Bức xúc khi sống cùng em chồng bừa bãi, lười biếng

Thanh Tâm,
Chia sẻ

Càng ngày, em họ càng đổ đốn. Vợ chồng cô đi làm từ sáng đến tối mới về còn phải lo cơm nước cho nó ăn. Cô nhiều lần dặn em phụ giúp anh chị việc trong nhà nhưng nó toàn quên.

Cô gái kể, mình là con gái út nhưng lại lấy chồng là con trưởng, gia đình của chồng cô ở quê rất đông anh em, họ hàng. Trong những người thân của anh, anh thương dì ba nhất. Hồi bé, dì là người chăm sóc cho anh, đưa anh đi học.

Không may, chú mắc bệnh trọng không qua khỏi, dì một nách 2 con từ khi mới 29 tuổi. Giờ con trai lớn của dì lên học cao đẳng, anh nói với cô cho em về ở cùng, phụ dì nuôi em ăn học. Cô đồng ý ngay.

Ở cùng anh chị, em ngoan, biết phụ giúp anh chị việc nhà. Cô thấy vậy nên càng thương em, còn cho 1 chiếc điện thoại thông minh để tiện liên lạc và 1 cái máy tính để học. Nhưng không ngờ từ khi có máy tính, nó mê game, ngồi ôm máy tính suốt ngày.

Em dậy muộn, quần áo thì quăng lung tung không biết dọn dẹp. Thỉnh thoảng, nó không có tiền, hỏi mượn tiền để giải quyết việc gì đó thì cô cho luôn. Nhưng sau đó phát hiện nó mượn tiền cho bạn gái thì chồng cô không cho nữa.

Càng ngày em họ càng đổ đốn. Vợ chồng cô đi làm từ sáng đến tối mới về còn phải lo cơm nước cho nó ăn. Cô nhiều lần dặn em phụ giúp anh chị việc trong nhà nhưng nó toàn quên. Thế mà khi cô bày tỏ bức xúc với chồng thì chồng cô quay sang mắng ngược lại vợ.

Hai vợ chồng cô cãi nhau suốt vì chuyện em chồng bừa bãi, lười biếng. Có một hôm, vợ chồng cô đi làm về muộn, thằng bé cũng chả chịu cắm cơm. Đói quá, chồng cô chiên cơm nguội ăn. Vừa chiên xong thì nó lấy tô xúc cơm ăn một mình.

Cô mắng em họ thì nó liền bỏ nhà đi. Hết tiền, nó lại gọi điện về xin mẹ, còn nói xấu vợ chồng cô. Vợ chồng cô thương dì vất vả, không lo được cho nó, sợ nó trốn học nên lại tìm nó về. Nhưng vợ chồng đi làm mệt cả ngày lại phải về nhà dọn dẹp, phục vụ em họ rất ức chế, còn mang tiếng chị dâu ác, suốt ngày mắng mỏ.

Cô chỉ muốn nó tự lo cho bản thân, áo quần tự giặt, nấu cơm mà ăn, bỏ game để tập trung học hành nhưng nó không hiểu.

Thanh Tâm thấy tình huống của cô khá phổ biến trong gia đình có người thân sống chung, vừa muốn giúp đỡ em chồng vừa không muốn trở thành "ô sin" bất đắc dĩ, nhưng lại bị kẹt giữa tình cảm gia đình và trách nhiệm.

Để giải quyết vấn đề này, cô cần một cách tiếp cận cứng rắn nhưng khéo léo để giữ hòa khí và giúp em chồng thay đổi. Vợ chồng cô hãy nói chuyện nghiêm túc nhưng bình tĩnh, không chỉ trích mà tập trung vào giải pháp.

Trước tiên, cần xác định lại trách nhiệm và giới hạn của bản thân. Cô đã giúp em chồng hết lòng nhưng cậu ấy ỷ lại, thậm chí còn nói xấu cô. Cô cần xác định rõ mình không có nghĩa vụ phải phục vụ em, cũng không thể thay đổi một người nếu bản thân họ không có ý thức thay đổi; sự giúp đỡ của vợ chồng cô phải trong giới hạn, với điều kiện rõ ràng.

Thứ hai, thiết lập quy tắc khi ở chung nhà. Nhà cô không phải nhà trọ miễn phí, cùng ở thì phải có trách nhiệm. Em họ cô không được chơi game vô tội vạ, nếu không tự kiểm soát, cô sẽ thu máy tính. Em phải tự giặt quần áo, dọn phòng, phụ giúp anh chị việc nhà và không mượn tiền để tiêu xài hoang phí.

Điều quan trọng, cô cần giải quyết mâu thuẫn với chồng, nói chuyện thẳng thắn để hai vợ chồng thống nhất quan điểm tiếp tục giúp đỡ dì, giúp đỡ em. Nhưng giúp đỡ không có nghĩa là hy sinh bản thân, không phải để vợ chồng mâu thuẫn, lục đục.

Cuối cùng, nếu cậu ấy không thay đổi, hãy mạnh dạn để em tự lập. Vợ chồng cô có thể hỗ trợ một phần tài chính cho em ấy ra ngoài ở trọ. Tự lập sẽ giúp em trưởng thành hơn và có thể nhìn nhận đúng hơn về những vấn đề đã xảy ra.

Chia sẻ