Các chất bổ dưỡng trong trà

,
Chia sẻ

Khuyến cáo của các nhà y học về việc uống trà hàng ngày để phòng bệnh, nâng cao sức khỏe là xác đáng.

Trà có tên khoa học là Camellia sinensis, thuộc họ chè (Theaceae). Đây là loại thực vật có từ Trung Quốc và người ta đã biết dùng trà từ 2.500 năm trước Công nguyên. Có ba loại trà:

1. Trà đen: là trà được chế biến cho lên men rồi sấy khô.

2. Trà xanh: là trà tươi không cho lên men, tuy nhiên, vẫn có chế biến bằng cách sao trà trên chảo gang nóng 70-800 C trong vòng vài phút để diệt các enzym có trong lá và búp trà.

3. Trà ô long: là trà cho lên men nửa chừng.

Trong ba thứ, tốt nhất là trà xanh, vì được giữ nguyên bản chất thiên nhiên của lá tươi, một số hợp chất thiên nhiên không bị quá trình lên men phân hủy. Tuy nhiên, nếu dùng trà đen đều đặn mỗi ngày, vẫn tốt cho sức khỏe. Trong trà có chứa các chất sau:

Tanin: chiếm 20 %, còn gọi là chất chát. Tanin làm giảm sự hấp thu sắt, vì vậy, không nên uống thuốc bổ có chứa chất sắt chung với trà, và người bị thiếu sắt thì không nên uống nước trà.

Caffein: còn gọi là théin, chiếm tỷ lệ 1,5% - 5%. Đây là chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Nhờ có caffein, khi uống trà ta cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn hơn. Cũng vì thế mà một số người sẽ bị mất ngủ hoặc tim đập nhanh. Lượng caffein có trong trà thật ra không gây hại cho sức khỏe, nhưng vì có thể có ảnh hưởng đến giấc ngủ nên tốt nhất không uống trà vào buổi chiều tối.

Các chất bổ dưỡng: như vitamine B1, B2 và các hợp chất có tên gọi chung là bioflavanoid (có tác dụng chống oxy hóa), giúp vô hiệu hóa các gốc tự do, nhờ vậy sẽ bảo vệ tế bào, bảo vệ mô, bảo vệ mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa trong cơ thể. Phân tích cho thấy, một tách nước trà chứa khoảng 200mg bioflavonoid. Nếu uống ba tách trà mỗi ngày, sau ba tuần, lượng chất chống oxy hóa này có trong máu sẽ tăng 25%. Như vậy, khuyến cáo của các nhà y học về việc uống trà hằng ngày để phòng bệnh, nâng cao sức khỏe là xác đáng.

Fluor: trong trà có chứa nhiều nguyên tố fluor với lượng cao (một tách trà chứa khoảng 0,3 microgram flour). Vì vậy, uống trà hằng ngày sẽ giúp bảo vệ răng, làm chắc men răng.

Điều cần ghi nhận nữa là khi uống trà, ta sẽ bù được lượng nước mất đi trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, khi làm việc trong điều kiện nóng, dưới ánh nắng, uống nước trà sẽ giúp giảm mệt nhọc.

Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ uống trà thường xuyên, đặc biệt uống trà xanh, có thể phòng chống nhiều loại bệnh. Cụ thể, uống trà xanh thường xuyên có thể giảm nguy cơ bị ung thư hầu họng, ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư vú. Chính hợp chất EGCG có trong trà sẽ giúp chống oxy hóa rất mạnh, "dọn sạch" các gốc tự do, vốn là tác nhân gây tổn thương cấu trúc ADN, tổn thương tế bào, dẫn đến ung thư.

Trà xanh đã được chứng minh cải thiện đáng kể hoạt động của các mạch máu trong cơ thể. Các hợp chất bioflavonoid có trong trà xanh giúp giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành. Riêng đối với người bị bệnh tim mạch, uống trà có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh. Người ta khám phá, sau khi bị bệnh tim, bệnh nhân uống trà xanh có tỷ lệ tử vong ít hơn 28% so với người không uống trà. Chưa hết, trà còn được xác định là thứ nước uống có tác dụng chống lão hóa rất tốt vì chứa nhiều vitamine C, E và bêta-caroten.

Tóm lại, trà là loại thức uống giải khát có nhiều lợi ích, và lợi ích đáng kể nhất đã được khoa học chứng minh là có tác dụng phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM)

Phụ nữ Online

Chia sẻ