Các trường chờ đợi hướng dẫn xây dựng tổ hợp môn lớp 10

Dương Tâm - Bình Minh - Mạnh Tùng,
Chia sẻ

Môn Lịch sử có phần bắt buộc, tổ hợp lựa chọn môn từ năm thành bốn khiến các trường phải thay đổi kế hoạch, nhưng chưa rõ phải thay đổi ra sao.

Môn Lịch sử có phần bắt buộc, tổ hợp lựa chọn môn từ năm thành bốn khiến các trường phải thay đổi kế hoạch, nhưng chưa rõ phải thay đổi ra sao.

Giữa tháng 7, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch xây dựng chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12. Kế hoạch này nhằm đáp ứng yêu cầu môn Lịch sử cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn được nêu trong nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6.

Theo chương trình ban hành năm 2018, học sinh học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Học sinh học thêm năm môn lựa chọn, được chọn trong ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Với thay đổi liên quan đến môn Lịch sử, số môn và hoạt động bắt buộc tăng từ bảy lên tám. Vì vậy, Bộ dự kiến các trường xây dựng tổ hợp chỉ bốn môn lựa chọn thay vì năm. Bộ lưu ý các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên để điều chỉnh giảm một môn trong các tổ hợp năm môn học lựa chọn đã xây dựng trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện chưa rõ học sinh có còn cần phải chọn ít nhất một môn trong mỗi nhóm trên hay không.

Do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ về việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn, các địa phương chưa có hướng dẫn gì khiến nhiều trường chỉ biết chờ đợi dù đã trong giai đoạn nhập học cho học sinh trúng tuyển lớp 10.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ. Khi có quy định rõ ràng, Sở sẽ có hướng dẫn tới các trường THPT.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức thông tin từ cuối tháng 4, trường đã xây dựng 10 tổ hợp môn lựa chọn định hướng Khoa học tự nhiên và năm tổ hợp Khoa học xã hội cho học sinh. Nay Lịch sử trở thành môn bắt buộc, nhà trường phải thiết kế lại tổ hợp bốn môn lựa chọn.

"Đến nay, Bộ vẫn chưa nói rõ là bốn môn lựa chọn có buộc phải nằm trong ba nhóm môn như cũ không. Học sinh đã nhập học nhưng trường không biết trả lời phụ huynh thế nào", Hiệu trưởng này cho biết.

Các trường chờ đợi hướng dẫn xây dựng tổ hợp môn lớp 10 - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội hôm 18/6. Ảnh: Giang Huy

Tương tự, trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (Hà Nội) cũng đang chờ đợi phương án cụ thể từ Bộ để có sự điều chỉnh phù hợp. "Chắc chắn trường phải thay đổi cách thức lựa chọn môn. Với dự kiến từ Bộ, tôi nghĩ việc này không khó khăn nhưng vẫn phải chờ đợi", Hiệu trưởng Nguyễn Gia Khánh nói.

Theo phương án ban đầu, trường Lê Quý Đôn - Hà Đông xây dựng năm tổ hợp môn lựa chọn, trong đó ba tổ hợp thiên Tự nhiên và hai Xã hội. Dù chưa điều chỉnh theo hướng Lịch sử có phần bắt buộc và số môn lựa chọn giảm từ năm thành bốn, ông Khánh cho rằng việc sắp xếp môn trước tiên phải dựa vào nhu cầu của học sinh, sau đó là cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường. Vì vậy, nhà trường mới phát bản đăng ký nguyện vọng cho những học sinh vừa trúng tuyển vào trường. Ngày 24/7, trường mới thu lại bản đăng ký này.

Trường THCS&THPT M.V Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chưa xây dựng tổ hợp môn lựa chọn cụ thể. Theo dự kiến cũ, trường xây dựng bảy tổ hợp môn lựa chọn. Với thay đổi từ Bộ, trường chỉ mới tính toán sơ bộ. Theo đó, với các tổ hợp đã có môn Lịch sử, trường giữ nguyên do Lịch sử thành bắt buộc, tổ hợp từ năm tự nhiên sẽ thành bốn môn. Đối với các tổ hợp chưa có Lịch sử, trường phải rút bớt một môn ở tổ hợp lựa chọn.

Để chuẩn bị, trường Lômônôxốp sẽ tham khảo ý kiến học sinh và phụ huynh trong hai buổi gặp mặt vào ngày 23-24/7. Sau đó, nhà trường sẽ rút một môn phù hợp với nguyện vọng của học sinh và phụ huynh.

Trong khi đó, một số trường đã rục rịch ứng phó với thay đổi trong chương trình lớp 10 mới. Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) từng xây dựng tám tổ hợp môn lựa chọn (mỗi tổ hợp năm môn) theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ba tổ hợp Tự nhiên, ba Xã hội và hai Nghệ thuật. Nếu chọn các tổ hợp Tự nhiên, học sinh học cả ba môn Lý, Hóa, Sinh.

Trước thay đổi chương trình của Bộ, trường cũng đã xây dựng tổ hợp bốn môn lựa chọn. Như với nhóm Tự nhiên, trường dự kiến rút bớt môn Sinh hoặc Lý để đảm bảo bốn môn vẫn được lựa chọn từ ba nhóm môn. Đồng thời, Lịch sử trong tổ hợp lựa chọn bị loại bỏ do có phần bắt buộc.

Dự kiến khi tập trung học sinh vào đầu tháng 8, trường sẽ công bố các tổ hợp và phát phiếu đăng ký cho học sinh. Sau khi thống nhất, phụ huynh và học sinh sẽ đăng ký, cùng ký đồng thuận vào văn bản, trước khi được nhà trường sắp xếp.

Dù chưa có hướng dẫn cụ thể, lãnh đạo một số trường cho rằng sẽ không quá khó khăn khi xây dựng lại tổ hợp môn lựa chọn. Theo thầy Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi, khi xây dựng tổ hợp năm môn lựa chọn, trường đã tính toán đến đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên giờ vẫn có cơ sở để làm theo.

Tuy nhiên, thầy Trung nhận định khi xây dựng các tổ hợp môn, tình trạng có môn được chọn nhiều, có môn ít hoặc không học sinh nào đăng ký; thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở từng trường sẽ xảy ra, buộc các trường phải cân đối và định hướng thêm cho học sinh dựa trên khả năng thực tế.

Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường Lômônôxốp, cũng cho hay trường không gặp khó khăn quá lớn khi phải thay đổi các tổ hợp môn lựa chọn. Nhưng giai đoạn đầu triển khai chương trình mới, các trường sẽ khó có thể đưa ra đầy đủ các tổ hợp theo lựa chọn của phụ huynh và học sinh bởi việc này còn phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc, về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến việc thiết kế, xây dựng tổ hợp và tổ chức giáo viên.

Nhiều phụ huynh hiện băn khoăn tổ hợp môn học sẽ không tương ứng với các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo thầy Phú, phụ huynh, học sinh không nên quá lo lắng bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp phù hợp với chương trình.

Chia sẻ