‘Ca khúc nhạc Việt mô tả sex một cách thô bạo, cần nghiêm cấm’

Đỗ Quyên,
Chia sẻ

Chuyên gia văn hóa nhận xét ca khúc ''Fever'' do tlinh và Coldzy thể hiện có ca từ tối nghĩa, dung tục. Có thể xem sản phẩm này là một dạng truyền bá “văn hoá phẩm đen”, cần nghiêm cấm phát hành.

Tính đến ngày 19/6, Fever đạt hơn 700.000 lượt nghe, đứng top 26 ca khúc thịnh hành trên YouTube Việt Nam.

Tuy nhiên, ca khúc bị phản ứng vì ca từ phản cảm, mô tả chuyện quan hệ tình dục một cách trần trụi.

‘Fever không phải tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa’

“Ngày càng nhiều thứ dung tục, vô văn hoá tràn lan trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, không thể buông lỏng và dễ dãi, rất nhiều trẻ em sẽ bị ảnh hưởng xấu về lối sống và hành vi vì những thứ như này”, tài khoản Hoang bình luận.

Một người khác nêu ý kiến: “Cấm là vừa mà, thời này chẳng hiểu sao tràn lan thể loại nhạc rẻ tiền đến vậy”.

Cũng có người bênh vực “thể loại nhạc Rap là như vậy” và gợi ý “chỉ cần gắn nhãn 18+ thôi”.

‘Ca khúc nhạc Việt mô tả sex một cách thô bạo, cần nghiêm cấm’ - Ảnh 1.

‘Ca khúc nhạc Việt mô tả sex một cách thô bạo, cần nghiêm cấm’ - Ảnh 2.

Ca khúc của tlinh và Coldzy gây tranh cãi vì ca từ dung tục, phản cảm.

Trao đổi với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận xét Fever là ca khúc tối nghĩa, dung tục về ngôn ngữ, giai điệu nhàm chán, không có độ căng, giọng ca thể hiện rít âm, không rõ ràng, khán giả nghe sản phẩm này phải đồng thời đọc phần Việt sub mới biết ca khúc đang thể hiện nội dung gì.

“Xét về mọi bình diện, ca khúc có thể dưới mức xếp hạng âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ là một bản phối lai căng, lạc trôi giữa dòng nhạc tự phát đang khá thịnh hành trên mạng xã hội. Nếu xét về tiêu chuẩn thẩm mỹ thì Fever không phải là tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa, mà là một dạng phối âm tự phát mang ý đồ cá nhân nhiều hơn”, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận định.

Dưới góc nhìn quan sát của một khán giả về sản phẩm âm nhạc, ông Ngô Hương Giang cho rằng dù nghe nhiều lần vẫn chưa thể cảm được “giá trị xúc cảm tình yêu” mà tác giả thể hiện là gì. Có chăng chỉ là những câu từ mô tả sex một cách thô bạo, đúng theo nghĩa đen.

Đây là một dạng sống gấp bản năng, không phải tình yêu dâng hiến.

“Thậm chí khi chúng ta bàn về ngôn từ sex trong âm nhạc, thì ngôn từ ấy cũng phải được thể hiện một cách nghệ thuật khiến người nghe không có cảm giác sốc hay mang nặng tâm tưởng về lối sống hoang dại, nhục dục. Fever , xét ở khía cạnh nào đó, không quá lời khi xem sản phẩm này là một dạng truyền bá ‘văn hoá phẩm đen’, cần nghiêm cấm phát hành”, chuyên gia cho hay.

Cần cấm sóng vĩnh viễn nghệ sĩ phát tán sản phẩm nghệ thuật xấu độc

Trước thực tế Fever đạt hơn 700.000 lượt nghe, đứng top 26 ca khúc thịnh hành trên YouTube Việt Nam, chuyên gia nhận định đây là sự việc cần báo động về tình trạng tự do hoá quá mức trong sáng tác và phát hành các sản phẩm nghệ thuật chưa được kiểm chứng trên không gian mạng.

Chuyên gia phân tích nếu chỉ làm phép tính đơn giản có 10% lượt nghe là khán giả thực, sẽ có hơn 70.000 khán giả đã tiếp cận sâu đến tác phẩm này. Một con số không hề nhỏ. Đáng ngại hơn khi những người xem, nghe ca khúc này có thể đa phần là các bạn trẻ.

“Chúng ta sẽ thấy gì khi có tới 70.000 người, chủ yếu là khán giả trẻ nghe ca khúc này mỗi ngày? Những ngôn từ sặc mùi sex thô bạo như trên liệu có thay đổi lối sống thường nhật của họ? Rồi đây, ai dám cam kết những khán giả trẻ tuổi đó không bị cuốn vào đời sống sắc dục, truỵ lạc, buông thả như nội dung ca khúc thể hiện? Đây là những câu hỏi trực diện cần có câu trả lời từ phía cơ quan chức năng”, ông Ngô Hương Giang nói.

Cũng theo chuyên gia, Fever không phải ca khúc Việt đầu tiên bị phản ứng vì ca từ gợi dục, phản cảm. Trước đó nhiều ca khúc từng gây tranh cãi như Mẩy thật mẩy, Hâm nóng, Krazy, Sashimi…

‘Ca khúc nhạc Việt mô tả sex một cách thô bạo, cần nghiêm cấm’ - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang.

Chuyên gia gợi ý nên áp dụng luật văn hóa, trong đó có điều 326 Bộ luật hình sự (năm 2015) quy định nghiêm cấm những hành vi tàng trữ, sản xuất và truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ. Từ đó, cần sự vào cuộc từ phía cơ quan an ninh văn hóa, cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan thông tin truyền thông để xem xét, đánh giá mức độ vi phạm của những ca khúc trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải có biện pháp chế tài xử lý nghiêm.

Ngoài ra, ông Ngô Hương Giang đề xuất ba giải pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng các ca khúc gợi dục, phản cảm phát hành tràn lan trên không gian mạng.

“Theo tôi cần tính đến 3 giải pháp căn cốt. Một là, cần luật hóa chặt chẽ các hoạt động sáng tạo, đăng tải những nội dung xấu độc trên mạng xã hội, trong đó có sản xuất, phát tán các MV âm nhạc có nội dung dung tục.

Thứ hai, các cơ quan quản lý thông tin và văn hóa ngoài việc lập ‘danh sách đen’ cần cấm sóng vĩnh viễn những tài khoản mạng xã hội, hoặc ca sĩ, nghệ sĩ nào cố ý sản xuất, phát tán các sản phẩm nghệ thuật xấu độc, vi phạm thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.

Thứ ba, cơ quan an ninh văn hóa cần vào cuộc rà soát những sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật chứa các nội dung độc hại, từ đó xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Có như vậy chúng ta mới hạn chế và từng bước đi đến chấm dứt hoàn toàn vấn nạn tự do sáng tạo nội dung số, tự do phát tán sản phẩm văn hóa xấu độc như hiện nay”, ông Ngô Hương Giang chia sẻ.

Chia sẻ