Ca sĩ Thanh Thúy: Một thời để yêu & để nhớ
Nhớ lại những mối tình đẹp đã qua, Thanh Thúy không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về cuộc sống hiện tại. Có những đêm cô đơn, người mẹ đơn thân nuôi con nằm khóc một mình cho nhẹ lòng.
Ca sĩ - diễn viên Thanh Thúy (ảnh: herworld) |
Duyên phận
Đến nay, Thúy vẫn cho rằng mình lấy chồng hơi sớm. Ở cái tuổi vừa qua ngưỡng cửa đôi mươi, tài năng đang độ phát tiết, lại là nghệ sĩ, mấy ai chịu sự ràng buộc của hôn nhân, nhưng "người tính không bằng trời tính". Trong một lần ra Hà Nội biểu diễn, Thúy đã gặp một giảng viên âm nhạc cũng phục vụ trong ngành quân đội như mình. Từ hai điểm chung đó, họ dễ hiểu nhau và nhanh chóng tiến đến hôn nhân.
Không ai ngờ cuộc tình có khởi đầu thật đẹp như thể chấm dứt sau khi con trai đầu lòng chào đời. Bé Đông Phương lớn lên trong cảnh bố Bắc, mẹ Nam, nhưng không đến nỗi thiếu tình thương vì bố bé vẫn thỉnh thoảng vào Sài Gòn thăm con.
Mẹ và con trai
Thời gian sau đó, Thúy vùi đầu vào công việc cho khuây khỏa nỗi buồn. Song, cô lại không nén được niềm đau khi nghe con thỏ thẻ: "Mẹ ơi, có lẽ trên đời này chỉ có con là không có bố bên cạnh!".
Bình thường, Thúy tỏ ra khá cứng cỏi, nhưng khi nhắc đến con, giọng cô chùng xuống ngay: "Hồi bé mới hai tháng tuổi, tôi có chuyến lưu diễn từ thiện tại quê nhà Trà Vinh. Về đến nơi, sữa chảy ướt áo, tôi phải cho con người ta bú thép (tức bú nhờ). Trong khi đó, ở Sài Gòn, con trai tôi nhớ hơi mẹ, nhớ sữa đến khóc ngất. Bố mẹ tôi dỗ cách mấy cháu cũng không chịu nín. Ông bà đành bế cháu, lên xe đuổi theo tôi. Gặp nhau dưới Trà Vinh, thấy con nức nở, tôi xót ruột quá nên cũng khóc theo luôn".
Nói đến bé Phương, mắt cô ngời sáng. Thúy kể, bé rất tự hào về mẹ. Đi đâu với mẹ, bé cũng liếc xung quanh xem có ai nhìn mẹ không. Mỗi khi mua hàng được giảm giá, bé liền nói: "Biết ngay mà, nhờ mẹ, người ta mới bán rẻ đó!".
Tuy thần tượng mẹ, nhưng bé rất sĩ diện. Trong lớp, bé cũng có chút áp lực nên luôn phấn đấu học tập. Bé muốn được thầy yêu, bạn mến không phải vì mình có mẹ là người nổi tiếng. Vì thế đi đâu với mẹ, bé cũng thường làm trò để khỏa lấp chút căng thẳng tâm lý đó.
(Ảnh: herworld) |
Nhiều đêm đi hát, về đến nhà mệt mỏi. Thúy chỉ ước được ngả lưng, nhưng bé Phương vẫn còn đợi mẹ: "Con thích mẹ ở nhà đánh cờ vua với con cơ!". Thúy thấy mủi lòng, ráng ngồi chơi với con vài ván cờ, trong khi mắt nhắm, mắt mở.
Sinh nhật có bố về dự, mặt bé rạng ngời hẳn lên, chạy lung tung cười nói huyên thuyên. Có khi bé thắc mắc hỏi mẹ: "Bố mẹ hết yêu nhau hồi nào?" khiến Thúy lặng người, chỉ dám trả lời trong chừng mực nào đó để bé có thể hiểu được.
PV: - Phụ nữ cần một người đàn ông bên cạnh để được che chở, yêu thương để cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Là người phụ nữ đơn thân nuôi con gần mười năm, chị không thấy cô đơn sao?
Thanh Thúy: - Làm sao không có lúc cảm thấy cô đơn? Nghề ca sĩ buộc tôi có những chuyến lưu diễn xa. Nhiều đêm, một mình lái xe từ tỉnh về nhà, nhìn con đường hun hút trước mặt, bóng tối mịt mùng, tôi nhận thức rất rõ sự cô đơn của mình.
Có những đêm, nằm cạnh con, khi cháu đã ngủ say, tôi quay mặt sang hướng khác, để mặc cho nước mắt rơi. Tôi cũng mong có một bờ vai để mình nương tựa tinh thần, để có thể khóc thỏa thê, không cần che đậy, giấu giếm, nhưng khó lắm.
Đã có vài người ngỏ ý với tôi, nhưng rồi tôi ngẫm nghĩ, liệu người ta hiểu mình được bao nhiêu, yêu mình được bao lâu? Thế là thôi. Tôi nghĩ cả hai cứ duy trì tình bạn thì hay hơn.
Bản thân tôi cũng biết điều quý nhất của một người phụ nữ là gia đình, là bổn phận, nhưng mình lại không may mắn có được điều đó. Tôi chưa có một gia đình đúng nghĩa, thôi thì tạm thời cứ vui sống với bố mẹ và con trai.
Niềm vui hiện tại của tôi là được thấy con khôn lớn từng ngày. Mỗi sáng, tôi thức dậy sớm, đánh thức con, đưa cháu đi ăn sáng rồi chở đến trường. Lúc rảnh rỗi, tôi nấu vài món ăn con thích, đưa con đi chơi, nghe con kể chuyện trường lớp...
- Cách đây vài năm thì có, nhưng cái chính là giữa hai người có còn cảm xúc với nhau không! Nếu chỉ vì con mà cố cắn răng chịu đựng, níu kéo thì khi hiểu được, bé sẽ càng khổ thêm. Con càng lớn càng có nhiều chuyện mới, đáng lo hơn.
Tình đầu của Thúy
Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ...
Trong đời một người, cho dù trải qua nhiều mối tình, nhưng có lẽ tình đầu vẫn khó quên nhất. Thúy cũng vậy.
Năm Thanh Thúy vinh dự đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP. HCM, mối tình học trò đầu đời đã đến với cô. Đó là một anh chàng đẹp trai, rất nam tính, học lớp 11, thuộc hạng công tử nhà giàu, cao ngạo, là tâm điểm của nhiều cô gái trong trường cấp ba Lê Quý Đôn. Anh chàng để ý Thúy từ những ngày đầu học kỳ hai của năm lớp mười. Lâu ngày, Thúy mới phát hiện. Ngày nào cô dắt xe đạp vào trường, anh ta cũng cầm ổ bánh mỳ, lẽo đẽo theo sau.
Tình trạng Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu này kéo dài cho đến một hôm, Thúy đang ngồi trong lớp làm quen với cô giáo mới, anh ta nhảy "cái độp" đến cạnh cô hỏi: "Biết tui là ai không?". Chỉ có bấy nhiêu thôi mà Thúy đã sợ khiếp vía, run lên bần bật, không dám nhìn vào mắt anh ta. Vài ngày sau, Thúy thử quan sát lại, thấy chàng ta cũng... đẹp trai, tuy tính tình hơi bặm trợn.
Sang năm sau, cả hai bắt đầu có những buổi hò hẹn thật dễ thương, chỉ để ăn... bò bía hoặc đưa đi, đón về, xe gắn máy chạy song song với xe đạp trên con đường rợp bóng cây. Thúy còn nhớ như in những giờ giải lao "người ta" đứng bên cửa sổ lớp này lấp ló nói chuyện với "người ta" bên lớp kia, bị cô giám thị chưa chồng nổi tiếng khó tính bắt gặp. Có hôm, anh chàng chạy sang lớp Thúy xếp hàng, bị giám thị xách tai, còn dám nói: "Lớp này của bạn gái em".
Nhiều khi nghĩ lại, gia đình mình công chức, quân đội, còn nhà người ta giàu có, bỗng dưng tự ti, đòi chia tay! Tình yêu học trò của hai người tuy rất lãng mạn, nhưng cũng biết dìu dắt nhau vượt qua những khó khăn trong học tập, còn xưng hô bằng tên, hứa hẹn hai năm sau, khi ra trường sẽ gọi nhau là... anh em!
Mấy ai học được chữ ngờ. Ngay sau khi tốt nghiệp, gia đình nhà chàng gặp biến cố. Tiếng anh em chưa kịp cất trên môi, hai người đã phải chia lìa. Từ một công tử chỉ biết học, quậy phá cho vui, người ấy trở nên trầm lặng và mặc cảm trước người con gái mình yêu.
Trong khi đó, con đường nghệ thuật của Thúy ngày càng rộng mở. Cho nên người ấy thấy khoảng cách giữa cả hai ngày càng lớn. Anh không thích Thúy làm nghệ sĩ, không thích Thúy được nhiều người chú ý. Còn Thuý thấy anh độc đoán, không biết có cùng mình đi hết đoạn đường đời được không. Mỗi lần thấy Thuý biểu diễn, anh lại buồn, uống rượu.
Thế là họ xa nhau dần. Cô học trò tóc dài bay trong gió ngày xưa, giờ đã là người mẹ tuổi ba mươi. Mỗi khi nhớ về những ngày xưa thân ái, về mối tình đầu rất vụng dại nhưng vô cùng quý giá đó, Thuý không khỏi ngậm ngùi.
Thúy tâm sự, có những mùa hè, cô trở lại thăm mái trường xưa, lang thang giữa hai hàng cây cổ thụ. Nhìn nền đất rêu phong, bỗng dưng kỉ niệm chợt ùa về khiến Thuý đứng chết lặng.
Nhớ những ngày sắp tạm biệt trường, Thuý ngồi hết ghế đã này đến ghế đá kia, như muốn lưu lại bước chân, muốn để lại chút hơi ấm của mình. Này là phòng thí nghiệm mà mỗi lần chuột chạy, Thúy sợ co giò. Này là hành lang ngày xưa hai đứa thường ở bên nhau, rồi bị giám thị phạt đứng cho các bạn học sinh đều trông thấy.
Nhớ những ngày đi cắm trại trên núi Bửu Long bằng xe đạp, mang theo nồi niêu, xoong chảo lỉnh kỉnh, những đêm lửa trại thật vui, tình cờ hai đứa được chọn diễn chung, Thuý cải trang thành nam, còn người ấy giả gái. Rồi hai đứa kéo nhau ra một góc, bàn chuyện tương lai... Mối tình đầu trong sáng ấy vẫn sống mãi trong lòng Thúy vì nó đánh dấu một thời dấu yêu của tuổi học trò không bao giờ tìm lại được.
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
...
Cánh phượng hồng ngẩn ngơ,
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây,
Và mùa sau biết có còn gặp lại...
Theo Herworld