Bức ảnh về Giáo hoàng Francis đánh lừa hàng triệu người
Công nghệ AI tạo ra hình ảnh khác biệt về Giáo hoàng Francis trong chiếc áo phao của Balenciaga khiến hàng triệu người dùng mạng xã hội nhầm lẫn.
Ngày 25/3, mạng xã hội Twitter “dậy sóng” trước hình ảnh khác lạ của Giáo hoàng Francis. Thay vì phẩm phục Công giáo thường thấy, Giáo hoàng Francis bước ra ngoài trong chiếc áo khoác phao dài màu trắng đến từ nhà mốt Balenciaga, kèm theo găng tay và giày thể thao đồng màu.
Bức ảnh được lan truyền nhanh chóng, với hàng triệu lượt xem. Đa số cư dân mạng dành cho Giáo hoàng Francis những lời khen “có cánh” trước vẻ ngoài phong độ ở tuổi 87 cũng như phong cách thời thượng, đẳng cấp mà không mất đi vẻ uy nghiêm.
Tuy nhiên, khi cộng đồng mạng vẫn còn choáng váng, bức ảnh được xác định là giả, có được do công nghệ AI.
Ngày 27/3, Buzzfeed News đưa tin người tạo ra bức ảnh gây “bão” mạng là Pablo Xavier, một công nhân xây dựng 31 tuổi đến từ Chicago (Mỹ). Trả lời phỏng vấn, Pablo Xavier cho biết nảy ra ý tưởng trong quá trình mày mò sử dụng Midjourney, công cụ trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra hình ảnh giả như thật.
“Tôi chợt nhận ra mình nên tạo ra hình ảnh mới về Giáo hoàng. Sau đó, mọi thứ diễn ra trôi chảy. Giáo hoàng trong chiếc áo khoác phồng của Balenciaga, tên là Moncler, đi dạo trên đường phố ở Rome (Italy), Paris (Pháp)”, Pablo Xavier nói.
Sau khi hoàn thiện ý tưởng, Pablo Xavier hài lòng với thành phẩm. Anh chia sẻ những bức ảnh trên nhóm Facebook của AI Art Universe, sau đó là Reddit. Tuy nhiên, chúng chỉ thực sự gây chú ý khi chia sẻ trên Twitter.
Pablo Xavier khẳng định việc những bức ảnh về Giáo hoàng tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội nằm ngoài mong muốn của anh. “Thật đáng sợ khi mọi người chạy theo nó và nghĩ nó là thật mà không thắc mắc gì. Tôi cảm thấy thật điên rồ”, anh bình luận.
Trong số hàng triệu người dùng mạng bị đánh lừa có siêu mẫu Chrissy Teigen, vợ của nam ca sĩ đình đám John Legend. “Tôi đã nghĩ chiếc áo khoác phao của Giáo hoàng là thật mà không mảy may hoài nghi. Làm sao tôi có thể sống sót trước công nghệ trong tương lai đây”, cô viết trên Twitter.
Tương tự, ca/nhạc sĩ từng thắng giải Grammy Finneas cũng là nạn nhân của trí tuệ nhân tạo. Anh không quên nhắc nhở người hâm mộ trên Instagram rằng bức ảnh về Giáo hoàng là giả, nhưng chiếc áo phao thực sự tồn tại.
Theo NY Post