Cả thế giới đang bắt nạt nàng tiên cá
Việc hãng Disney công bố diễn viên da màu Halle Bailey vào vai Công chúa Ariel trong phim "Nàng tiên cá" phiên bản live-action đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng mạng.
Trên nhiều diễn đàn, khán giả cho rằng hãng phim không tôn trọng nguyên tác và đã phá hủy hình tượng công chúa Ariel ở bản hoạt hình năm 1989. Hashtag #notmyariel (không phải Ariel của tôi) trở thành trending trên các nền tảng mạng xã hội.
Trailer phim nhận phải 1,5 triệu lượt dislike kèm theo nhiều bình luận tiêu cực hướng đến màu da của nhân vật, buộc YouTube phải ẩn lượt dislike và tắt chức năng bình luận. Vậy dựa vào căn cứ nào cộng đồng mạng lại đoàn kết đến như vậy chỉ để chê bai một bộ phim còn chưa ra mắt?
Nàng tiên cá là truyện cổ tích Đan Mạch, do đó công chúa Ariel phải có màu da trắng?
Truyện Nàng tiên cá được viết bởi nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen (truyện cổ Andersen), xuất bản năm 1837. Ngay từ đoạn mở đầu, ông đã dành để giới thiệu tộc người cá đến từ “tít ngoài biển khơi kia, ở vùng nước sâu thăm thẳm, sâu đến nỗi neo buông không tới đáy…”.
Rõ ràng tác giả không hề đề cập đến Đan Mạch và cũng không ai nói nàng tiên cá sống ngoài biển khơi lại có quốc tịch Đan Mạch. Thế nên, lập luận nàng phải có da màu trắng bởi vì nàng đến từ truyện cổ tích Đan Mạch là chưa thuyết phục.
Người cá sống ở dưới biển nên không thể có da màu tối?
Xét theo góc độ khoa học, nếu người cá có thật, khả năng cao da của họ có màu trắng bệch vì thuộc nhóm sinh vật sinh sống ở vùng biển thẳm. Tuy nhiên, không phải mọi loài sinh vật dưới nước đều có cấu tạo như nhau. Xét theo chi tiết người cá có khả năng ngoi lên mặt nước và tiếp xúc với loài người, có thể suy ra họ có lớp da được cấu tạo đặc biệt để linh hoạt thích nghi với các kiểu môi trường khác nhau.
Mà nói cho cùng người cá … chỉ là hư cấu. Do đó dựa vào khoa học để tranh luận về nhân vật hư cấu, ở trong thế giới hư cấu, quả là chỉ tốn thời gian. Quyền quyết định tạo hình nhân vật nằm trong tay tác giả hoặc nhà làm phim, còn tính logic phụ thuộc vào cách câu chuyện được kể.
Để Công chúa Ariel có da màu là phản bội nguyên tác, phản bội tuổi thơ của nhiều người?
“Nguyên tác” được nhắc tới ở đây không phải là bản truyện của Andersen mà là bản phim hoạt hình do Disney sản xuất năm 1989, gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 9X và những năm đầu 2000. Công chúa Ariel xinh đẹp với làn da trắng cùng mái tóc đỏ mượt mà đã trở thành hình ảnh nổi bật trong hàng ngũ “công chúa Disney”, thời phim hoạt hình còn được vẽ bằng tay.
Sẽ là sai lầm tai hại khi cho rằng bản phim live-action sắp tới là sự thay thế bản cũ. Thực tế, hai tác phẩm đều đứng độc lập và không liên quan đến nhau, dù cùng kể một câu chuyện.
Điều khác biệt nằm ở đối tượng khán giả. Thế giới của trẻ em thời nay khác nhiều so với thế giới của trẻ em thời xưa. Công nghệ làm phim cũng đã tân tiến. Do đó, cách kể chuyện mới, cùng một số chi tiết được thay đổi là điều tất yếu và cần thiết để câu chuyện Nàng tiên cá, dù đã ra đời cách đây 186 năm vẫn có thể chạm đến thế hệ trẻ em của hiện tại.
Màu da không quyết định giá trị nhân vật và tác phẩm, đặc biệt là với một tác phẩm hư cấu như Nàng tiên cá. Disney hoàn toàn có cơ sở khi đặt trọn niềm tin vào tài năng mới bước sang tuổi 23 – Halle Bailey, người có khả năng thể hiện đúng tinh thần nhân vật công chúa Ariel bằng năng lực diễn xuất cùng giọng hát trời phú.
Không ít người đã phải ngỡ ngàng khi nghe những nốt đầu tiên phát ra từ giọng hát của Nàng tiên cá mới trong trailer đầu tiên.
Không ai từng gặp người cá ngoài đời thật để xác minh họ có màu da và tính cách như thế nào. Chưa ai đến hiện tại đã xem bản live-action của Nàng tiên cá để biết nó hay hoặc dở. Câu chuyện vẫn chưa được kể, bản nhạc vẫn chưa được bật lên. Hãy đợi đến khi phim ra mắt rồi hãy khen hoặc chê. Chỉ cần nhớ rằng, màu da không có tội.