Ca trực khó quên của bác sĩ cấp cứu khi gặp thần tượng một thời
Đó quả là một kỉ niệm đặc biệt trong cuộc đời làm nghề của bác sỹ. Gặp "thần tượng" một thời trong tình huống mình là bác sĩ, "thần tượng" là bệnh nhân đang trong cảnh "thập tử nhất sinh".
Vừa qua, bác sỹ Lương Quốc Chính, khoa cấp cứu BV Bạch Mai đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình dòng trạng thái thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo chia sẻ, bác sỹ Chính có đề cập tới trường hợp của 1 nữ bệnh nhân bị đột quỵ trước đêm Giao thừa nhưng được cứu sống hi hữu và không để lại biến chứng gì, có thể đứng dậy đi lại bình thường.
Và trong buổi trực đầu tiên của năm mới Bính Thân, bác sĩ Chính chợt nghe giọng nói quen thuộc của bệnh nhân này. Điều mà bác sĩ Chính cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, đó lại là “thần tượng” của mình. Nữ bệnh nhân đó chính là chị Thanh Tâm”, người đã gỡ rối tâm lý cho rất nhiều bạn trẻ cũng như những người đã có gia đình trong vấn đề tình cảm.
"Chị Thanh Tâm" đang được các bác sỹ chăm sóc
Bác sĩ Chính kể lại: "Hồi còn trẻ khi đang yêu tôi rất thích nghe radio, nhất là chương trình "Cửa sổ tình yêu" của hai chuyên gia tâm lý Thanh Tâm và Đinh Đoàn. Thật bất ngờ, hôm mồng 2 Tết Bính Thân, sau khi nhận trực, và trong khi đi buồng thăm khám bệnh nhân tôi đã nhận ra giọng nói quen thuộc văng vẳng trước mắt.
Nghĩ mãi mà không thể nhớ ra nổi. Mãi sau khi tĩnh tâm lại tôi mới nhớ ra giọng nói đó chính là của chị Thanh Tâm – một trong hai “thần tượng” của tôi trong chương trình Cửa sổ tình yêu. “Chị Thanh Tâm” tên thật là Nguyễn Thị Liễu (64 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội)".
Bác sĩ Chính kể lại, bệnh nhân nhập viện lúc 00:00 ngày 07/02/2016 (ngày 29 Tết Bính Thân) vì liệt nửa người trái. Tiền sử bệnh nhân có rung nhĩ, suy tim do hẹp van hai lá đã phẫu thuật sửa van một lần. Trước vào viện khoảng 1 giờ, bệnh nhân đột ngột ngất xỉu, liệt nửa người trái. Gia đình gọi điện ngay cho dịch vụ cấp cứu 115 đến nhà sơ cứu và đưa tới Bệnh viện Bạch Mai. Tình cảnh hết sức gấp rút.
Ngay sau đó, được hội chẩn và cấp cứu, “chị Thanh Tâm” đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được điều trị tại khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Bệnh nhân "Thanh Tâm" đang chia sẻ với PV
Sau khi kết thúc điều trị tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện rõ, hết liệt nửa người trái. Sau đột quỵ ngày thứ 9 bệnh nhân tỉnh, không còn liệt và có thể đứng dậy đi lại bình thường.
"Tôi như đang sống lại lần hai"
Qua dòng chia sẻ trên, chúng tôi đã tìm đến Khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, nơi “chị Thanh Tâm” khi “chị” đang được điều trị. “Chị” đã hoàn toàn khỏe mạnh và sẵn sàng trở lại với công việc “tư vấn tâm lý” của mình. Chia sẻ về tình trạng của mình khi bị đột quỵ, “chị Thanh Tâm” cho hay, lúc đó, chị chỉ nghĩ mình bị mệt, chân tay mỏi rồi ngã khụy xuống chứ không nghĩ mình bị đột quỵ.
Chị nói:"Vốn có chút hiểu biết về y tế nên tôi được chồng sơ cứu ngay tại nhà trước khi gọi cấp cứu để vào viện. Theo tìm hiểu tôi biết, đột quỵ rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới tính mạng hoặc gây liệt.
Nhưng may mắn tôi đã “chiến thắng” được những điều đó. Bản thân tôi bị bệnh tim bẩm sinh và từng sửa van tim 1 lần tại Bệnh viện Tim TP. Hồ Chí Minh".
Niềm vui của "chị Thanh Tâm" khi được "sống lại" lần 2
"Chị Thanh Tâm” nở nụ cười tươi trẻ như khi đang “gỡ rối” cho các cặp tình nhân gặp “khó”: "Tôi thấy rất vui, may mắn, thấy mình như có được cuộc sống thứ hai vậy, tôi cảm ơn chồng và con nhiều lắm. Đặc biệt là các bác sĩ khoa Cấp cứu, từ xưa rồi nơi đây như một thương hiệu, địa chỉ tin cậy của người bệnh.
Quả thật, được các bác sĩ chăm sóc chu đáo tận tình và chuyên môn của họ, tôi đã nhận ra ánh sáng của cuộc đời. Tôi hy vọng có nhiều người không may bị như tôi cũng có được may mắn vượt qua những thời khắc nguy hiểm như vậy...”
Nói rồi, "chị Thanh Tâm” xúc động gửi lời cảm ơn: “Tôi cảm nhận rõ tâm huyết của các bác sĩ dành cho bệnh nhân. Họ thực sự là những thiên sứ, tranh thủ từng giây phút cứu mạng sống cho bệnh nhân. Họ rất có tâm và có tay nghề đáng kính nể. Họ thực sự đáng được kính trọng biêt ơn. Tôi vô cùng cảm ơn những người đã mang lại cuộc sống cho tôi lần thứ hai trong cuộc đời này”.
“Chị Thanh Tâm” cho biết thêm, đây cũng là lần đầu tiên chị phải đón giao thừa tại bệnh viện. Câu chuyện nhỏ của bác sĩ Chính nhận được sự quan tâm của nhiều bạn bè, đồng nghiệp và người dùng mạng xã hội. Một ca trực đáng nhớ, cảm xúc nhất là khi trong thời khắc thiêng liêng của năm mới, mọi người đều quây quần cùng gia đình, thì các y bác sĩ vẫn tận tình túc trực bên người bệnh, giúp họ vượt qua cơn nguy hiểm.