Bức tường trở thành tiêu điểm gây tranh cãi trong thảm kịch máy bay Hàn Quốc

Chi Chi,
Chia sẻ

Một số chuyên gia cho rằng bờ tường bê tông cuối đường băng đã khiến vụ tai nạn trở nên tồi tệ hơn.

Có nhiều tranh cãi đã nổ ra khi một số chuyên gia chỉ ra rằng kết cấu bê tông được lắp đặt tại Sân bay Quốc tế Muan đã góp phần gây ra thảm họa máy bay chở khách Jeju Air vào ngày 29/12 vừa qua trở nên tồi tệ hơn.

Theo Sân bay Quốc tế Muan, sân bay này đã thay thế bộ định vị, một loại ăng-ten giúp máy bay chở khách hạ cánh cũ vào năm ngoái. Sân bay thay thế thiết bị sau khi thiết bị cũ hết thời hạn sử dụng (15 năm) và tăng cường chất lượng vật liệu. Cấu trúc nơi lắp đặt bộ định vị nằm cách cuối đường băng khoảng 300 mét.

Bức tường trở thành tiêu điểm gây tranh cãi trong thảm kịch máy bay Hàn Quốc - Ảnh 1.

Bức tường bê tông cao khoảng 2 mét và có bộ ăng-ten lắp đặt trên đó.

Công trình cao 2m, được bao phủ bởi một ụ đất phía trên kết cấu bê tông, bao gồm cả bộ định vị cao khoảng 4m. Đây là một loại ăng-ten hỗ trợ tiếp cận đường băng của sân bay. Nó là một cấu trúc có nền bê tông như bức tường thông thường và ăng-ten đứng trên đỉnh một gò đất. 

Được biết, mặt đất của Sân bay Quốc tế Muan bị dốc sau khi kết thúc đường băng và được san bằng bằng cách xây ụ đất. Khi được san bằng với đường băng, một gò đất cao 2m được hình thành và một bộ định vị được lắp đặt trên đó.

Vào thời điểm xảy ra tai nạn ngày 29/12, máy bay của hãng hàng không Jeju Air đã nhận được sự cho phép hạ cánh từ tháp điều khiển và cố gắng hạ cánh nhưng bị trượt khỏi đường băng, đâm vào một đường gờ và phát nổ.

Bức tường trở thành tiêu điểm gây tranh cãi trong thảm kịch máy bay Hàn Quốc - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng Hàn Quốc cho biết đây là thiết kế phổ biến ở nhiều sân bay.

Một số chuyên gia hàng không nước ngoài và cựu phi công đã lên tiếng đặt vấn đề rằng việc chiếc máy bay chở khách đâm vào phần kiến trúc này đã làm tăng độ thảm khốc của tai nạn.

David Learmount, một chuyên gia hàng không, trả lời phỏng vấn tờ Sky News của Anh cho biết: "Các hành khách đã tử vong sau khi va chạm với một công trình kiến trúc vững chắc (bức tường) nằm ngay cuối đường băng, nơi lẽ ra không nên có một công trình vững chắc như vậy ở đây".

Một YouTuber khác cũng khẳng định qua một buổi phát sóng trực tiếp rằng “cấu trúc ăng-ten được thiết kế quá cao”.

Một quan chức tại sân bay quốc tế Muan cho biết: “Bộ định vị hướng dẫn máy bay hạ cánh an toàn đã hết tuổi thọ nên được lắp đặt theo đúng quy định”.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải cũng cho biết trong cuộc họp tối 29/12: “Tại sân bay Muan, một bộ định vị được lắp đặt cách cuối đường băng khoảng 251m, bên ngoài khu vực an toàn ở cuối đường băng. Sân bay Yeosu và Sân bay Cheongju cũng có các bộ định vị dưới dạng kết cấu bê tông tương tự.”

179 trong số 181 hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Jeju Air phát nổ sáng 29/12 đã được cơ quan cứu hỏa xác nhận thiệt mạng sau khi máy bay hạ cánh bằng bụng bất thành, đâm vào bức tường gây tranh cãi này và phát nổ.

Nguồn: Yonhap

Chia sẻ