Các bác sĩ Việt Nam ngăn chặn "bão cytokine" thế nào?
Người bệnh COVID-19 khi bị bão cytokine tấn công bệnh dễ trở nặng và nguy cơ tử vong cao. Vậy cách nào để ngăn chặn bão cytokine?
Những biện pháp ức chế cytonkine trên thế giới
Các bác sĩ Trung Quốc là những người đầu tiên phát hiện ra hội chứng bão cytokine và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu chống lại nó. Tiếp đến là các bác sĩ Italia rồi Hoa Kỳ.
Hàng trăm thử nghiệm lâm sàng đã và đang tiến hành. Tất cả các thuốc chống viêm như: chloroquine, colchicin, corticosteroid, các chất ức chế interleukin, ức chế TNFα, ức chế lympho bào… đều được thăm dò. Vì trên lý thuyết là vậy, nhưng chất đó có tác dụng cải thiện thật sự hay không thì chỉ biết được qua các thử nghiệm lâm sàng. Một số kết quả:
- Chloroquine, hydrochloroquine, colchicine: Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy có rất ít tác dụng cải thiện tử vong và có nhiều tác dụng phụ. Hiện không còn dùng trong điều trị COVID-19.
- Các chất ức chế cytokine: Có tác dụng rất khả quan trong ngăn chặn các cơn bão cytokine. Các chất như Tolicizumab TCZ ức chế IL- 6 receptor (IL-6R), Anakinra, ức chế IL-1 receptor từ đó ức chế hoạt động của các cytokine gây viêm IL-1α and IL-1β, làm cải thiện chức năng phổi người nhiễm COVID, Janus kinase (JAK) inhibitors có thể ức chế hoạt động cytokines và làm giảm ảnh hưởng virus lên tế bào. Nhưng sử dụng các chất này vẫn bị hạn chế do nguồn cung thiếu. Đấy là trên lý thuyết còn thực tế có ca lâm sàng dùng tolicizumab nhưng xét nghiệm IL6 vẫn tăng. Chứng tỏ những gì đã biết về bão cytokine còn rất ít ỏi.
- Corticosteroid: Là nhóm chất có nhiều hứa hẹn nhất vì rẻ tiền, dễ kiếm, đã được kiểm chứng khả năng ức chế miễn dịch và chống viêm qua rất nhiều năm. Tuy nhiên nhóm corticosteroid là nhóm ức chế viêm không chọn lọc, nên việc sử dụng để ức chế các cytokine sẽ có thể có nhiều tác dụng phụ.
Chất đầu tiên trong nhóm được thử nghiệm là dexamethasone. Có kết quả rất tốt, giảm thời gian bệnh nặng, giảm tử vong. Tuy nhiên thời gian đầu một số người nhầm, cho rằng tác dụng này chỉ có ở riêng của chất dexamethasone. Nay thì đã rõ cơ chế đó là của cả nhóm corticosteroid chứ không phải của riêng chất nào.
WHO đã khuyến cáo mạnh mẽ sử dụng corticosteroid trong các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch, nhưng không khuyến cáo sử dụng corticosteroid cho các trường hợp COVID chưa có triệu chứng. Về dạng thuốc thì ngoài dexamethasone 6mg ra có thể dùng thay thế bằng hydrocortisone 150mg, prednisone 40mg, hoặc methyl prednisolone 32mg…
Các thuốc nhóm steroid có rất nhiều tác dụng phụ nếu dùng liều cao và kéo dài. Trong đó có 2 tác dụng phụ nguy hiểm là làm giảm miễn dịch quá mức gây bùng phát các bệnh nhiễm trùng cơ hội và làm nặng thêm bệnh tiểu đường. Vì thế người thế người bệnh không tự ý dùng thuốc mà phải tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Thuốc chống đông máu: Heparin và heparin phân tử lượng thấp có tác dụng cải thiện tình trạng nặng của hô hấp. Thuốc chống đông máu đường uống mới (NOAC) như Rivaroxaban đang được nghiên cứu. Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, dipiridamol cũng có ít tác dụng.
Thuốc chống đông theo cơ chế kháng vitamin K như cumarin không được sử dụng vì cơ chế đông máu ở đây là đi theo con đường nội sinh.
Đón bão cytokine sớm
Phác đồ mới nhất của Bộ Y tế ngày 14/7/2021 cho phép dùng tất cả các thuốc kể trên khi có triệu chứng nặng.
Bộ Y tế không khuyến cáo dùng các thuốc trên để phòng ngừa, nhất là corticosteroid. Vì nếu dùng sớm quá sẽ ức chế hệ miễn dịch, kéo dài thời gian làm sạch virus ra khỏi cơ thể. Tốt nhất là dùng ngay khi bắt đầu có triệu chứng nặng, SpO2 ( độ bão hoà ôxy trong máu) dưới 95%.
Tuy nhiên, tại tâm dịch TP. HCM có những trường hợp các bác sĩ đã phải sử dụng rất sớm các thuốc trên. Thậm chí Sở Y tế TP. HCM đã 2 lần ra văn bản khẩn hướng dẫn các bác sĩ cấp cứu sử dụng sớm corticosteroid và thuốc chống đông máu cho bệnh nhân COVID-19, theo tinh thần sớm một chút còn hơn muộn để cơn bão cytokine xảy ra thì vô cùng khó khăn trong cứu được.
Chúng ta đã cứu chữa thành công bệnh nhân phi công người Anh, hy vọng với sự quyết tâm của các bác sĩ khi áp dụng các thuốc mới, chúng ta sẽ cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn.