Các ngân hàng rục rịch báo lãi 9 tháng đầu năm, tiếp tục là những con số kỷ lục
Các ngân hàng đang rục rịch "khoe" lãi 9 tháng đầu năm. Một số ngân hàng cũng đã tiết lộ kết quả kinh doanh với những con số kỷ lục, đồng thời bày tỏ triển vọng lạc quan trong quý 4 này.
Dù mới hết quý 3 và còn 3 tháng nữa đúng vào mùa kinh doanh cao điểm, nhiều ngân hàng đã có thể dự tính được mức lợi nhuận cả năm nay. Kết quả cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, các ngân hàng đang rất lạc quan với kết quả kinh doanh cả năm 2019.
Cụ thể, tình hình kinh doanh quý 3 theo nhận định của các TCTD tiếp tục có cải thiện rõ nét hơn so với quý 2 khi 76,5% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện tốt hơn, trong đó 20,6% là "cải thiện nhiều". Trong quý 4, có 82,3% TCTD dự kiến sẽ có kết quả tiếp tục cải thiện.
Chưa công bố báo cáo tài chính, song nhiều ngân hàng đã hé lộ những con số lợi nhuận "khủng" sau 9 tháng, cho thấy đang đi đúng tiến độ, thậm chí là nhanh hơn kế hoạch.
Trong 3 quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước tính đã đạt trên 17.000 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này đã hoàn thành ít nhất 85% kế hoạch năm. Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch ngân hàng từng chia sẻ, ngân hàng rất tự tin với mục tiêu năm 2019, thậm chí có thể đạt cả tỷ USD.
Động lực để tăng trưởng của nhà băng này trong những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Đối tác bảo hiểm FWD được cho sẽ sớm thanh toán 400 triệu USD (hơn 9.000 tỷ đồng) cho nhà băng này trong thời gian tới, sau khi đã chốt thỏa thuận bancassurance. Nếu ngân hàng hạch toán ngay, lợi nhuận sẽ có sự đột biến; nhưng nếu hạch toán từng phần qua các năm thì cũng là một khoản ghi nhận không nhỏ.
Không kể đến khoản lợi nhuận đột biến trên, bản thân Vietcombank vốn đã có nhiều thuận lợi trên đà tăng trưởng. Lãi suất huy động của nhà băng này mặc dù thấp nhất thị trường trong thời gian qua nhưng vẫn có tăng trưởng tiền gửi ổn định, thậm chí cao hơn mặt bằng chung, giúp ngân hàng này tối ưu được chi phí đầu vào.
Trong khi đó, về tín dụng, Vietcombank là một trong những ngân hàng đáp ứng Basel II sớm nhất nên có cơ hội được nới room tín dụng khi muốn xin thêm. Ngân hàng cũng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu cũng ở mức rất cao trên 180% giúp nhà băng này không gặp nhiều áp lực trong việc trích lập dự phòng.
Một ngân hàng khác cũng rất thường xuyên cập nhật kết quả kinh doanh gần đây là Agribank khi đang trong giai đoạn chuẩn bị cổ phần hóa. Agribank cho biết, lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm đã đạt 8.820 tỷ đồng. Tính đến 30/8/2019, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.
Theo đó, với mục tiêu lợi nhuận cả năm tối thiểu 11.000 tỷ, Agribank đã hoàn thành được 80% kế hoạch. Con số lợi nhuận sau 8 tháng cũng là mức kỷ lục của Agribank, cao hơn cả tổng lợi nhuận năm 2018.
Ở nhóm ngân hàng tầm trung, TPBank tiếp tục tiên phong công bố kết quả kinh doanh sớm. Nhà băng này cho biết, lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng của ngân hàng đạt 2.404 tỷ đồng, tăng 790 tỷ, tương đương tăng gần 50% so với cùng kỳ và hoàn thành trên 75% kế hoạch mục tiêu. Hiện tổng tài sản ngân hàng đạt trên 154.000 tỷ đồng, hoàn thành tới 98,76% kế hoạch mục tiêu đã đề ra tại đại hội cổ đông hồi tháng 4 năm nay. Tổng huy động đạt trên 138.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 97,3% kế hoạch mục tiêu.
Trước đó, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, nhận thấy lợi nhuận tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng nên ngân hàng đã quyết định tất toán sớm số nợ tại VAMC so với kế hoạch. Theo ước tính của ông Hưng, ngân hàng có thể lãi trên dưới 300 tỷ đồng mỗi tháng trong giai đoạn cuối năm. Nếu đúng theo ước tính này, TPBank sẽ vượt kế hoạch đề ra cả năm.
Mùa báo cáo hoạt động kinh doanh quý 3 mới chỉ bắt đầu, nhưng với mở màn "tươi sáng" từ những ngân hàng nêu cũng đã tạo nên kỳ vọng kết quả tích cực cho cả năm 2019. Cũng theo khảo sát của NHNN, 91% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2019 sẽ tăng trưởng dương so với năm 2018, chỉ 3% kỳ vọng không đổi và 6% lo ngại suy giảm.