Các chứng đau đầu điển hình và cách trị nhanh
Khi thời tiết thay đổi, công việc căng thẳng, kinh doanh gặp khó khăn hay cuộc sống gia đình có chút biến động… người ta dễ cảm thấy đau đầu.
Tuy không phải cơn đau đầu nào cũng nghiêm trọng, nhưng một số cơn là dấu hiệu nguy hiểm. Vậy làm sao nhận biết cơn đau đầu nào là nguy hiểm và cần xử trí ra sao? Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS Trịnh Ngọc Bình - BV Chợ Rẫy.
Thưa BS, đau như thế nào được gọi là đau đầu và chúng ta có thể phân loại như thế nào?
BS Trịnh Ngọc Bình: Đau đầu là một trong những vần đề y học thường gặp nhất. Đau đầu nghĩa là đau một bên hay đau cả đầu hoặc đau theo từng vùng khu trú như vùng gáy, vùng chẩm, vùng trước trán hoặc vùng thái dương, đau ở ngay phía trên hai mắt, hai tai, đau ở vùng trên của cổ...
Nguyên nhân đau đầu có hai nhóm chính là thứ phát và nguyên phát.
Người lớn tuổi bị cao huyết áp thường dễ bị đau đầu
Vậy đau đầu thứ phát là gì thưa BS?
Đau đầu thứ phát, còn gọi là đau đầu cấu trúc hoặc tổn thương trong và ngoài sọ, thường gặp ở người lớn tuổi, với nguy cơ cao gấp mười lần so với người trẻ.
Đây là nhóm các trường hợp đau do nguyên nhân cụ thể từ mức độ nhẹ như viêm xoang, cao huyết áp, viêm tai, viêm nướu răng… đến nguyên nhân nghiêm trọng khác: chấn thương sọ não, chấn thương vùng cổ gáy gây tụ máu não, tụ mãu dưới màng cứng, u não, xuất huyết dưới màng nhện…
Ngoài ra, trong nhóm đau đầu thứ phát còn có đau đầu do lạm dụng quá mức các thuốc giảm đau, trường hợp này cũng thường gặp do bệnh nhân tự ý dùng hoặc tăng liều sử dụng khi chưa có sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Còn đau đầu nguyên phát?
Đau đầu nguyên phát chiếm khoảng 50-80% các dạng đau đầu, thường kéo dài và có thể trở thành đau đầu mãn tính. Tuy không có nguyên nhân cụ thể nào được chẩn đoán nhưng có các điều kiện thuận lợi như rối loạn tâm lý cảm xúc, căng thẳng, rối loạn nội tiết và rối loạn vận mạch não.
Các dạng đau đầu nguyên phát thường gặp gồm: đau đầu Migraine (đau nửa đầu), đau đầu dạng căng thẳng và đau đầu cụm. Trong đó:
Đau đầu Migraine là bệnh nhức nửa đầu từng cơn theo nhịp mạch, cường độ thay đổi, có tính chu kỳ. Cơn đau Migraine có khởi phát thường một bên đầu, sau đó có thể lan sang hai bên. Cơn đau theo nhịp mạch và bệnh nhân có cảm giác động mạch thái dương đập mạnh. Cường độ đau tăng dần và dữ dội hơn. Cơn đau kéo dài từ khoảng 4-72 giờ. Bên cạnh cơn đau, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng đi kèm như: sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn và có thể nôn. Bệnh nhân vào nơi tối và yên tĩnh thì có thể bớt đau.
Cơn đau Migraine thường khiến bệnh nhân sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, buồn nôn
Đau đầu dạng căng thẳng là nhóm hay gặp nhất, nguyên nhân thường liên quan đến căng thẳng.
Đau đầu cụm hay xảy ra vùng hố mắt trên hốc mắt 1 bên hoặc vùng thái dương. Cơn kéo dài từ 15-180 phút nếu không được điều trị, có thể kèm theo kích ứng kết mạc, chảy nước mắt, nghẹt sổ mũi 1 bên, phù nề mí mắt, đổ mồ hôi trán và mặt…
Một số bác sĩ thần kinh cho biết có những triệu chứng đau đầu có thể tự khỏi, không cần can thiệp. Vậy thì lúc nào chúng ta cần đi khám bệnh?
Đau đầu có lúc chỉ là triệu chứng, không cần can thiệp vẫn có thể qua đi, đa số có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hay thuốc kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đau đầu là cấp cứu y khoa, khi có triệu chứng đau đầu đột ngột hay cấp tính kéo dài vài giờ kèm gáy cứng, nôn ói, tiêu chảy, sốt cao, co giật, lú lẫn, yếu liệt nửa người; đau đầu do cao huyết áp trên 220; đau đầu sau 1 cú đánh hoặc kết hợp đau mắt, đau tai thì phải cho bệnh nhân đến khoa cấp cứu.
Một số trường hợp đau đầu kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, điều trị thông thường không giảm thì nên đến khám các phòng khám chuyên khoa như thần kinh, nội tổng quát. Trong trường hợp đau đầu kéo dài có rối loạn lo âu hay bị stress thì nên đến khám chuyên khoa tâm thần.
Chúng ta nên có một cuốn nhật ký theo dõi tình trạng đau đầu để cung cấp thông tin cho bác sĩ một cách chính xác hơn. Từ đó, bác sĩ sẽ giúp xác định được tình trạng và có hướng điều trị cụ thể.
Đắp khăn mát có thể giúp giảm nhẹ các cơn đau đầu
Ngoài thuốc, chúng ta còn có thể áp dụng biện pháp nào khác để thuyên giảm tình trạng đau đầu không thưa BS?
Khi bị đau đầu, chúng ta có thể nằm nghỉ trong phòng tối yên tĩnh, nhắm mắt thư giãn. Sau đó, dùng ngón tay cái xoa từ tai tới gáy phần dưới sọ và day nhẹ hai bên thái dương. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với việc tắm bằng nước ấm hay đắp khăn tẩm nước lạnh lên trán, mắt.
Chúng ta cũng có thể phòng tránh các cơn đau đầu bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, điều hòa công việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên để mất ngủ; khi thời tiết thay đổi nên giữ ấm; có thể tập thêm yoga hay thiền…
Ngoài ra, thay vì dùng thuốc để đối phó với một cái đầu đang nhức như búa bổ, một số loại thực phẩm như: dưa hấu, hạnh nhân, chuối, khoai tây, sữa chua, cá hồi, nấm… cũng có thể giúp cải thiện tình hình.
Hapacol 250 với hoạt chất chính là paracetamol có mùi cam, vị ngọt giúp bé giảm nhanh cơn sốt
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Sản phẩm được sản xuất và phân phối bởi Công ty Cổ phần Dươc Hậu Giang.
Địa chỉ: Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, 288 Bis Nguyễn Văn Cừ, P.An Hoà, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ
Mọi thông tin liên hệ: 07103891433 – (08) 3891434