Các bà mẹ Việt Nam đẩy giá sữa lên cao nhất thế giới

,
Chia sẻ

Chính tâm lý người tiêu dùng của người Việt Nam là ưa chuộng hàng ngoại nhập đắt tiền và suy nghĩ hàng đắt tiền luôn là tốt, đã ảnh hưởng đến giá cả thị trường sữa.

Nhận định trên được cả Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) và Viện Phó Viện dinh dưỡng Quốc gia đưa ra tại Hội thảo "Người tiêu dùng chọn sữa thông minh" do Vinastas tổ chức hôm nay (18/5).

Việc quyết định giá sữa phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của bà mẹ.

Giá sữa "trên trời"...

"Người tiêu dùng đang chịu giá trên trời", ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Vinastas mở đầu buổi hội thảo bằng một câu chắc nịch. Ông chỉ ra tuy mức sử dụng sữa trung bình ở VN thấp hơn nhiều, chỉ 9 kg/người/năm, so với 1 số nước như Thái Lan: 25 kg, Pháp: 130 kg và Úc: 320kg nhưng sữa Việt Nam lại đắt nhất thế giới, trong đó tập trung vào sữa bột cho trẻ em.

"Chính tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hàng ngoại nhập đắt tiền và tâm lý hàng đắt tiền luôn là tốt  của người Việt Nam đã ảnh hưởng đến đến giá cả thị trường sữa. Đây là thói quen khó thay đổi."

TS. Hồ Tất Thắng

Cùng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho rằng việc quyết định giá sữa phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của bà mẹ. Trong khi các sản phẩm sữa cùng loại trong nước đã không được chọn do muôn vàn lý do như  mùi vị không phù hợp, bị tiêu chảy,... thì sữa ngoại lại được "cắn răng" mua về.

Ông Thắng chỉ  rõ, chính yếu tố tiêu dùng của các bà mẹ do chuộng sữa ngoaị đã đẩy giá lên cao đặc biệt. Trong khi đó, 4 nghịch lý của giá sữa vẫn đang tồn tại là nguyên liệu giảm nhưng giá sản phẩm lại tăng, thuế nhập khẩu giảm nhưng giá sản phẩm tăng; sữa ngoại đắt rất nhiều so với sữa nội: Lấy ví dụ Dielac Alpha 900g chỉ 900gr giá 124.000 đồng thì sản phẩm ngoại cùng loại có giá đến 425.000 đồng.

Nghịch lý cuối cùng là giá sữa tại VN đắt nhất thế giới. Giá bán lẻ sữa tại VN vào khoảng 1,4 USD/l trong khi ở các nước Âu, Mỹ chỉ 0,5- 0,9 USD/l, gần hơn Trung Quốc chỉ 1,1 USD/l.

...người tiêu dùng lĩnh đủ

Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk tố ngược: Ở nước ngoài, loại sữa tốt nhất được họ sử dụng để chế biến làm sữa tươi cho người dân trong nước sử dụng, loại hai làm bơ và sữa chua, còn loại 3 thì được hút nước và làm sữa bột nguyên liệu và chuyển sang nước thứ 3 chuyển làm sữa nhập khẩu pha thêm với một số chất là có thể bán với giá cao 3, 4 lần. 

4 nghịch lý của giá sữa:

Nguyên liệu giảm nhưng giá sản phẩm lại tăng, thuế nhập khẩu giảm nhưng giá sản phẩm tăng; sữa ngoại đắt rất nhiều so với sữa nội cùng loại; giá sữa tại VN đắt nhất thế giới.

Theo ông Thắng, lợi nhuận thành phẩm nhập khẩu lớn, đạt hơn 40%, đặc biệt lợi nhuận của các công ty có thể lên đến 22-86% với các chiêu thức quảng cáo ồ ạt. Hiện nay, sữa ngoại của VN cao hơn gấp 2 lần so với ở Thái Lan và 1 lần so với Malaysia.

Theo Vinastas, các hãng sữa bột nhập ngoại có thế trên thị trường do họ rất chú trọng đến quảng cáo, tiếp thị, thu hút sự quan tâm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng nhiều chiêu thức, hình ảnh mang tính khoa học: Tăng chiều cao, thông minh hơn, học giỏi hơn... 

Năm 2008, các hãng sữa ngoại đã bỏ ra 30 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình và chi phí lớn hơn (khoảng 60-70 triệu USD) cho các hoạt động PR, hội thảo khoa học, hoa hồng tiếp thị... Chính vì vậy thị phần sữa bột ngoại đã chiếm 80% (riêng Abbott chiếm hơn 30%).

Ông Thắng khẳng định, giá sữa ngoại đắt tiền là do phải chịu rất nhiều chi phí công thêm giá vận chuyển, phí lưu kho, thuế nhập khẩu thành phần, chi phí công lao động tại nước ngoài, trượt giá đồng tiền Việt Nam và ngoại tệ...

Các chi phí này được nhãn sữa nước ngoài đẩy ngược lại vào giá bán tới tay người tiêu dùng và người tiêu dùng là người phải gánh chịu nhiều nhất. Trong khi đó chất lương sữa ngoại chưa chắc đã vượt trội hơn so với các mặt hàng sữa trong trong nước cùng sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại nhập.

Chưa dừng lại đây, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, năm 2007 có 33,9% số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, khoảng 30% trẻ bị thiếu kẽm, 34% thiếu sắt. Vì thế, cần phải có 1 công thức sữa đặc thù phù hợp với dinh dưỡng của người Việt Nam.  Tuy nhiên, thực tế, hoàn toàn có thể dùng thực phẩm thay thế để bổ sung các chất, chứ không nhất thiết chỉ được dùng sữa.
 
Theo Hà Lan
VTCNews
Chia sẻ