Cà phê trứng: Từ góc nhỏ trong phố cổ Hà Nội vươn ra thế giới, trở thành thức uống đặc sắc được ưa thích ở Mỹ và Canada
Với hương vị thơm ngậy, lạ miệng, món cà phê trứng nhận được sự yêu mến của rất nhiều người khắp nơi trên thế giới.
Năm 1946, ông Nguyễn Văn Giảng, lúc đó đang làm việc tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội, đã nghĩ ra một loại sữa có thể thay thế sữa đặc truyền thống khi pha cà phê, đó chính là lòng đỏ trứng đánh bông. Sáng tạo ngẫu hứng này đã được đón nhận và chính thức trở thành một món đồ uống có vị trí của riêng mình tại Hà Nội.
Cuối cùng, ông Giảng quyết định mở quán cafe của riêng mình, với món cafe trứng là đặc trưng. Sau đó Cà phê Giảng đã trở thành một nơi thu hút rất nhiều người yêu thích cà phê mặc dù địa điểm khá khó tìm vì nó nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố cổ.
Cà phê trứng được làm từ hạt cà phê Robusta, trứng đánh bông, đường và sữa đặc. Qua thời gian, món cà phê trứng đã trở thành một món thức uống "nhất định phải thử" khi đến Hà Nội. Và không chỉ lan rộng ra khắp các tỉnh thành trên đất nước, món đồ uống đặc biệt này đã vượt qua các đại dương và lục địa, để chiếm được cảm tình của rất nhiều người trên thế giới.
Cà phê Việt Nam chính là cơ sở phát minh của ông Giảng. Robusta là loại cafe có vị đắng chát, nồng, ấm đối trọng với vị ngọt sắc của đường. Cà phê sữa thường được phục vụ nóng hoặc lạnh, xuất hiện lần đầu vào năm 1857 trong thời kì Pháp thuộc. Do không có nhiều điều kiện về thời tiết, địa lý và kinh tế, sữa tươi lại quá khan hiếm để được sử dụng nên người ta thay thế nó bằng một loại sữa đặc được làm từ đường mía.
Ngày nay, Việt Nam là nơi cung cấp cà phê lớn thứ 2 trên thế giới sau Brazil và nếu chỉ tính cà phê Robusta thì Việt Nam đứng đầu. Trong khi cà phê và ẩm thực Việt Nam được tìm thấy dễ dàng ở các nước phương Tây, nhưng món cà phê trứng lại không được phổ biến bằng.
Tại New York, thực khách chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là Hanoi Soup Shop trên phố Marks Place, phía đông của Manhattan. Cô Sara Leveen, đồng sở hữu của Hanoi Soup Shop và Hanoi House, nói rằng hương vị của món cà phê trứng giống như là vị của bánh tiramisu. Sự ngọt ngậy, thơm nồng của món thức uống này trở thành một món tráng miệng hoàn hảo sau bữa ăn.
Được biết, Leveen và chồng sắp cưới là Ben Lowell sau khi đi vòng quanh thế giới, có dừng lại ở Việt Nam và ấn tượng với ẩm thực của địa phương. Cả hai quyết định mở một cửa hàng ẩm thực đồ uống Việt Nam vào năm 2017 với tình yêu sâu sắc dành cho ẩm thực Việt. Leveen chia sẻ rằng, hầu hết những người nhập cư Việt Nam đều đến từ phía Nam, họ mang theo những sắc thái, đặc sản của quê hương mình đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, món cà phê trứng dường như lại bị lãng quên.
Ban đầu, quán chỉ phục vụ bữa tối. Sau đó, quán đã thêm dịch vụ bữa xế mỗi tuần một lần, với thực đơn là món cà phê trứng. Tháng 4 vừa rồi, quán đã quyết định sẽ bán cà phê cả ngày. Công thức mà Leveen tiết lộ là 3 lòng đỏ trứng gà cho một ly cà phê, được đánh bông lên và cuối cùng thêm một thìa nhỏ mật ong và sữa đặc. Trứng đánh bông không phù hợp với môi trường lạnh, vì thế sữa và cà phê sẽ được đun nóng.
Một ly cà phê trứng mất đến 4 phút để hoàn thành. Nhưng với một hình thức quán ăn nhanh, một cốc cà phê phải mất đến từng ấy thời gian để thực hiện không thực sự khả quan. Chính vì vậy, thay vì khi khách order mới đánh trứng, các nhân viên sẽ sục khí lòng đỏ trứng cho bông thành một mẻ lớn, để nguội rồi phục vụ sau. Theo Leveen, trong số 50 người đi bộ qua cửa hàng mỗi ngày, có đến 6-8 người trong số đó bước vào chỉ để thưởng thức món đồ uống này.
Món thức uống này cũng được biết đến tại Canada, khi một số người Việt Nam đến đất nước này định cư đã mang theo ẩm thực truyền thống vào hòa cùng với ẩm thực địa phương. Tại Dak Lak Coffee ở Toronto, cà phê trứng được làm từ 2 lòng đỏ trứng đánh bông, sữa đặc, cà phê và bột ca cao. Về mức độ phổ biến, ông Phạm, chủ sở hữu của quán cafe này ước tính rằng khoảng 80% khách hàng đến quán gọi món đồ uống này.
Ngoài món cà phê trứng, cà phê dừa cũng được phục vụ tại các quán cafe nói trên. Tại Dak Lak Coffee, họ sử dụng kem dừa, sữa đặc, cà phê và phủ lên một lớn vụn dừa nướng. Còn Hanoi Soup Shop sử dụng kem dừa, nước cốt dừa, cà phê. Leveen nói rằng, công thức pha món đồ uống này tại Việt Nam hơi khác một chút, người ta sẽ sử dụng nước cốt dừa và đá tạo thành hỗn hợp sinh tố, sau đó đổ vào cafe để khiến món đồ uống trông như là một cốc bia với đầy bọt trắng.
(Theo Fortune)