Các app “tín dụng đen” quấy rối người thân có vị trí để ép con nợ trả tiền

Q.Châu,
Chia sẻ

Khi cho vay tiền, đến thời hạn trả nợ, không đòi được, các app “tín dụng đen” đã nghĩ ra đủ các chiêu trò để bằng mọi cách thu được tiền về. Bản thân người vay khi không còn khả năng thanh toán thường tìm cách lẩn tránh, và lúc này nhân viên của các app cho vay “tín dụng đen” sẽ quay sang quấy rối, khủng bố tinh thần người thân, người quen của người vay.

Đây là những người mà các đối tượng tìm cách điều tra được, hoặc có tên trong danh bạ điện thoại của người vay mà lúc trước trong điều kiện cho vay, các app đã yêu cầu người vay phải cho chúng truy cập. Đặc biệt, chúng luôn tìm đến những người có tiền, vị trí trong xã hội, công tác tại cơ quan Nhà nước để khủng bố, nhằm gây áp lực với họ, buộc họ trả nợ thay người thân, người quen, hoặc yêu cầu người vay trả tiền cho chúng…

Các app “tín dụng đen” quấy rối người thân có vị trí để ép con nợ trả tiền - Ảnh 1.

Một trang web tiếp nhận thông tin cảnh báo về “tín dụng đen”

Tại tỉnh Hà Nam đã xảy ra một trường hợp như vậy. Anh T, công tác tại một bệnh viện của tỉnh Hà Nam bị các đối tượng quấy rối. Nhiều người công tác cùng anh T, bạn bè anh cũng bị các đối tượng gọi điện, rêu rao rằng anh vay nợ, rồi quịt tiền của chúng, nhằm gây áp lực tinh thần với anh.

Tuy nhiên, theo trao đổi của anh tại cơ quan Công an thì anh không hề vay nợ bọn chúng. Khi kiểm tra thì các sim dùng để nhắn tin, gọi điện đó đều là sim rác. Các đơn vị chức năng của tỉnh Hà Nam đã nắm bắt tình hình trên, tiến hành xác minh và thông báo phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” lên Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh Hà Nam để người dân phòng tránh.

Tương tự tại tỉnh Thanh Hóa, khi không đòi nợ được hai anh L.V.T và L.V.T.A ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), nhóm cho vay nợ của Vũ Anh Huy đã đến nhà chị gái của hai anh này hiện đang là giáo viên để quấy rối, gây sức ép, yêu cầu chị L.T.L trả nợ thay cho em trai. Chúng đã 9 lần ném chất bẩn, 2 lần mang vòng hoa tang đến nhà chị L. Đồng thời, còn đến tận nơi làm việc của chị L là một trường trung học cơ sở trên địa bàn TP Thanh Hóa đứng tụ tập để gây sức ép đòi chị L trả nợ thay cho em trai.

Một trường hợp khác cũng vừa xảy ra tại Cần Thơ. Nạn nhân công tác tại một bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ đến Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ phản ánh về việc bị người lạ nhắn tin, gọi điện, không những thế họ còn nhắn cho cả lãnh đạo nơi chị công tác, đưa cả ảnh cá nhân chị lên trang web của đơn vị đang làm việc để yêu cầu trả nợ, mặc dù chị và người thân trong gia đình không hề vay của bất cứ ai.

Ngay tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ cũng có trường hợp tương tự, đó là trường hợp của bà H. Vào tháng 9 vừa qua, bà nhận được nhiều tin nhắn của bạn bè và trên bình luận facebook của bà có hình ảnh của bà và con gái kèm theo dòng chữ nói là đồng phạm với người vay nợ rồi không trả. Bà H khẳng định, không biết gì về số nợ này.

Hiện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ đang phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Cần Thơ điều tra, xử lý vụ việc này.

Hiện nay, các vụ việc quấy rối kiểu trên đang gây sự bức xúc trong dư luận và có chiều hướng phức tạp. Đối với các tổ chức cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen”, để thu hồi nợ, các đối tượng ngày một nghĩ ra nhiều chiêu thức tạo áp lực mạnh hơn với các con nợ và những người quen, người thân xung quanh.

Việc tìm những người thân, quen với con nợ có vị trí công tác để quấy rối, gây áp lực tinh thần cũng là một chiêu thức mới, nhằm đạt được mục đích thu hồi nợ của bọn chúng. Đa số các “công ty” cho vay kiểu “tín dụng đen” đứng trong bóng tối, thông qua những đầu số sim rác trên mạng viễn thông di động và qua mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm người khác nhằm tạo áp lực, bắt đối tượng cho vay phải trả nợ cho chúng. Cho nên, việc tìm ra và xử lý được các đối tượng cũng không hề đơn giản.

Đối với người dân, nếu bị các đối tượng cho vay kiểu “tín dụng đen” quấy rối, khủng bố như trên, đề nghị trình báo với Công an, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương. Còn khi nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến “tín dụng đen”, người dân có thể chủ động cảnh báo tới các cơ quan chức năng, qua đó chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”.

Chia sẻ