Cá nhân có được phép kêu gọi từ thiện và nghĩa vụ công khai nguồn đóng góp tự nguyện thế nào?
Việc minh bạch là điều cần thiết trong bất cứ hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện nào, dù là trên danh nghĩa của cá nhân hay tổ chức.
Quyên góp từ thiện là một hành động nhân đạo, giúp đỡ những người khó khăn, bất hạnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động cộng đồng. Trong những năm qua, các hoạt động quyên góp từ thiện tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự tham gia đông đảo từ các cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, những vụ việc trục lợi từ thiện đã làm dấy lên sự lo ngại trong xã hội và khiến cơ quan chức năng phải siết chặt các quy định pháp lý để bảo vệ lòng tin của cộng đồng.
Cá nhân có được phép kêu gọi từ thiện?
Hiện nay, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định, ngoài các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi từ thiện thì cá nhân có đủ năng lực hành vi được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, cá nhân cần đảm bảo một số điều kiện cụ thể theo quy định. Cụ thể, căn cứ Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định về việc “Vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện đối với cá nhân”, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về các nội dung:
- Mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động đóng góp;
- Tài khoản tiếp nhận (đối với tiền);
- Địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật);
- Thời gian cam kết phân phối;
- Gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cá nhân cần phải:
- Mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận;
- Có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
- Không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Cá nhân có cần công khai nguồn đóng góp tự nguyện?
Về việc quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện, tại Nghị định này cũng quy định rõ các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Cụ thể:
- Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành;
- Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 1 - 3 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện;
- Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện;
- Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận;
- Công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng;
- Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

Mức phạt với các hành vi lợi dụng từ thiện trục lợi cá nhân
Nghị định này cũng nghiêm cấm việc báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Như vậy, cá nhân nào có hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân, chiếm đoạt tiền từ thiện thì có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
Căn cứ Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, nếu kêu gọi nhận tiền ủng hộ nhưng có hành vi sửa đổi, giả mạo sao kê tiền ủng hộ để ăn chặn tiền từ thiện, sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 2-3 triệu đồng (đồi với cá nhân) và gấp đôi với tổ chức. Đồng thời, cá nhân, tổ chức sẽ phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc trả lại tài sản chiếm giữ trái phép.
Nếu hành vi gian dối để ăn chặn, chiếm đoạt ngay từ đầu hoặc hành vi gian dối phát sinh sau khi đã nhận tiền thì tùy thuộc vào hậu quả xảy ra đối với từng trường hợp, đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm tài sản theo quy định tại Điều 174, 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức xử phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến chung thân, tùy thuộc vào hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần, toàn bộ tài sản.