 4, 5 năm, có một người bạn mất liên lạc nhiều năm bỗng dưng liên hệ, mời tất cả bạn bè và con cái của họ một bữa ăn. Được biết, thời gian gần đây hai vợ chồng cô bắt đầu kinh doanh và thành công, thu nhập hàng năm lên tới hàng trăm hoặc hàng chục triệu NDT. Họ mua nhiều biệt thự, xe sang, sống vương giả. Những đứa trẻ nhà cô ấy được nâng như trứng hứng như hoa, không thiếu bất cứ đồ xa xỉ nào.
Bữa tiệc tối thực chất là màn "khoe khoang giàu có" của cô. Vài đứa trẻ con bạn bè nhìn bữa tiệc xa xỉ, những đồ chơi đắt tiền không khỏi trầm trồ, mơ ước.
Trên thực tế, có thể hiểu rằng một người mẹ nội trợ đã làm việc toàn thời gian suốt 5 năm, một người chồng thất nghiệp, gia cảnh khó khăn, sau khi khởi nghiệp thành công, cô cần phải gấp rút chứng minh cho người khác thấy rằng mình cuối cùng có thể sống một cuộc sống tốt đẹp, con mình không thua kém ai.
Nhưng bẵng đi 1 thời gian, vài ngày trước, cô bạn này lại tìm đến nhờ vả vì biết tôi là cố vấn tâm lý. Cậu con trai 10 tuổi của cô trở nên thu mình và không hòa đồng với các bạn cùng lớp. Gần đây, cậu bé không muốn đến trường.
Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh hiện tại của cô, tôi nhận ra rằng sau khi gia đình bỗng trở nên giàu có dẫn đến có quá nhiều vấn đề.
Trước hết, cô bỏ ra rất nhiều tiền vào việc dạy kèm cho con với mong muốn chúng đạt điểm cao và có tương lai tốt đẹp. Lúc đầu, đứa trẻ khá hợp tác, nhưng yêu cầu của mẹ quá cao. Đứa trẻ mới bước vào tiểu học và đã bị ép học hành mệt mỏi.
Thứ hai, vợ chồng cô gặp nhiều rắc rối. Chồng cô bắt đầu dùng mánh khoé, xảy ra tranh chấp về ý tưởng kinh doanh, quyền sở hữu và chuyển nhượng tài sản. Bố mẹ chồng đứng ngoài cuộc vì sợ con mang lại rắc rối cho gia đình.
Tính cách của trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ trong gia đình và thay đổi rất nhiều.
Cách để các bà mẹ thể hiện sự giàu có của mình là gì?
Bạn có thể khoe điểm số, thứ hạng của con mình; khoe thông tin số dư thẻ ngân hàng; khoe chìa khóa của một chiếc xe hơi sang trọng... Tất cả đều là một kiểu "phô trương giàu có". Nhưng cách "im lặng" nhất để các bà mẹ thể hiện sự giàu có của mình là gì?
Trước đây, tôi không biết câu trả lời là gì, nhưng khi gặp cô bạn cùng lớp cấp ba Tiểu Viên, tôi nhận ra nhiều điều. Khi Tiểu Viên học cấp ba, cô ấy khá bình thường. Hơn hơn mười năm không gặp, cô trông đẹp hơn dù không trang điểm.
Sau khi nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra rằng các đặc điểm và hình dáng khuôn mặt của cô ấy không hề thay đổi, nhưng đôi mắt, nụ cười và phong thái đều khác, khiến cô ấy trông xinh đẹp hơn rất nhiều. Đặc biệt là đôi mắt rất sáng, trông như đang sống một cuộc sống rất hạnh phúc.
Quả thực là cô đang hạnh phúc.
Cô có một người chồng chu đáo, có thể không kiếm được nhiều tiền, nhưng đối với Tiểu Viên và các con, anh là người chồng người cha mẫu mực. Cô có hai đứa con rất đáng yêu. Nghe nói một đứa học rất giỏi, đứa kia điểm trung bình, nhưng điều tự tin và ngoan ngoãn, yêu cha mẹ rất nhiều. Dường như niềm hạnh phúc của cô là do chính những người xung quanh ban tặng.
Nhưng sự cho đi luôn có tính tương hỗ. Cô cũng sẽ chuẩn bị đồ ăn khuya khi anh đi làm thêm đến nửa đêm về mà không phàn nàn rằng chồng kiếm được ít tiền hơn. Cô không bao giờ giáo dục con áp đặt quá mức nên các con sẽ rất tự tin và có mối quan hệ tốt với mẹ;
Vậy cách vô hình nhất để các bà mẹ thể hiện sự giàu có của mình là gì? Nếu chỉ có một câu trả lời thì đó phải là "hạnh phúc".
Đằng sau "hạnh phúc" là gì?
Một người họ hàng của tôi đặt tiêu chuẩn rất cao về thành tích học tập của con mình. Giờ đây, khi đứa trẻ bị trầm cảm, cha mẹ bắt đầu hối hận vì đã ép con quá nhiều.
Mặc dù thế giới ngày càng trở nên thú vị hơn với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và điều kiện vật chất dư dả nhưng thế giới của trẻ em dường như càng lúc càng thu hẹp. Trẻ bị mắc kẹt trong một lớp học với bốn bức tường từ sáng đến tối. Ngày cuối tuần, ở nhà chúng cũng vùi đầu vào ôn luyện hay những lớp học thêm.
Cha mẹ cứ nói đó là vì "tương lai" của con, nhưng đã bao giờ nghĩ đến "hiện tại" của con chưa? Trẻ em không yêu cầu cha mẹ phải làm ông này bà nọ, chúng cũng không quan tâm liệu gia đình có giàu có như phần còn lại của thế giới hay không. Vậy thì tại sao chúng ta lại yêu cầu con phải xuất sắc mọi lúc, mọi môn?
Đứa trẻ là của chúng ta, nhưng nó không phải "vật sở hữu" của chúng ta. "Nuôi con giàu" là sự hỗ trợ, hiểu biết về mặt tinh thần, không ép buộc trong học tập mà là định hướng, động viên, khuyên nhủ.
Nhà giáo dục Dewey đã từng nói: "Trong sự phát triển của cuộc sống của mỗi người, không có giáo viên nào quan trọng hơn cha mẹ, gia sư tốt nhất là tình cảm vợ chồng". Một ngôi nhà ấm áp không chỉ nuôi dưỡng thế giới tinh thần của con gái, mà còn làm cho mọi người đều tự tin, lạc quan và yêu đời.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ có tình yêu, là bởi vì chúng được sống trong tình yêu. Từ nhỏ đã chứng kiến tình yêu của cha mẹ, đứa trẻ cũng có thể biết thế nào là tình yêu, học cách yêu thương, dùng năng lượng tích cực của riêng mình để lan tỏa đến tất cả mọi người xung quanh.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự "giàu có" rất tự tin và có cảm giác an toàn bên trong, không mắc "bệnh ngôi sao" và ít kiêu ngạo, tự phụ. Họ cũng điềm tĩnh, lịch sự và suy nghĩ cởi mở về mọi việc. Họ là những cô gái, chàng trai có trí tuệ cảm xúc cao, có thể đối mặt với chính mình và hiểu được điểm mạnh điểm yếu của bản thân. Lời nói, hành động và cách trò chuyện mang lại cho người khác cảm giác thoải mái, bình yên.
Một gia đình ấm áp, những đứa trẻ được tôn trọng. Đó là sự giàu có mà một người làm mẹ có thể mang đến cho con mình.