Cách chữa bệnh lạ lùng: Rắn cắn tay trái đắp thuốc tay phải
Trải qua hơn 60 năm, nhiều người từng bị rắn độc cắn cận kề cái chết đã được ông chữa khỏi lành lặn. Người ta gọi ông là “vua” trị rắn độc của núi rừng.
Khắc tinh của rắn độc
Những người dân ở bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng vẫn thường truyền tai nhau về ông lão chuyên chữa trị cho người bị rắn độc cắn. Dù người bệnh đã gần “thập tử nhất sinh” nhưng dưới bàn tay tài hoa cùng phương thuốc quý hiếm được lưu truyền từ đời trước, ông Triệu Văn Quán (77 tuổi) vẫn cứu được người bệnh khỏi lưỡi hái của tử thần.
Theo lời ông Quán kể thì, trước đây cụ thân sinh của ông có đi sang vùng Hoa Nam ở Trung Quốc để buôn bán cùng một nhóm bạn. Trong chuyến đi đó, khi đang đi vào rừng, một người trong đoàn bị rắn độc cắn đến ngất lịm, người tím tái tưởng chết. May sao khi đang khiêng người bị rắn cắn thì tình cờ gặp được một danh y đi ngang qua. Sau khi làm các động tác nắn bóp, người này chạy tới gần đó ngắt một ít lá cây, nhai nát rồi đắp vào phía bên kia của vết thương, sau đó lấy băng quấn lại. Chỉ chưa đầy một tiếng sau, người bị rắn cắn đã khỏe mạnh trở lại như chưa hề bị hề hấn gì cả.
Thấy sự kỳ diệu của lá “thần dược”, cha của ông Quán đã mang về trồng tại vườn nhà để đề phòng khi có người bị rắn độc cắn, vì ở cái miền sơn cước này, chuyện bị rắn cắn mà nhất là những loại có chất độc rất hay xảy ra và rất nhiều người đã phải bỏ mạng.
Kể từ khi có được thứ thuốc thần chuyên trị rắn cắn, đã nhiều lần cha của ông Quán ra tay cứu giúp những người dân trong bản bị rắn độc cắn tưởng chết đến nơi. Và thứ thuốc ấy cũng đã cứu chính bản thân ông Quán trong lần đi rừng đốn củi.
Cũng từ lúc này, ông Quán đã xin cha chỉ dạy cho cách để cứu người khi bị rắn độc cắn cũng như cách trồng và sử dụng loại thuốc lá cây "khắc tinh" của nọc rắn kia.
Đoạt mạng khỏi tay tử thần
Theo ông Quán nhớ, kể từ khi hành nghề cho đến nay không biết bao nhiêu người đã qua tay ông chữa trị và thoát chết vì bị rắn cắn. Mấy ngày trước, ngay ở bản Khuông, có anh Chung Văn Ý (SN 1989) bị rắn cạp nong cắn vào ngón trỏ tay phải lúc nửa đêm khiến cho cả cánh tay thâm tím, phù nề. Tức tốc đến gõ cửa nhà “vua rắn” nhờ chữa trị, anh Ý được con trai cụ Quán là anh Triệu Văn Lạnh chạy ra vườn hái mấy lá cây vào rửa sạch, giã nát, cho vào vải màn rồi băng vào bắp tay trái.
Đó là chị Nông Thị Phúc, ở trong Lũng Thông, đi chặt củi bị con rắn đỏ như hòn lửa lao ra cắn trúng bàn tay trái tới ngất đi. Chồng chị phải đưa đến nhà ông đắp thuốc gần một tháng trời. Người Trung Quốc bảo loại rắn đỏ này cắn thì vô phương cứu chữa nhưng nhờ kiên trì đắp lá thuốc vào tay mà chị Phúc qua được.
Ông Quán bật mí, người bị rắn cắn tuyệt đối không được dùng thứ “thần dược” này băng bó vào chỗ bị thương vì làm như vậy sẽ làm cho nọc độc không có lối để bài tiết ra ngoài. Theo ông Quán, để giữ được mạng sống việc trước tiên phải ngừng cử động, sau đó tìm một sợi dây, thắt chặt cách vết thương khoảng 20-25cm mà y học gọi là buộc garô. Việc làm này vừa có tác dụng ngăn ngừa chất độc từ vết thương lan nhanh vào cơ thể để kéo dài thời gian chất độc phát tác. Sau đó sẽ dùng lá cây đắp vào vị trí ngược với vị trí bị cắn, giả dụ bị rắn cắn vào tay trái sẽ đắp thuốc vào tay phải hoặc giả bị cắn vào ống chân phải, sẽ đắp thuốc vào ống chân trái.
“Lá của loại cây này có chất nhựa như một dạng kháng sinh có thể ngăn chặn được chất độc của nọc rắn lan khắp cơ thể. Nếu rắn cắn ở bàn tay, cổ tay trái thì bó thuốc ở bắp tay hoặc bên tay phải, chất nhựa sẽ ngấm qua da rất nhanh chóng. Nếu người bị rắn cắn ở vùng cổ và mặt thì cũng làm tương tự”, ông Quán cho biết.
Giờ đã bước sang cái tuổi gần thứ 80 của cuộc đời, ông Quán đã quyết định truyền thứ nghề chữa rắn độc cắn cho con trai thứ hai của mình. Trải qua 3 đời, gia đình ông đã giúp cho không biết bao nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Mặc dù ông Quán chẳng có giấy phép chứng nhận là thầy thuốc, nhưng biệt tài chữa rắn độc cắn của ông Quán đã chữa cho vô số người khỏi bệnh mà ông cũng không đòi tiền ai nên phía chính quyền cũng không ngăn cấm mà còn tạo điều kiện.