Cả đời chống bệnh truyền nhiễm để cứu người
Từng có nhiều cơ hội rất tốt, là mơ ước của nhiều người nhưng PGS-TS Đỗ Duy Cường một đời gắn bó cùng ngành truyền nhiễm mà ông dành trọn đam mê.
Trong các đợt dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm, nhất là đại dịch COVID-19, mới thấy được vai trò quan trọng cũng như sự vất vả của bác sĩ truyền nhiễm, khi họ phải trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân và đối mặt nguy cơ lây nhiễm.
Truy lùng bệnh truyền nhiễm như bắt tội phạm
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), kể: "Nhiều người hỏi tôi làm ở đâu, nghe nói là Bệnh viện Bạch Mai thì phấn khởi định bắt tay làm quen nhưng khi tôi nói làm ở Khoa Truyền nhiễm liền rụt tay lại vì sợ… lây".
Sự kỳ thị đó dễ làm nản lòng những bác sĩ trẻ nhưng với PGS-TS Đỗ Duy Cường thì không. Ông vững vàng bước qua mọi thử thách để trở thành một trong các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm.
Nhiều người ngại tiếp xúc với PGS-TS Đỗ Duy Cường, kể cả bệnh nhân lẫn cánh nhà báo. Vì ông là người trực tính và có phần khó tính. Nhưng ẩn sâu sau vẻ khắc khổ, cau có ấy lại là một trái tim tràn đầy tình cảm, một thầy thuốc đúng nghĩa lương y, luôn hết lòng với bệnh nhân.
Thỉnh thoảng tôi về Bắc Giang, lại nghe các em tôi trầm trồ nhắc đến PGS-TS Đỗ Duy Cường với sự trân trọng. Ngày nhỏ, Cường là học sinh giỏi nổi tiếng ở Bắc Giang. Các em tôi tự hào vì được học cùng trường với Cường. Với sức học ấy, Cường không khó gì để thi đỗ Trường Đại học Y Hà Nội, thực hiện ước mơ trở thành thầy thuốc.
Nhưng rồi Cường đã làm bạn bè và gia đình ngạc nhiên khi thi đỗ bác sĩ nội trú, thay vì chọn các chuyên khoa cao sang như răng - hàm - mặt, sản, tim mạch, ngoại, Cường lại chọn chuyên ngành truyền nhiễm - lĩnh vực mà cho đến nay vẫn hiếm ai lựa chọn. Bởi ngành này học đã khó, ra trường càng vất vả hơn mà thu nhập lại không cao.
Nhưng với Cường, ngành truyền nhiễm là đam mê. Bởi ông thấy quá trình điều trị bệnh truyền nhiễm giống như điều tra phá án, nhọc nhằn nhưng đầy hấp dẫn. "Tôi thấy truyền nhiễm là những bệnh thường gặp ở người Việt Nam, có nguyên nhân rõ ràng. Nếu tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh thì có thể điều trị dứt điểm bằng thuốc đặc hiệu. Các bệnh truyền nhiễm đều do tác nhân vi sinh vật có hàng ngàn loại ẩn giấu trong cơ thể, buộc các thầy thuốc phải mày mò, chẩn đoán tìm ra mới điều trị thành công. Giống như phá án, nếu bác sĩ thu thập chứng cứ sơ sài hay bỏ qua một dấu hiệu, một chi tiết nhỏ như một vết ban, một vết loét nhỏ… là có thể đi chệch hướng, dẫn tới điều trị thất bại" - PGS-TS Đỗ Duy Cường tâm sự.
Vì thế, khóa bác sĩ nội trú ngày ấy có 22 người thi đỗ nhưng chỉ có Cường theo chuyên ngành truyền nhiễm. Tình yêu nghề sâu sắc là sợi dây neo buộc ông vững chắc với nghề.
Ra trường, bác sĩ Đỗ Duy Cường trở thành giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là bác sĩ điều trị bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai.
Đam mê níu kéo
Ký ức hơn 30 năm trước trong PGS Cường còn nguyên vẹn. Khi ấy, công tác điều trị bệnh truyền nhiễm rất khó khăn. Khoa Truyền nhiễm lúc nào cũng đầy ắp bệnh nhân sốt rét, uốn ván, nhiễm trùng máu, lao, thương hàn, tả, dại… mà thuốc men, phương tiện cấp cứu - hồi sức thiếu thốn, lạc hậu nên tỉ lệ tử vong cao. Làm việc ở phòng cấp cứu nên bác sĩ Cường thường xuyên phải cùng người nhà bệnh nhân thay nhau bóp bóng hồi sức nhưng nhiều khi vẫn bất lực nhìn bệnh nhân tử vong…
Bác sĩ Cường đã trải qua những ngày khủng khiếp của đại dịch SARS bởi Bệnh viện Bạch Mai là tâm điểm và ngay sau đó là dịch cúm gia cầm H5N1 cũng với tỉ lệ tử vong cao.
Dù khó khăn và nhiều áp lực nhưng PGS Cường chưa bao giờ nao núng. Việc thức trắng đêm cấp cứu bệnh nhân là chuyện bình thường với ông. "Chỉ cần nhìn những người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch trở về với gia đình là tôi thấy vui" - ông nói.
Ở khoa truyền nhiễm, ngoài khẩu trang, áo blouse, xà phòng rửa tay, nhân viên y tế không có biện pháp gì phòng vệ cho bản thân. Họ không chỉ có thể nhiễm bệnh mà còn có thể mang bệnh về nhà cho người thân. Nhưng lý do của PGS Cường rất đơn giản: "Là bác sĩ thì phải làm hết trách nhiệm với cái tâm của mình!".
Là một người ham học hỏi, nên năm 2003, PGS-TS Đỗ Duy Cường đi tu nghiệp tại Nhật Bản, rồi học tiến sĩ tại Viện Karolinska (Thụy Điển). Đây là giai đoạn ông không chỉ tiếp thu những kiến thức mới mà còn mở mang các mối quan hệ hợp tác.
Từng có giai đoạn PGS Cường chuyển sang làm việc tại Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI) để triển khai các dự án cho người nhiễm HIV ở Việt Nam. Nhưng dù có vị trí lẫn thu nhập cao ở FHI thì vài năm sau, PGS Cường quyết định quay lại Bệnh viện Bạch Mai, chỉ vì "nhiều lúc tôi thèm được khoác lại trên mình chiếc áo blouse để chăm sóc người bệnh đến phát khóc".
Lúc trở về, PGS Cường phải đối mặt vô vàn khó khăn: cơ sở vật chất, nhân lực đều thiếu thốn trong khi dịch tả xảy ra trên diện rộng. Bệnh nhân nhập viện đông đến mức khoa không còn chỗ nằm. Bệnh viện phải lập đội lưu động, huy động tất cả các khoa để lấy chỗ điều trị cho bệnh nhân.
Không để dịch lan rộng và hạn chế tối đa tử vong là yêu cầu cao nhất được đặt ra. Vì thế, bác sĩ Cường cùng đồng nghiệp phải chủ động đưa ra các giải pháp: tổ chức thu dung, phân loại bệnh nhân, bố trí cách ly để không lây chéo; đồng thời cập nhật các phương pháp điều trị mới nhất để cứu chữa người bệnh không quản ngày đêm. Nhờ đó, hàng ngàn bệnh nhân được điều trị không có người nào tử vong - một kỳ tích trong điều kiện thiếu thốn khi đó.
Đại dịch COVID-19 một lần nữa lại thử thách lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm của PGS Cường, khi Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai là nơi trực tiếp điều trị những người bệnh mà giai đoạn đầu còn chưa ai biết virus SARS-CoV-2 là gì. Sau đó là giai đoạn phong tỏa, cách ly và những khó khăn bộn bề nhưng ông và các đồng nghiệp đã cùng nhau vượt qua thử thách.
Không ngừng học hỏi
Nhận thức rõ bệnh truyền nhiễm ngày càng phức tạp với quy mô mang tính toàn cầu, PGS-TS Đỗ Duy Cường xác định giải pháp đối phó bền vững là các thầy thuốc phải không ngừng nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn.
PGS Cường tham gia nhiều đề tài khoa học các cấp, nhiều nghiên cứu hợp tác với nước ngoài có tính ứng dụng cao, cùng hàng chục bài báo quốc tế trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Ông cũng hướng dẫn luận văn, đào tạo nhiều sinh viên, học viên của Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản… đến thực tập tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
PGS Cường đặc biệt coi trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Vì thế, Khoa Truyền nhiễm trở thành một địa chỉ để các bác sĩ ở nước ngoài đến học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Nhờ đó, Trung tâm Bệnh nhiệt đới luôn chủ động ứng phó với các dịch bệnh, như sởi, sốt xuất huyết, cúm gia cầm, COVID-19…
PGS-TS Đỗ Duy Cường đã từng góp phần cứu sống một đồng nghiệp mắc sốt xuất huyết tại nước ngoài. Đó là bác sĩ N.H.G (Hà Nội), sang đến Bỉ thì bị sốt cao và vào một bệnh viện để điều trị. Chị nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết vì con gái cũng mới mắc nên đã thông tin cho bác sĩ. Nhưng là nơi hiếm có bệnh này nên bệnh viện phải gửi mẫu xét nghiệm đi nơi khác và 4 ngày sau mới có kết quả. Trong lúc chờ kết quả, chị G. tiếp tục sốt cao, nôn ra máu tươi, tiểu cầu hạ thấp.
Mặc dù điều kiện điều trị ở Bỉ hiện đại nhưng chị G. vẫn rất lo lắng về kinh nghiệm điều trị bệnh nhiệt đới của các bác sĩ ở đây nên quyết định liên lạc với PGS Cường đề nghị giúp đỡ.
PGS Cường đã liên tục hội chẩn với các bác sĩ ở Bỉ, cập nhật tình hình bệnh nhân và phối hợp điều trị. Một tuần sau đó, chị G. ra viện, về nước.