Bức chân dung Công nương Kate gây bức xúc
Bức chân dung mới của Công nương Kate trên bìa tạp chí Tatler thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng, nhưng không hề tích cực. Nhiều người cho rằng đó là tác phẩm khủng khiếp đối với một phụ nữ xinh đẹp như Vương phi xứ Wales.
Ngày 22/5, Tatler công bố ảnh bìa ấn bản tháng 7/2024. Thay vì sử dụng ảnh chụp, tạp chí Anh sử dụng bức vẽ chân dung Công nương Kate của nghệ sĩ Anh gốc Zambia Hannah Uzor.
Với dòng tiêu đề “Vương phi xứ Wales – chân dung của sức mạnh và phẩm giá”, họa sĩ Uzor dường như lấy cảm hứng từ vẻ ngoài của Công nương Kate tại bữa tiệc cấp nhà nước vào tháng 11/2022, đánh dấu lần đầu tiên Vua Charles tự tổ chức với tư cách quân vương nước Anh.
Trong tranh, con dâu hoàng gia mặc váy trắng dài đến sàn với tay áo dài xẻ tà và phần vai phủ pha lê. Cô hoàn thiện diện mạo sang trọng với vương miện Lover’s Knot, bông tai ngọc trai – kim cương South Sea của Công nương Diana và chiếc vòng tay ngọc trai mà cô Nữ hoàng Elizabeth từng đeo. Ngoài ra, bà mẹ ba con còn đeo thêm khăn quàng vai màu xanh hoàng gia và ghim cài vàng. Tất cả đều được mô tả trong tác phẩm của Uzor.
Không thể gặp Công nương Kate trực tiếp, Uzor lên ý tưởng cho bức vẽ thông qua sàng lọc hàng nghìn bức ảnh của người đẹp sinh năm 1982.
“Tôi dành rất nhiều thời gian để ngắm nhìn cô ấy, xem những bức ảnh, video về cô ấy, quan sát cô ấy cùng gia đình, trong các chuyến thăm ngoại giao, lúc chèo thuyền hoặc thăm trẻ em trong các trung tâm cứu trợ. Tôi cảm thấy thú vị khi biết được cô ấy là ai”, họa sĩ chia sẻ trong video đăng trên Instagram của Tatler .
Trong khi Uzor và tạp chí Anh tỏ ra hài lòng về bức chân dung, những người hâm mộ hoàng gia không đồng tình với họ, thậm chí còn thể hiện thái độ tức giận.
Cư dân mạng bình luận: “Bức chân dung đáng thất vọng. Vương phi xứ Wales của chúng tôi đẹp hơn nhiều”, “Một bức chân dung tồi tệ, hoàn toàn không thể hiện được vẻ đẹp và sự sang trọng của Vương phi xứ Wales”, “Thật là bức chân dung khủng khiếp đối với một người phụ nữ xinh đẹp”, “Cái này không giống Vương phi xứ Wales chút nào. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một trò đùa”, “Điều này không hề tuyệt vời đúng không? Đây có phải là giả mạo không vậy”...
Bên cạnh đó, một bộ phận cho rằng mỗi họa sĩ có một cách riêng để thể hiện nghệ thuật, không cần lấy tiêu chuẩn chung để áp đặt lên. Những người khác cũng đánh giá bức tranh đẹp và lên án các bình luận tiêu cực.
Sự náo động trên xảy ra chỉ một tuần sau khi một họa sĩ khác, Jonathan Yeo, phải đối mặt với chỉ trích vì vẽ Vua Charles.
Tác phẩm của Yeo là bức chân dung chính thức đầu tiên của Vua Charles với tư cách quốc vương Anh. Trong tranh, người đứng đầu Hoàng gia Anh mặc lễ phục, mang ánh nhìn đăm chiêu, điềm tĩnh.
Điều khiến công chúng không hài lòng về bức tranh là màu đỏ được sử dụng làm tông màu chủ đạo, bao trùm lấy Vua Charles. Một số người cho rằng vị vua 76 tuổi trông như đang ở địa ngục.
Trước phản ứng dữ dội từ dư luận, ông Yeo giải thích dùng màu sáng để người xem không bị sao nhãng vào bộ quân phục màu đỏ của nhà vua, từ đó chú trọng nhiều hơn vào việc nắm bắt tính cách và bản chất của Vua Charles theo cách hiện đại hơn.
“Màu sắc sống động của men gốm ở hậu cảnh phản ánh màu áo đỏ tươi của bộ quân phục, không chỉ cộng hưởng với di sản hoàng gia được tìm thấy trong nhiều bức chân dung lịch sử mà còn truyền cảm hứng năng động, đương đại vào thể loại này với màu sắc mạnh mẽ đồng đều, mang đến sự tương phản hiện đại với những mô tả truyền thống hơn”, họa sĩ viết trên trang web.