Bức thư con trai gửi bố nghiện smartphone gây bão mạng xã hội
Ngày 8/12, một bức thư của cậu con trai gửi cho ông bố nghiện smartphone của mình bỗng trở nên cực "hot" trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.
Giữa thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển chóng mặt như hiện nay, rất nhiều người chỉ mải mê đắm chìm trong thế giới ảo mà quên mất những con người thực sống xung quanh mình, để rồi đến khi nhận ra sai lầm của bản thân thì đôi khi đã quá muộn và không còn cách nào vãn hồi được nữa.
Nhiều người chỉ mải mê đắm chìm trong thế giới ảo mà quên mất những con người thực sống xung quanh mình.
Câu chuyện của anh Khương, một người bố nghiện smartphone ở Hàng Châu, Trung Quốc dưới đây chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người phải giật mình và suy ngẫm về hiện trạng "bán linh hồn cho công nghệ" của bản thân.
Sau bữa cơm tối, anh Khương theo thói quen định lấy điện thoại đem vào giường nằm xem nhưng vô tình phát hiện ra bức thư cậu con trai nhỏ đang học tiểu học viết cho mình. Tò mò trước nét chữ nghuệch ngoạc của con, anh Khương cầm lên đọc và vô cùng ngỡ ngàng trước nội dung giản dị nhưng rất đáng suy ngẫm mà con trai muốn nhắn nhủ.
Trong bức thư, cậu con trai Tiểu Khương của anh viết:
"Bố, con có lời muốn nói
Bố, bố là trụ cột của cả nhà, cũng là chỗ dựa vững chãi cho cả gia đình. Công ơn trời biển của bố, sự quan tâm chăm sóc mà bố dành cho con khiến con không biết dùng lời nào để diễn tả. Những lúc mẹ vắng nhà, bố lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, còn dạy con học nữa. Thế nhưng, con có một chuyện luôn giấu kín trong lòng không dám nói với bố. Bây giờ con muốn nói ra điều đó, mong bố hãy thứ lỗi cho con.
Con biết là công việc của bố rất bận rộn, nhưng không hiểu vì sao mà kể từ sau khi bố đổi sang dùng chiếc điện thoại mới, bố không còn nói chuyện với con, không quan tâm đến con như trước đây nữa... Có một lần, con phải làm bài tập về nhà nhưng không biết cách giải, mẹ lại không ở nhà, con bèn đem ra hỏi bố, nhưng bố lại coi con như không khí và chẳng thèm để ý đến con, bố chỉ quan tâm đến cái Wechat trên điện thoại mà thôi.
Con phải gọi mấy lần thì bố mới chịu quay đầu nhìn con. Lúc này, con đang thầm reo mừng trong lòng: "Bây giờ bố có thể dạy mình học rồi!", thế nhưng bố lại lạnh lùng bảo con: "Ra hỏi mẹ!". Con bảo: "Mẹ không có nhà." và nhận được câu trả lời cực kỳ phũ phàng từ bố: "Đọi mẹ về rồi hỏi."
Bố, bố là bố của con, là người thân nhất của con, tại sao bố lại lạnh lùng với con như vậy? Con chỉ muốn nói với bố rằng, bố có thể nhắn bớt đi một cái tin nhắn và quan tâm đến con, yêu con hơn một chút xíu thôi, có được không bố?"
Anh Khương chia sẻ, chiếc điện thoại cũ của anh đã dùng hơn 1 năm trời nên tốc độ bắt đầu chậm dần, vì vậy, anh đã quyết định đầu tư hơn 4000 tệ (tương đương 14 triệu đồng) để đổi sang một chiếc điện thoại đời mới. Vốn là một người "nghiện smartphone" chính hiệu, giờ lại có điện thoại mới với tốc độ đáng mơ ước, mỗi ngày anh Khương dành ra ít nhất là 6 tiếng để nghịch điện thoại, còn vào những ngày nghỉ, thời gian anh cắm mặt vào điện thoại có thể lên tới 10 tiếng đồng hồ. Và tất nhiên, đi kèm với đó là khoảng thời gian dành cho con trai của anh ngày càng ít đi, thậm chí nhiều hôm anh còn không có thời gian nói chuyện với cậu bé.
Không phải vô tình mà bức thư của con trai anh Khương trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội Trung Quốc, bởi vì những điều cậu bé nhắn nhủ dường như là tiếng nói chung của rất nhiều đứa trẻ khác trên toàn thế giới, khi mà bố mẹ chúng chỉ suốt ngày say sưa với những sản phẩm công nghệ mà vô tình quên mất sự tồn tại của những đứa con bé bỏng đang rất cần sự yêu thương và chỉ bảo của mình. Thậm chí có thể nói, những chiếc smartphone hiện đại chính là một trong những nguyên nhân chính chia cắt tình cảm giữa con người với con người.
Sau khi đọc xong những lời tâm sự chân thật của cậu bé Tiểu Khương, đa phần mọi người đều giật mình vì tình trạng này đang ngày càng phổ biến hơn. Một số người cảm khái, một số người thở dài ngao ngán, một số khác tự nhìn nhận lại bản thân và đưa ra quyết tâm thay đổi...
Có người đã tổng kết hiện trạng này bằng một câu đơn giản nhưng hết sức ý nghĩa như thế này: "Khi chúng ta còn nhỏ, bố mẹ không thể ở bên chúng ta nhiều, vì họ còn đang mải mê kiếm tiền. Đến thời con cái của chúng ta cũng chẳng có người lớn ở cạnh bên dìu dắt, bởi vì chúng ta quá bận rộn với những chiếc điện thoại."