Các điểm giải trí đặc trưng của Sài Gòn dành cho thiếu nhi xưa và nay: Dẫu nhiều thứ mới xuất hiện nhưng giá trị các nơi này mang lại vẫn vẹn nguyên!
Tuổi thơ đặc sắc của mỗi đứa trẻ lớn lên tại TP.HCM là nhờ những địa điểm giải trí văn hóa dưới đây góp phần.
Sân khấu kịch
Từ cách đây hơn chục năm trước, trẻ em Sài Gòn may mắn có nhiều cơ hội xem trực tiếp các vở kịch diễn trên sân khấu mà các trẻ em ở tỉnh lẻ chỉ được xem qua băng đĩa ghi lại. Bây giờ, tuy kịch dành cho trẻ em đã được giảm suất hơn ngày xưa, nhưng vào những dịp đặc biệt như hè, Quốc tế Thiếu nhi, lễ Giáng sinh,... các vở kịch dành cho thiếu nhi vẫn rầm rộ mở bán vé.
Đến xem kịch, trẻ em ngoài được cười đùa theo từng tình huống, câu thoại thì vở kịch còn đem lại các thông điệp đơn giản nhưng giáo dục sâu vào nhận thức các bé. Ở Sân khấu kịch Idecaf thường có các suất diễn vào Chủ nhật với các vở kịch về lịch sử Việt Nam đem lại cho các em khoảng thời gian vừa học vừa chơi.
Những địa điểm có thể đến xem kịch như: Nhà hát kịch 5B (5B Võ Văn Tần, Quận 3), Sân khấu kịch Idecaf (28 Lê Thánh Tôn, Quận 1)...
Rạp xiếc TP.HCM
Xiếc là môn nghệ thuật lâu đời của Việt Nam nhưng đang dần bị lãng quên theo thời gian vì các hình thức giải trí từ công nghệ xuất hiện. Nếu nhìn lại, sẽ rất đáng tiếc khi tuổi thơ của các bé chưa được thưởng thức những tiết mục xiếc ý nghĩa, hay ho mà các nghệ sĩ dày công tập luyện. Gía trị tinh thần này nên được lưu giữ, đó cũng là lí do tại sao xiếc thường được biểu diễn ở Thảo Cầm Viên vào cuối tuần.
Ngoài xem biểu diễn và trầm trồ trước những kỹ năng “không tưởng” của con người, thì ở buổi biểu diễn, các tiết mục xiếc còn lồng vào đó thông điệp sống, lịch sử văn hóa Việt Nam... để trẻ em tiếp thu kiến thức.
Hiện nay xiếc được biểu diễn tại Rạp xiếc Công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, Quận Gò Vấp).
Nhà hát múa rối nước
Nghệ thuật múa rối có ở nhiều quốc gia nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất ở Việt Nam. Trò rối nước là trò khéo lấy động tác của các con rối bằng gỗ để làm ngôn ngữ diễn đạt. Trên mặt nước là sân khấu thể hiện các câu chuyện mà người điều khiển là các nghệ nhân tài ba. Phía dưới mặt nước là hệ thống điều khiển với các kiểu máy, sào, dây chằng chịt được nối với buồng trò.
Xem rối nước, ngoài tìm hiểu một loại hình nghệ thuật truyền thống của nước nhà còn là tiếp cận các giá trị khác như truyện dân gian truyền miệng, cổ tích, truyền thuyết, lịch sử... nghe các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ... Hiện nay, các tiết mục múa rối nước được đầu tư vô cùng công phu, tỉ mỉ để thu hút nhiều người xem hơn.
Mọi người có thể đến xem múa rối nước ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1) và Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng (55B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1).
Ngoài ra, tại Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng còn tổ chức biểu diễn kịch rối thiếu nhi để các bậc phụ huynh đưa con đến chơi vào dịp cuối tuần.
Thay vì đưa các con đến các trung tâm thương mại, khu vui chơi tích hợp, quán cà phê trẻ em... bố mẹ hãy thử cùng con đến các địa điểm trên. Vừa có thể xem biểu diễn cùng con vừa cho con học được nhiều bài học hay, hiểu biết được văn hóa nước nhà thì thời gian giải trí này vô cùng đáng giá.