Các địa phương triển khai bán hàng bình ổn giá dịp Tết
Ngoài lượng hàng hóa dồi dào, các lực lượng chức năng đã tăng cường giải pháp bình ổn, kiềm chế tăng giá.
Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp ở các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết Quý Tỵ. Các lực lượng chức năng đã tăng cường giải pháp bình ổn giá, kiềm chế tăng giá; tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm....
Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị: Metro, BigC, Co.op Mart, Fivimart, Intimex... đã dự trữ được các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với giá trị khoảng 2.300 tỷ đồng. Trong đó Tổng công ty Thương mại Hà Nội là đơn vị kinh doanh chủ lực đảm bảo các mặt hàng với tổng giá trị tiền hàng khoảng 1.000 tỷ đồng…
Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp cung cấp, sản xuất hàng tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã đưa vào hệ thống các siêu thị được khoảng 60% - 70% lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Năm nay, lượng hàng hóa dự trữ Tết Quý Tỵ tăng khoảng 15% so với Tết Nguyên đán năm ngoái.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội lo lắng, do các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại nên hàng hóa thực phẩm tươi sống, rau quả bị ảnh hưởng nguồn cung.
"Tết năm nay những mặt hàng bách hóa công nghệ phẩm không có biến động về giá lớn, chỉ riêng có mặt hàng tươi sống, như thịt lợn thăn, thủy hải sản, gà ta hay hoa quả từ 23 - 30 Tết có thể biến động giá tăng từ 30% - 50%. Thời tiết rét đậm rất đáng lo ngại, có thể xu hướng tăng giá nhanh hơn, do tâm lý găm hàng, hay sức phát triển của vật nuôi cây trồng giảm hoặc bị thiệt hại do thời tiết" - Ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Bắt đầu từ nay đến hết tháng 3, các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Bình triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá tại hội chợ xuân, một số siêu thị, trung tâm mua sắm lớn ở thành phố Thái Bình và các thị trấn, thị tứ ở cả 8 huyện.
Ông Vũ Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh Thái Bình đã bố trí nguồn kinh phí 60 tỷ đồng để cho các đơn vị, doanh nghiệp vay không tính lãi suất để chuẩn bị hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá đối với 9 mặt hàng thiết yếu, bao gồm: Gạo, dầu ăn, nước mắm, mỳ chính, đường, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy, hải sản đông lạnh.
"Hiện nay, danh mục mặt hàng bình ổn giá đã được các tổ chức, cá nhân tích cực chuẩn bị. Qua đăng ký của các doanh nghiệp đã có lượng dự trữ hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Rất nhiều đơn vị đã dự trữ hàng hóa, nhưng họ có khả năng tài chính nên không đăng ký vay nhưng vẫn tham giá bán hàng bình ổn giá và cam kết bán hàng theo niêm yết, đây cũng tạo ra thị trường lành mạnh, đặc biệt là tránh khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ này" - Ông Vũ Quang Tuấn thông tin cho biết.
Bên cạnh đó, ngành công thương các địa phương đang tăng cường giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, đưa tin thất thiệt, nhằm tăng giá quá mức để trục lợi; kiểm tra chất lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Phạm Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương thành phố Hải Phòng cho biết, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng thực phẩm công nghệ… được chuẩn bị trong dịp tết này có trị giá khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Qua làm việc với nhà phân phối, Sở thấy rằng lượng hàng hóa năm nay đảm bảo về chất lượng và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng lo ngại việc tiêu thụ khó khăn do mức tiêu thụ của người dân thấp.
Được biết, TP Hải Phòng cũng đã lập 3 đoàn kiểm tra kịp thời xử lý các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng cấm, hàng nhái, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.