Các loại ký sinh trùng dễ mắc phải khi ăn đồ tái sống
Khi ăn những món tái sống như gỏi (nộm) cá sống, thịt tái sống, lẩu sống... bạn rất dễ mắc phải những loại ký sinh trùng. Chúng len lỏi vào cơ thể, sống và phá hoại cơ thể.
Giun xoắn
Lây truyền khi ăn tái sống thịt heo hoặc các động vật hoang dã có chứa ấu trùng giun xoắn. Triệu chứng bệnh đa dạng, có thể từ không có triệu chứng đến các biểu hiện như phù mắt, đau đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hoá, sốt kéo dài… Nếu bệnh nặng, giun nhiều có thế gây liệt cơ teo cơ, nếu ảnh hưởng đến hô hấp có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Giun đầu gai
Do ăn các động vật mang ấu trùng như cá tôm ếch lươn rắn… không được nấu chín. Khi vào trong dạ dày con người, ấu trùng giun đầu gai sẽ chui qua vách dạ dày và di chuyển khắp nơi trong cơ thể. Ấu trùng di chuyển đến đâu sẽ tiết dịch gây viêm, hoại tử vùng đó. Người bệnh sẽ những cơn đau nhói, đau như xé thịt ở các cơ quan tương ứng.
Ấu trùng di chuyển đến da tạo thành những cục u sờ thấy nhúc nhích dưới da và thay đổi vị trí nhanh chóng, biến mất nhanh, đôi khi sưng phù và đỏ ngứa ở nhiều vùng nên dễ bị chẩn đoán nhầm là dị ứng da.
Ấu trùng có thể chui vào mắt, gan, phổi, ổ bụng… gây sưng mắt, đỏ mắt, xuất huyết trong mắt, mù mắt, đau vùng gan, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, đau bụng, rối loạn tiêu hoá…Nguy hiểm hơn là giun có thể chui vào tủy sống, não gây ói mửa, đau đầu, rối loạn tâm thần, co giật…
Sán lá lớn ở gan
Mắc bệnh do ăn thực vật thủy sinh có mang ấu trùng. Nếu nhiễm ít sẽ không thấy triệu chứng rõ rệt, nhưng khi nhiễm nặng sẽ gây ra những biểu hiện như đau bụng, vàng da, sốt, lạnh run, đau đầu dữ dội, gan to, đau vùng gan… Nặng hơn, ấu trùng sẽ di chuyển khắp nơi trong cơ thể như tim, phổi, mắt, da… gây nguy hại cho những cơ quan này.
Sán lá nhỏ ở gan
Do ăn cua cá và thực vật thủy sinh sống hoặc nấu chưa chín. Biểu hiện bệnh thường không rõ ràng, thường là đau vùng gan, tiêu chảy, táo bón, ngứa, phù, vàng da, gan to cứng và đau…
Sán lá phổi
Nguyên nhân tương tự bệnh sán lá nhỏ ở gan nhưng sán lá phổi ký sinh trong khí quản, phổi gây đau ngực, nặng ngực, ho khạc đờm, đôi khi khạc ra máu bầm, thường bị chẩn đoán nhầm là lao.
Sán lá ruột
Người bị nhiễm do ăn cá, thực vật thủy sinh sống hoặc nấu chưa chín. Khi bị bệnh sẽ có các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, suy nhược cơ thể, phù mặt và quanh mắt.
Sán dãi heo
Bệnh phổ biến ở những người ăn phải thịt heo gạo sống hoặc nấu chưa chín. Đôi khi bệnh không có triệu chứng rõ rệt, nhưng thường người bệnh sẽ bị rối loạn tiêu hoá như đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đôi khi có thể nôn ra đốt sán. Nặng hơn, bệnh nhân sẽ bị yếu cơ, sụt cân, rối loạn thần kinh, thiếu máu…
Ngoài những bệnh ký sinh trùng, chúng ta còn có nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính, thường gặp nhất là thương hàn, dịch tả; bệnh từ chất bảo quản như ung thư, ngộ độc, gây rối loạn thần kinh hoặc tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
Để phòng bệnh, chúng ta nên hạn chế và thận trọng khi sử dụng những thực phẩm tươi sống. Tốt nhất là ăn thực phẩm nấu chín để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Mách bạn: Để ăn các món tái sống an toàn, bạn nên ngâm thức ăn vào giấm đậm đặc từ 5 tiếng trở lên, khi đó các ký sinh trùng đã bị tiêu diệt.
Theo Bác sĩ gia đình