Giờ nghỉ trưa xuyên quốc gia của những nhân viên đặc biệt, phải hạn chế dùng 1 loại thức ăn khi ở "văn phòng" cao nghìn mét

HTP,
Chia sẻ

Với những người nhân viên này, đôi lúc họ "thèm" được trải chăn trên sàn để ngủ, ước được cùng đồng nghiệp lê la hàng quán như bao nhân viên văn phòng bình thường khác.

Chuyện về 1 TIẾNG 30 PHÚT NGHỈ TRƯA của các anh chị em nhân viên văn phòng quả thực giờ đây rất đa dạng vì có quá nhiều điều để làm, nhiều hoạt động cá nhân đến tập thể để tự do lựa chọn. Nhưng... lắm lúc, cái cảm giác tù túng, "ngột ngạt" ở đâu bỗng dưng xuất hiện. Khiến những người ngày ngày đi làm trong một căn phòng, ngồi tại một cái bàn lại thầm ước trong khao khát rằng: "Giá như trên đời này có một công việc mà mỗi ngày nghỉ trưa sẽ được ở một thành phố, hay thậm chí quốc gia khác nhau. Nếu có, chắc phải vui phải biết".

Điều tưởng chừng chỉ có trong mơ ấy không ngờ lại tồn tại thật. Ngoài được đi nhiều nơi mà lương của họ còn thuộc dạng cao đến rất cao... Đó chính là các tiếp viên hàng không, những người làm việc mỗi ngày trong một "văn phòng" luôn dịch chuyển. 

SỰ THẬT VỀ GIỜ NGHỈ TRƯA MỖI NGÀY Ở MỘT ĐỊA ĐIỂM KHÁC NHAU, LIỆU CÓ SƯỚNG NHƯ TRONG TƯỞNG TƯỢNG?

Để hiểu rõ hơn về thời gian sinh hoạt và nghỉ trưa của các nhân viên "văn phòng" đặc biệt này, chúng tôi đã tìm gặp hai người, đầu tiên là Nhã Trân - tiếp viên hàng không của Bamboo Airways và Trần Bảo Phúc - tiếp viên hàng không của VietJet Air. Nhờ vậy mà có nhiều điều hoàn toàn không tưởng lần đầu tiên được tiết lộ khi họ nghỉ trưa ở độ cao trên nghìn mét.

Nhã Trân cho biết: "Thật sự vì đặc thù công việc, nên tụi mình phải ăn, ngủ, nghỉ không ổn định cả về thời gian lẫn địa lý. Nếu ai chưa từng trải, hẳn sẽ nghĩ công việc này sướng như mơ vì môi trường thay đổi liên tục, không bị rập khuôn giống các bạn làm nhân viên văn phòng dưới mặt đất. 

Tuy nhiên, thay vì mọi người có hẳn 1 tiếng 30 phút nghỉ trưa muốn ăn, muốn ngủ hay đi cà phê, làm việc kiếm thêm gì cũng được thì với tụi mình, chỉ cần ăn được trọn vẹn bữa cơm trong 5 - 10 phút mà không phải bị khách gọi bất ngờ hay có việc đột xuất xảy ra đã là một sự hạnh phúc. Còn trải chiếu, đắp chăn đi ngủ ấy hả? Chỉ hôm nào không bay, được ở nhà thì chắc mới có, còn khi đã đi làm, lên máy bay là tụi mình luôn trong tâm thế sẵn sàng, phục vụ mọi lúc ngay khi khách có nhu cầu".

Chị Nhã Trân hiện đang làm tiếp viên hàng không của Bamboo Airways. 

Anh Trần Bảo Phúc thì cho rằng: "Mình đi làm theo chuyến bay, nên hôm nào không có lịch bay sẽ ở nhà sinh hoạt bình thường. Trên các chuyến bay, tụi mình thường xuyên túc trực để phục vụ khách hàng nên hầu như sẽ không có khái niệm rõ ràng và cố định về giờ nghỉ trưa.

Tuy nhiên mọi người có thể tranh thủ ăn cùng nhau, với chuyến ngắn thì có khi chưa được 5 phút. Những chuyến dài sẽ được tầm 10 - 15 phút. Nên thường giờ ăn trưa sẽ không cố định một khung giờ.

Vì sự di chuyển địa lý linh hoạt nên đôi lúc bữa ăn trưa của các tiếp viên tụi mình kéo dài đến tận bữa xế hay bữa tối cũng là chuyện vô cùng bình thường. Đặc biệt, ở các chuyến bay dài thỉnh thoảng mọi người còn tự chuẩn bị đồ ăn mang theo. Tiếp viên bọn mình có văn hóa là share đồ ăn cho nhau để bữa cơm được phong phú, đa dạng hơn và cũng là để kết nối các thành viên lẫn nhau".

Có những người sáng ăn ở Sài Gòn, ăn trưa ở Singapore, tối lại ở Hải Phòng và 1 tiếng 30 phút nghỉ trưa chỉ để làm một việc  - Ảnh 3.

 BẬT MÍ VỀ MỘT LOẠI THỨC ĂN PHẢI HẠN CHẾ DÙNG KHI Ở "VĂN PHÒNG" CAO NGHÌN MÉT 

Đối với tiếp viên hàng không, "văn phòng" của họ chính là các chuyên cơ và vì trong quá trình di chuyển, đặc biệt còn ở trên không sẽ có vô số vấn đề phát sinh không thể lường trước. Chưa kể, hành khách là những người mà các tiếp viên còn phải có trách nhiệm bảo vệ, giúp họ cảm thấy thoải mái và an toàn trong mọi điều kiện hoàn cảnh nào. 

"Chính vì thế, các tiếp viên phải hạn chế dùng các loại thực phẩm có dạng nước, như: Bún bò, hủ tiếu, bánh canh,... mà chỉ được ăn các loại đồ khô, như: Cơm, bánh mì, xôi,... phòng các trường hợp máy bay đi vào vùng thời tiết xấu, có thể làm vương vãi thực phẩm ra xung quanh hay ảnh hưởng tới hành khách" - Bảo Phúc cho biết. Điều này cũng tương đối giống với quy định của một số văn phòng hạn chế ăn thực phẩm gây mùi quá nồng, vì nó ảnh hưởng tới người xung quanh.

Có những người sáng ăn ở Sài Gòn, ăn trưa ở Singapore, tối lại ở Hải Phòng và 1 tiếng 30 phút nghỉ trưa chỉ để làm một việc  - Ảnh 4.

Trần Bảo Phúc - tiếp viên hàng không của VietJet Air.

VẬY GIỮA "NGHỈ TRƯA BÌNH THƯỜNG" VÀ "NGHỈ TRƯA KHÔNG CỐ ĐỊNH" NHƯNG ĐƯỢC DI CHUYỂN MỌI NƠI, CÁI NÀO SẼ THÍCH HƠN?

Được biết, trước khi làm tiếp viên hàng không, Bảo Phúc đã từng là một giáo viên và cũng từng có những buổi nghỉ trưa như bao người bình thường khác nên với Phúc: "Ăn uống, ngủ nghỉ điều độ trong thời gian dài dẫu sao cũng tốt cho sức khỏe con người hơn là sự thiếu ổn định. Tuy vậy bù lại thì thời gian nghỉ trong tuần sẽ nhiều hơn mọi người, thường đi bay 4 ngày sẽ nghỉ tầm 2 ngày".

Còn với Nhã Trân cho biết, bản thân rất "enjoy" công việc hiện tại: "Mặc dù thời gian không linh động nhưng mình vẫn chủ động thu xếp được, vẫn có thời gian nghỉ ngơi trong chuyến nếu là chuyến dài. Ngày không bay thì mình lại dành trọn thời gian cho bản thân và gia đình". 

Từ đây có thể thấy, mỗi công việc có một tính chất và các vấn đề khác nhau. Đôi lúc vì chúng ta làm nhiều hoặc làm quá lâu một việc gì đó sẽ dễ nảy sinh cảm giác nhàm chán, dù đó là công việc linh động hay phải nương theo quỹ thời gian của công ty và một tập thể. Vì thế mà gây nên cảm giác "phải chăng công việc này không còn hợp với mình nữa? Hay phải đổi môi trường làm việc khác xem sao?" 

Nếu những câu hỏi trên của bạn là đúng, thì thật sự chúc mừng bạn vì đã có thể nhận ra vấn đề, sớm tìm cách khắc phục để mang đến sự tươi mới cho công việc. Nhưng nếu đó chỉ là sự ngộ nhận, hoặc cơ bản bạn chỉ cần chủ động thay đổi một chút về lối sống thì phải chăng lại có thể dẫn đến quyết định sai lầm? 

Có những người sáng ăn ở Sài Gòn, ăn trưa ở Singapore, tối lại ở Hải Phòng và 1 tiếng 30 phút nghỉ trưa chỉ để làm một việc  - Ảnh 1.

 

Chia sẻ