Cách chăm sóc hoa đào ngày Tết từ lời khuyên của chủ vườn đào ở Nhật Tân
Để hoa đào nở rộ và đẹp trong suốt dịp Tết Nguyên đán, chúng ta sẽ phải chăm sóc thật tỉ mỉ.
Vốn là 1 loài hoa biểu trưng cho mùa xuân, được trưng bày trong hầu khắp các gia đình ở miền Bắc, việc sắm sửa cây/cành hoa đào dường như là nét riêng không thể thiếu mỗi dịp Tết Nguyên đán. Tuy chúng ta chỉ cần mua về và chăm sóc trong dịp Tết kéo dài chừng nửa tháng, nhưng để cây/cành hoa đào nở rộ và đẹp lại là điều không dễ.
Với những bật mí về cách chăm sóc hoa đào ngày Tết từ lời khuyên của các chủ vườn đào ở Nhật Tân - nơi trồng nhiều đào lâu năm và có tiếng nhất miền Bắc, mong rằng dịp Tết này nhà bạn sẽ có được cây đào, cành đào nở rộ cực đẹp trong suốt những ngày đầu xuân năm mới.
Cách chăm sóc tại nhà để hoa đào nở rộ khoe sắc, tươi tắn đón Tết 2023
Dù là cành hay cây, bạn cũng nên tuân thủ những quy tắc khi chăm sóc thì đào mới có thể nở đẹp, tươi tắn suốt dịp Tết được. (Ảnh: Lam Anh)
* Đối với cành đào:
Theo chia sẻ của anh Tuấn Anh (chủ vườn đào Văn Sĩ, Tây Hồ, Hà Nội) - người chuyên trồng và bán các loại cành đào cho biết, sau khi mua cành đào về, đúng là các bạn chỉ việc cắm vào nước, khi nào hoa tàn thì bỏ đi. Song, bạn sẽ cần lưu ý 1 số vấn đề sau:
"Đối với cành đào, các bạn phải luôn giữ nước trong bình hoa sạch. Hàng ngày, hãy nhớ thường xuyên thay nước để hoa được tươi và đặt bình hoa ở hướng ít gió, ít ánh nắng và đủ độ ấm. Không cần phải cho thêm B1 hay bất cứ thứ gì khi tưới cho cành đào, chỉ cần nhớ hãy giữ nước dùng để cắm đào thật sạch." - Anh Tuấn Anh nói.
* Đối với cây hoa đào:
Theo chia sẻ của 1 chủ vườn đào khác, nếu bạn chọn cây đào để chơi trong dịp Tết Nguyên đán, cách chăm sóc sẽ khác hơn 1 chút so với cành đào:
"Bạn nên đặt cây đào ở vị trí ít gió, có độ ẩm vừa. Không để cây đào tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Ngoài ra, các bạn cũng cần phải tưới nước cho cây đều đặn. Lượng nước chỉ cần vừa đủ làm ẩm đất là tốt nhất vì hoa đào chuộng khô và nước nhiều sẽ dễ úng. Chú ý, nước dùng để tưới đào nên là nước lạnh nhé!"
Để chăm sóc đào trong tết, bạn cần tưới 1 lượng nước ấm vừa đủ (khoảng 45 đến 50 độ C) quanh gốc cây. Hãy nhớ lặp lại hành động này từ 4 - 6 lần/1 ngày để cây đào đủ ấm và phát triển tốt, đơm hoa kết trái.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tưới vào gốc cây loại phân lân và phân kali được pha loãng với nước. Trong trường hợp hoa nở chậm, bạn cũng có thể dùng bóng đèn tạo không gian ấm cho hoa nở.
Cách trồng lại đào sau Tết
Theo anh Tuấn Anh chia sẻ, với cành đào thì các bạn không thể trồng lại. Tuy nhiên, với cây đào thì khác, sau tết - khi đào nở hết lộc non và các nụ còn lại, bạn hoàn toàn có thể tự trồng lại đào tại nhà.
"Khi hạt của quả đào nở ra, mọc mầm, bạn có thể bắt đầu chuyển ra trồng vào đất. Tuy nhiên, trước khi đem đào vào trồng trong đất mới, hãy nhớ tưới nước, tỉa bớt cành lá, hạt đất rồi trồng bầu.
Được 1 năm, khi gốc phát triển to thì cắt cụt đi, ghép mắt mình muốn trồng (ví dụ: đào bích, phấn hồng…). Khi ghép vào được 1 thời gian, mầm nảy cao 1 chút thì mình đánh đi và trồng theo từng gốc.
Sau đó tiến hành tưới phân, tưới nước, phun thuốc cho đào mọc lên. Ngoài ra hãy nhớ tiến hành cắt tỉa, tưới phân đều cho đào đỡ bị sâu là được." - Anh Tuấn Anh nói thêm.
Dịp Tết Nguyên đán sắp đến, không khí sẽ ngày càng trở nên ấm áp và tràn ngập màu sắc hơn nếu trong nhà bạn có thêm cây đào. Chưa kể, nhiều người cũng quan niệm, việc cây đào nở đẹp hay không sẽ dự báo tình hình trong năm của gia đình bạn như thế nào. Do đó, đừng quên lưu lại cách chăm sóc hoa đào ngày Tết nhé. Chắc chắn nó sẽ giúp bạn chăm sóc hoa đào tốt hơn, để hoa đào nhà bạn có thể bừng nở, đẹp tươi tắn suốt cả dịp Tết!