Các sếp nói gì về hội chứng "vừa đi làm đã kiệt sức" của Gen Z?

HẢI MY/ DESIGN: MINH TRANG,
Chia sẻ

Trong công việc, Gen Z có ưu điểm là sự thông minh, sáng tạo và cá tính. Tuy nhiên, thế hệ này lại dễ rơi vào tình trạng sức cùng lực kiệt bởi những áp lực, kỳ vọng.

Khi được hỏi về ưu điểm của Gen Z, phải đến 99% người đều cho rằng thế hệ này quy tụ những bạn trẻ năng động, cá tính và có sức bật. Dù trong môi trường làm việc nào, họ đều mang đến sự trẻ trung, ngọn lửa nhiệt huyết. Nhiều người còn nhận xét, đã làm việc với Gen Z thì không sợ thiếu ý tưởng bởi họ cập nhật xu hướng mới rất nhanh và không ngại khẳng định bản thân.

Ưu điểm nhiều vô kể nhưng Gen Z có điểm yếu không? Câu trả lời là có. "Cả thèm chóng chán", làm việc theo cảm xúc, cái tôi quá cao,... là những điều mà mọi người thường nói về thế hệ này.

Các sếp nói gì về hội chứng vừa đi làm đã kiệt sức của Gen Z? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, không cứ là Gen Z mà bất kỳ thế hệ nào ở giai đoạn trưởng thành cũng đều có những trở ngại riêng. Với những người trẻ hiện nay, họ may mắn được sống trong thời kỳ hiện đại, công nghệ số, mạng xã hội phát triển,... Nhưng đây cũng chính là những "thế lực ngầm", vô tình tạo nên áp lực khiến họ trở thành những người dễ bắt đầu, dễ hòa nhập nhưng cũng sớm từ bỏ. Cũng vì vậy mà ngày càng có nhiều bạn trẻ vừa đi làm nhưng đã rơi vào tình trạng "burn out" (tình trạng kiệt sức về cảm xúc, thể chất, tinh thần do căng thẳng quá mức và kéo dài).

3 mồi lửa và 1 cơn gió ngoại cảnh đã làm bùng lên ngọn lửa "kiệt sức" 

Theo anh Hà Dương, vấn đề kiệt sức khi mới bắt đầu đi làm có ở mọi thế hệ chứ không riêng gì Gen Z. "Với mình, điều này xảy ra khi bạn bị đốt cháy về thể chất và đốt cháy về tinh thần, trong khi sức chịu đựng của con người như que diêm ngắn ngủi, 2 ngọn lửa đốt thì cháy hết ngay. Khi tiếp xúc với các bạn trẻ trong công việc, mình thấy có 3 mồi lửa chính và một cơn gió ngoại cảnh sẽ thổi bùng 2 ngọn lửa áp lực trên. 3 mồi lửa là: thay đổi đột ngột, chênh lệch kỳ vọng, và thiếu trao đổi thông tin hợp lý. Cơn gió ngoại cảnh là nền kinh tế đang trên đà phát triển".

Anh Dương cho rằng, sự thay đổi đột ngột như chuyển giao từ môi trường học tập sang môi trường làm việc hoặc đơn giản từ công ty này sang tổ chức khác được coi là một sự thay đổi lớn trong lối sống. Nào là thời gian dành cho bản thân hàng ngày bị thu hẹp, nào là tiếp thu một khối lượng công việc, kiến thức mới,... Tất cả sẽ tạo nên sự căng thẳng trong tinh thần.

Thêm vào đó là những kỳ vọng trong công việc và thiếu sự trao đổi thông tin hợp lý cũng góp phần làm gia tăng áp lực về tinh thần. "Thực tế và kỳ vọng về công việc của các bạn mới đi làm thường sẽ luôn khác nhau. Lâu dần, sự chênh lệch kỳ vọng này sẽ dần trở thành nguyên nhân chính dẫn đến việc đốt cháy tinh thần nếu không được xử lý hiệu quả.

Các sếp nói gì về hội chứng vừa đi làm đã kiệt sức của Gen Z? - Ảnh 2.

Hà Dương - Game Director của Genesis Studio

Ở vị trí quản lý, mình hiểu rằng các quản lý luôn cần hiểu tâm tư của nhân viên để giải quyết các vấn đề khi mới bắt đầu, vì với họ việc nhân viên "kiệt sức" gây ảnh hưởng đến năng suất và tinh thần của tập thể. Nhưng điều này cần được cởi mở từ cả 2 phía. Phía quản lý cần tạo cho nhân viên môi trường chia sẻ thẳng thắn mà không sợ bị đánh giá nặng nề. Phía nhân viên cần chủ động hẹn và chia sẻ với quản lý những vấn đề đang khiến mình cảm thấy không ổn. Tuy nhiên, ít khi hai bên thiết lập được kênh thông tin cởi mở này để hiểu nhau hơn. Mình thấy trường hợp thực tế nhất là nhân viên cảm thấy mình đang ôm ngọn lửa một cách âm thầm, và quản lý thì không nắm được tình trạng này để tiếp nhiên liệu cho nhân viên cho đến khi que diêm của nhân viên đã cháy hết".

Ngoài 3 mồi lửa, anh Dương nhắc đến một "cơn gió ngoại cảnh" đó chính là việc nền kinh tế đang trên đà phát triển, việc tìm người nhiều hơn người tìm việc. Anh cho rằng, các bạn trẻ sẽ thấy có rất nhiều cơ hội bao quanh mình do đó, họ sẽ dễ dàng tìm được một công việc thật sự phù hợp. Tuy nhiên điều này lại vô tình mang đến suy nghĩ: "Chẳng việc gì tôi phải chịu căng thẳng và áp lực ở công việc hiện tại cả" khiến tinh thần ngày càng kiệt quệ vì cảm giác mắc kẹt ở "nơi mình không thuộc về".

Gen Z bị phụ thuộc vào cảm xúc và quan tâm quá nhiều đến việc bên ngoài nghĩ gì về mình

Nhân sự trong công ty 100% là Gen Z, do vậy chị Rose Nguyễn được tiếp xúc và hiểu hơn về các bạn trẻ thế hệ này. Theo đó, Rose Nguyễn cho biết thế hệ trẻ có nhiều ưu điểm mà cũng có nhiều nhược điểm. Một trong số đó chính là các bạn trẻ thời này bị phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc cũng như quan tâm đến bên ngoài nghĩ gì về mình. Không những vậy, họ còn đặt ưu tiên vào cảm xúc nhất thời mà không nghĩ nhiều đến những quyết định ở thời điểm hiện tại sẽ ảnh hưởng đến tương lai.

Các sếp nói gì về hội chứng vừa đi làm đã kiệt sức của Gen Z? - Ảnh 3.

Rose Nguyễn - Founder Cready Creative

"Mình nghĩ, những người vừa đi làm đã gặp tình trạng kiệt sức là do các bạn quá kỳ vọng vào công việc. Khi bước chân làm thực tế gặp trúc trắc, các bạn bỗng vỡ mộng, thấy mọi thứ không màu hồng như mình nghĩ. Trong công việc, họ chưa biết cách xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển. Công việc rối ren, kết quả và khối lượng công việc giải quyết không cao, không có thời gian nghỉ ngơi sẽ nhanh dẫn đến mệt mỏi, chán nản", Rose Nguyễn nói.

Ngoài ra, áp lực đồng trang lứa cũng như việc quá quan tâm đến bên ngoài nói gì, đánh giá ra sao cũng khiến nhiều người cuốn bản thân vào vòng luẩn quẩn với những suy nghĩ tiêu cực. Dồn nén lâu ngày sẽ trở thành tình trạng đáng báo động, sức cùng lực kiệt cũng là điều dễ hiểu.

Được bố mẹ bao bọc, dễ dàng bị áp lực khi bắt đầu đi làm

Hoạt động trong ngành nghề đặc thù, các bạn nhân viên Gen Z tại công ty của anh Đoàn Mạnh đều có điểm chung là sự sáng tạo, nhiệt tình và có tính nghệ sĩ. Trên cương vị người quản lý, anh nhận xét các bạn trẻ thường chưa xác định công việc hiện tại là nơi để bản thân phát triển và gắn bó nhiều năm. Do đó, những người trẻ làm việc khá tuỳ hứng, không hết mình, dễ dàng xin nghỉ việc chỉ vì thích hoặc không thích một vấn đề gì đó trong môi trường làm việc.

Anh chia sẻ: "Có thể các bạn Gen Z vẫn đang ở trong giai đoạn bao bọc của bố mẹ, được gia đình hỗ trợ tài chính. Nhưng rồi khi bắt đầu phải đi làm, tự kiếm tiền, chịu áp lực doanh số từ sếp, từ khách hàng, công ty,... không còn ai che chở nữa, các bạn sẽ thấy khủng hoảng về mặt tinh thần".

Các sếp nói gì về hội chứng vừa đi làm đã kiệt sức của Gen Z? - Ảnh 4.

Đoàn Mạnh - Founder công ty thiết kế kiến trúc và nội thất Combo Home

Một Gen Z trải lòng: "Đúng là còn trẻ nên dễ nản lòng"

Các sếp nói gì về hội chứng vừa đi làm đã kiệt sức của Gen Z? - Ảnh 5.

Lê Ngọc Anh, 24 tuổi từng rơi vào trạng thái "burn out" khi mới đi làm

Lê Ngọc Anh, 24 tuổi và đang làm tại một công ty khởi nghiệp lĩnh vực Thương mại Điện tử. Cô nàng cho biết từ khi còn là sinh viên năm 2 Đại học đã bắt đầu đi làm các công việc bán thời gian và năm 3 đã đi làm những dự án theo đúng chuyên ngành học tập.

Trải qua nhiều ngành nghề từ sớm, Lê Ngọc Anh cho biết công việc nào cũng có những áp lực riêng. "Khi mình làm công việc theo đúng ngành học, mình bị áp lực vì công việc quá tải, thời gian làm việc kéo dài khiến mình không đủ kĩ năng sống để cảm thấy tồn tại được trong môi trường này.

Mỗi ngày đứng đợi xe bus để trở về nhà sau một ngày dài làm việc, mình luôn tự hỏi bản thân có thật sự cần công việc này không. Mỗi sáng thì đều thở dài, uể oải, sợ cảm giác phải đi làm. Tuy nhiên, mình không thể chia sẻ cùng ai, cũng không bày tỏ thái độ ở chỗ làm, chỉ có thể tuyệt vọng một mình. Sau khoảng thời gian căng thẳng, mình quyết định bỏ việc".

Tất cả những căng thẳng đó của Ngọc Anh đều do bị ngợp khi lần đầu đi làm. Từ thời gian, cách làm việc, ứng xử,... "Hồi trước đi học chắc chỉ có thầy cô là người khiến mình thấy sợ, nhưng đi làm thì nào sếp, khách hàng rồi thậm chí cả đồng nghiệp và những chiếc deadline đều khiến mình thấy ám ảnh, căng thẳng".

Lựa chọn bỏ việc có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của Ngọc Anh trong lúc cảm thấy sức cùng lực kiệt. Thế nhưng sau đó, cô nàng nhận ra cuộc sống đa màu hơn những gì bản thân tưởng tượng. Theo đuổi đam mê thì không ra tiền, "nộp bừa" CV thì tốn thời gian, nên Ngọc Anh dần học cách thích nghi với mọi thứ.

"Ai cũng cần thời gian để học hỏi, thế hệ chúng mình đúng là còn trẻ nên dễ nản lòng. Nhưng chỉ cần vượt qua giai đoạn này bằng cách lắng nghe bản thân, chăm sóc sức khoẻ tinh thần, cải thiện kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, chúng mình sẽ sớm "bung lụa" trở lại thôi. Vì chúng mình là Gen Z mà!", Ngọc Anh nói.

Lời khuyên nào cho những người mới đi làm đã sức cùng lực kiệt?

Là sếp nhưng cũng là những người đi trước, cả Hà Dương, Rose Nguyễn và Đoàn Mạnh đều có khoảng thời gian loay hoay khi bắt đầu đi làm. Họ cũng trải qua những áp lực, khủng hoảng và cả những lần sức cùng lực kiệt.

Do vậy, họ có chung một lời khuyên rằng khi mệt quá, hãy nghỉ ngơi!

"Cố gắng xin nghỉ ngơi, đi ngủ sớm, tập thể dục, hoặc làm một việc mình muốn nhưng chưa dám làm. Về tinh thần, mình tìm người lắng nghe để chia sẻ, và sau đó cảm thấy đỡ hơn rất nhiều. Mình cũng cố gắng trao đổi thẳng thắn với quản lý về tình trạng hiện tại, và thường là các quản lý luôn tạo điều kiện để mình hồi phục lại", anh Hà Dương chia sẻ.

Có cùng ý kiến trên, anh Đoàn Mạnh nói: "Ngoài công việc nên tìm môn thể thao, giải trí yêu thích và tiếp xúc với bè bạn, sếp chọn đúng người, học những người giỏi tránh giải trí lan man không hiệu quả mặt thời gian và học vấn".

Ngoài ra, chị Rose Nguyễn khuyên rằng các bạn trẻ không nên so sánh bản thân với người khác, cứ mạnh mẽ và kiên định với sự lựa chọn của mình. Tập trung vào lĩnh vực mình yêu thích, nghiêm túc và cố gắng học tập để mình giỏi trong một ngành nghề, đấy đã là một sự thành công.

"Bạn là người biết rõ nhất điều gì kích hoạt phản ứng căng thẳng của bản thân, hay nói cách khác là chiếc bật lửa thổi bùng ngọn lửa "kiệt sức" đối với bạn. Với mình thì đó là tiếng thông báo tin nhắn của công cụ chat trong công việc. Cứ mỗi lần nghe tiếng đó, mình thấy tim đập nhanh, thở gấp mất một khoảng thời gian ngắn, và việc đó xảy ra nhiều lần trong một khoảng thời gian dài. Sau này khi mình vô tình tắt tiếng đó đi và chỉ để hiển thị thông báo trên màn hình, mình thấy ngày làm việc dễ chịu hẳn. Hãy sớm tìm cho mình chiếc bật lửa đó, và quẳng nó đi cho ngày thêm nhẹ", anh Hà Dương nói thêm.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ