Cả Jennie Blackpink và vợ chồng Hồ Ngọc Hà có chung 1 sở thích "tắm" kì lạ: Có tác dụng giảm sưng, đau nhưng chuyên gia cảnh báo một điều
Liệu phương pháp "tắm" này thực sự mang lại lợi ích như lời đồn hay tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường?

Ngâm mình trong nước đá (Cold Plunge) đang trở thành xu hướng được nhiều người ưa chuộng, trong đó có cả cô nàng Jennie của Blackpink.
Jennie (Blackpink) được biết đến là một người yêu thích phương pháp ngâm mình trong nước đá (Cold Plunge). Một đoạn video được công bố vào năm ngoái cho thấy cô chia sẻ về trải nghiệm này: "Cảm giác như mọi cơn đau và căng thẳng trong cơ thể đều tan biến. Tôi bắt đầu thực hiện phương pháp này để giải tỏa mệt mỏi tích tụ sau những chuyến lưu diễn và buổi biểu diễn. Khi cơ bắp căng cứng và cơ thể mệt mỏi, Cold Plunge đã dạy tôi cách chấp nhận và vượt qua những căng thẳng đó".

Jennie của Blackpink đang tận hưởng bồn tắm nước đá (ngâm lạnh). Ảnh trên mạng xã hội.
Ngâm mình trong nước đá cũng nhanh chóng phát triển, thậm chí trở thành một mô hình kinh doanh, được quảng bá với nhiều lợi ích như phục hồi cơ bắp, giảm viêm, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sự tỉnh táo tinh thần và giảm căng thẳng. Bởi vậy, nó thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là giới trẻ.
Vợ chồng Hồ Ngọc Hà - Kim Lý cũng đặc biệt ưa thích thói quen chăm sóc sức khỏe này. Cả hai cũng không hề giấu giếm những hình ảnh ngâm mình trong bồn nước lạnh 10 độ C. Được biết, cả hai vợ chồng cô thường xuyên áp dụng liệu pháp này như một phần của thói quen chăm sóc sức khỏe và giữ gìn sắc vóc.


Vợ chồng Hồ Ngọc Hà - Kim Lý thường xuyên áp dụng liệu pháp ngâm mình trong nước đá như một phần của thói quen chăm sóc sức khỏe.
Hiệu quả thực sự của việc ngâm mình trong nước đá: Nhiều giả thuyết, ít bằng chứng
Lịch sử của việc ngâm mình trong nước đá đã có từ rất lâu đời. "Cha đẻ của y học hiện đại" Hippocrates cũng đã công nhận tác dụng giảm đau của nước lạnh.
Một số chuyên gia giải thích rằng khi nước lạnh tiếp xúc với da, các mạch máu sẽ co lại, làm giảm lưu lượng máu. Điều này giúp giảm sưng, viêm và đau ở các cơ và dây chằng bị tổn thương. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng phương pháp này có tác dụng cải thiện nếp nhăn. Nhiệt độ nước trong phương pháp ngâm mình trong nước đá thường dao động từ 3 đến 15 độ C.
Liệu ngâm mình trong nước đá có thực sự mang lại những hiệu quả như vậy?
Giáo sư Mike Tipton, chuyên gia về sinh lý học con người và ứng dụng tại Đại học Portsmouth (Anh) và nhà nghiên cứu Samuel Cornell (ứng viên Tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Úc) đã đưa ra cảnh báo về những lợi ích hạn chế và nguy hiểm tiềm ẩn của phương pháp này.
Trong bài viết "Cơn sốt ngâm mình trong nước đá và những rủi ro sức khỏe" đăng trên tạp chí học thuật phi lợi nhuận The Conversation, hai chuyên gia cho rằng việc ngâm mình trong nước đá có thể làm giảm đau cơ sau khi vận động cường độ cao. Tuy nhiên, hiệu quả này không đáng kể và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.

Một số nghiên cứu cho thấy việc ngâm mình trong nước lạnh một lần có thể cải thiện tâm trạng của những người trẻ và khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu khác cho thấy không có sự thay đổi nào. Các tuyên bố về việc cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng tiết testosterone (hormone nam), tăng cường trao đổi chất và giảm cân vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.
Việc ngâm mình trong nước lạnh có thể gây ra những nguy hiểm gì?
Việc ngâm mình trong nước lạnh gây ra phản ứng sinh lý mạnh mẽ. Khi xuống nước lạnh dưới 15 độ C, cơ thể sẽ ngay lập tức rơi vào trạng thái sốc lạnh (cold shock). Người ngâm mình sẽ bị khó thở, nhịp thở nhanh và không kiểm soát được, nhịp tim và huyết áp tăng đột ngột.
Nếu nhiệt độ nước quá thấp hoặc thời gian ngâm mình quá lâu, có thể dẫn đến hạ thân nhiệt. Tình trạng này khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống mức nguy hiểm, gây ra các triệu chứng như run rẩy, lú lẫn và ngất xỉu.

Trong trường hợp nghiêm trọng, sốc lạnh có thể gây ra ngừng tim hoặc đột quỵ. Nguy cơ này càng cao hơn đối với những người mắc các bệnh về tim, mạch máu và não mà bản thân không biết.
Một nghiên cứu năm 1969 cho thấy ngay cả những vận động viên bơi lội giàu kinh nghiệm cũng có thể gặp khó khăn trong nước lạnh chỉ sau vài phút. Những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu mặc quần áo và bơi trong nước 4,7 độ C để mô phỏng tình huống thoát hiểm. Một số người đã phải dừng bơi sau 90 giây do khó thở nghiêm trọng. Điều này xảy ra trước khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống mức có thể đo lường được.
Ngay cả sau khi ra khỏi nước, nhiệt độ cơ thể vẫn tiếp tục giảm, gây ra hiện tượng hạ thân nhiệt tồn lưu (afterdrop). Điều này có thể dẫn đến kiệt sức hoặc ngất xỉu. Ngay cả những người trẻ tuổi và khỏe mạnh cũng có thể gặp phải những tình huống bất ngờ khi ngâm mình trong nước đá, bởi cơ thể con người không được thiết kế để chịu đựng trong nước lạnh thời gian dài.
Việc tiếp xúc với lạnh có thể gây tổn thương lâu dài cho các dây thần kinh và mạch máu ở bàn tay và bàn chân. Tình trạng này được gọi là tổn thương lạnh không đông cứng, nguy cơ càng cao khi thời gian ngâm mình trong nước lạnh càng lâu. Các triệu chứng như tê bì, đau và nhạy cảm với lạnh có thể kéo dài trong nhiều năm.

Nếu quyết định thử ngâm mình trong nước đá bất chấp những rủi ro này, hai chuyên gia khuyên bạn nên tuân thủ những lời khuyên sau để giảm thiểu nguy hiểm.
6 lời khuyên cho những người muốn thử ngâm mình trong nước đá
Thứ nhất, hãy kiểm tra sức khỏe để chắc chắn bản thân hoặc gia đình không có tiền sử bệnh tim, đột quỵ hoặc hô hấp. Nếu có, hãy tránh thực hiện phương pháp này.
Thứ hai, hãy nhận biết giới hạn của bản thân. Thể lực tốt không đồng nghĩa với việc miễn nhiễm với sốc lạnh.
Thứ ba, hãy bắt đầu từ từ. Đừng vội vàng ngâm mình trong nước lạnh ngay mà hãy bắt đầu với nước ấm và giảm dần nhiệt độ.
Thứ tư, đừng bao giờ ngâm mình một mình. Đặc biệt là lần đầu tiên thử nghiệm, cần có người bên cạnh để hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Thứ năm, hãy kiểm soát thời gian và nhiệt độ. Không nên ngâm mình quá 3-5 phút mỗi lần và luôn theo dõi nhiệt độ nước cẩn thận.
Thứ sáu, hãy chú ý đến các dấu hiệu nguy hiểm. Run rẩy, tê bì và lú lẫn không phải là những "thử thách cần vượt qua" mà có thể là dấu hiệu của hạ thân nhiệt.