Bức ảnh tiếp viên VN Airlines ngủ gật trong phòng chờ: Những điều bạn thấy không phải là tất cả
"Nhiệm vụ của tiếp viên ngành hàng không KHÔNG PHẢI là lúc nào cũng đẹp như hoa hậu khi nhận vương miện. Nhiệm vụ chính của các em là phục vụ và đảm bảo an toàn cho hành khách trên các chuyến bay."
Hàng không
là một trong số những ngành nghề có nguy cơ đe doạ đến an toàn sinh mạng cao. Làm phi công, tiếp viên hàng không dù có mức lương khiến nhiều người ao ước,
nhưng đồng nghĩa với đó là những nguy hiểm cận kề mà họ có thể gặp phải bất cứ
lúc nào khi đang trên bầu trời.
Vậy mà không phải ai cũng hiểu được vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng của tổ bay cùng hành khách khi họ chẳng may gặp phải sự cố. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh chụp các tiếp viên mang đồng phục hãng hàng không quốc gia nằm ngủ gật trong phòng chờ hạng thương gia tại một sân bay ở Nhật. Và nó là nguồn gốc nổ ra cuộc tranh luận, khi có những ý kiến cho rằng tiếp viên hàng không Việt Nam "làm xấu" hình ảnh chính mình và đất nước.
Bức ảnh gây tranh cãi nhất ngày hôm nay về các tiếp viên hàng không "ngủ gật"
Trước sự việc ồn ào đó, chị Trần Bích
Hà, một cựu trưởng đoàn tiếp viên hàng không từ 20 năm về trước đã đăng một
status rất dài với những chia sẻ vô cùng chân thực, tiết lộ nhiều điều ít biết
về ngành hàng không, đặc biệt là các cô gái đang làm nghề tiếp viên trên các
chuyến bay:
“CHỌN
AN TOÀN HAY CHỌN SỰ ĐẸP MẮT?
Đập vào mắt tôi là bức ảnh các em tiếp viên đang ngủ trong phòng chờ sân bay. Chưa cần biết nội dung các bài viết, như một phản ứng của bản năng nghề nghiệp cách đây đã hơn 20 năm – tim tôi đập dồn vì hồi hộp. Chắc lại có chuyến bay nào gặp nguy hiểm, hoặc ít nhất là hạ cánh khẩn cấp, thì tiếp viên mới mệt mỏi thế khi ngồi trong phòng chờ chứ.
Lại nhớ, năm 1997, đang nghỉ chờ sinh em bé, một hôm đọc báo thấy tin máy bay
tai nạn ở Campuchia. Tôi đứng ngồi không yên, gọi điện hỏi mấy em trưởng phòng
Đoàn tiếp viên hồi đó. Hóa ra các em sợ tôi bị ảnh hưởng đến thai, nên xui nhau giấu (hồi đó chưa có internet với mạng xã hội như bây giờ).
Chuyến bay đi Pusan ngày 3/5, do thời tiết xấu không hạ cánh được, nên
phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Nhật Bản. Những người đã từng làm trong
ngành hàng không như tôi, chắc đều hiểu: trong ngành hàng không có khái niệm
sân bay dự bị, nghĩa là sân bay ở khoảng cách phù hợp để máy bay có thể hạ cánh
khi nơi đến bị những trục trặc đột xuất (thời tiết, đình công, đường băng bị
tắc do những việc bất thường…), làm máy bay không thể hạ cánh. Và vì lý do đó, những
sân bay Nhật (dự bị cho sân bay Pusan), sẽ bất ngờ “bị” đón nhận hàng chục,
thậm chí hàng trăm chuyến bay có điểm đến là Pusan, hạ cánh xuống trong cùng một
thời gian – sự quá tải chắc chắn xảy ra. Thường thì các sân bay đều có khách
sạn quá cảnh, nhưng có lẽ vì chính lý do đó, nó đầy nghẹt. Phương án duy nhất
mà hãng hàng không có thể làm, là thuê phòng chờ hạng thương gia hoặc hạng nhất
cho tiếp viên nghỉ ngơi hoặc ngủ và ăn, để chờ hễ có “hiệu lệnh” là lại lên máy
bay tiếp.
Phòng chờ tại các sân bay, cũng như trên máy bay, trên xe buýt hoặc tàu
hỏa chạy đường dài, tuy là nơi công cộng, nhưng theo định nghĩa của cá nhân
tôi: là nơi công cộng đặc biệt. Ở những nơi đó, ai cũng biết là phải giữ trật
tự tối đa để bảo vệ sự riêng tư bình thường cho người khác, mà cái sự riêng tư
đó có thể là: ăn, ngủ, nghỉ, đọc sách, hoặc nói chuyện thầm thì. Tôi đã đi gần
70 quốc gia trên thế giới, cũng đã ngồi phòng chờ hạng nhất, hạng thương gia,
hạng bình thường ở hàng trăm sân bay trên thế giới. Khi vào phòng khách hoặc
ngồi máy bay hạng thương gia hoặc hạng nhất, điều tối kỵ là nói chuyện ồn ào,
ăn uống nhồm nhoàm, tò mò nhìn ngó người lạ, hoặc giơ máy ảnh chụp cảnh riêng
tư của người không quen biết. Tôi đã chứng kiến cảnh người Trung Quốc giơ máy
ảnh chụp một người TQ khác (chắc là bạn anh ta), và bị nhân viên trông coi
phòng chờ thương gia yêu cầu xóa ảnh, cất máy ảnh đi. Đó là phép lịch sự tối
thiểu của con người có văn hóa và có chút tri thức”.
Những dòng tâm sự đầy xúc động, hé lộ nhiều điều về nghề tiếp viên sau cánh cửa máy bay của cựu quản lý đội tiếp viên Trần Bích Hà
Với góc nhìn của một người có thâm niên,
kinh nghiệm dày dặn trong nghề tiếp viên, chị Hà đã chỉ ra lý do xác đáng cho
việc tiếp viên ngủ gật mệt mỏi bị đánh giá là “phản cảm” trong phòng chờ tại sân
bay Nhật. Cả chị và một số thành viên tổ bay khác tham gia hành trình đến Pusan
(Hàn Quốc) đều xác định phải có sự cố nên chuyến bay mới gián đoạn, phải hạ
cánh khẩn cấp tại Fukuoka (Nhật Bản). Vậy mà nhiều cư dân mạng không chịu suy nghĩ, thông cảm bằng trái tim, sẵn sàng “ném
đá” không thương tiếc dưới bức ảnh chụp các chàng trai cô gái còn nguyên đồng phục ngủ trong tư thế mệt mỏi trên ghế phòng chờ.
“Chẳng có ai khi ngủ mà có thể đẹp được cả. “Đẹp cả lúc ngủ”, họa có là
diễn viên đang diễn phim. Và cái việc giơ máy ảnh chụp cảnh người khác ngủ, ăn
- mà không xin phép, ở những nơi không cấm, thậm chí khuyến khích người ta nghỉ
ngơi, là một hành động đáng lên án. Và đáng lên án hơn nữa, là việc phát tán
các bức ảnh đó vì bất cứ mục đích gì (câu like rẻ tiền, đăng báo, gửi cho người
khác để cười cợt, chế diễu).
Ai biết về nghề lái máy bay và tiếp viên, chắc sẽ chỉ thấy thương và
thông cảm cho các em, chứ sao nỡ ném đá, hoặc chê bai diễu cợt. Đã bao giờ bạn
chứng kiến vào đúng giờ giao thừa, khi pháo nổ, pháo hoa bay ngợp trời, các gia
đình quay quần bên nhau, thì các em lau nước mắt, hôn vội đứa con thơ, rồi lặng
lẽ xách vali lên sân bay. Nếu ai đó “xấu bụng”, vô tình chớp được tấm ảnh lúc
này, rồi “chua” vào một câu kiểu như “chắc vừa bể mánh”, thì cũng câu được ối
like đấy.
Xa Đoàn Tiếp Viên đã đúng 20 năm, tôi vẫn luôn nhớ về các em, với sự yêu thương,
thông cảm, và vẫn nhói lòng và tức giận khi nhiều người trong xã hội nhìn vào
các em bằng con mắt soi mói, ghen tức hoặc thiếu thiện cảm một cách vô lý”.
Chị Hà đã có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nên chị hiểu hơn ai hết những mệt mỏi, sự cố trên bầu trời
Người cựu tiếp viên hết lòng bênh vực các cô gái làm nghề như chị 20 năm trước. Bởi hơn ai hết, chị hiểu đó là công việc đầy “bão táp”, mà những người ngoài hàng rào sân bay không thể biết được chị cùng đồng nghiệp phải trải qua những khó khăn, thị phi như thế nào.
“Lại nói về tấm ảnh “chụp trộm” ở sân bay Nhật, đó là hành động không những thiếu lịch sự, mà còn thiếu lương tâm và tình người. Ớ cái nơi ai cũng có quyền ngủ, sao bắt các em phải thức và ngồi nghiêm túc. Đến giờ đó, các em đã thức quãng hơn 12 tiếng liền, có thể chưa được ăn uống gì. Nếu buộc các em phải “ngồi xếp hàng” chỉnh tề, để cho bất cứ ai muốn có thể chụp ảnh – ai đảm bảo cho an toàn của chuyến bay khi sân bay Pusan mở cửa, và các em được lệnh lên ngay máy bay để tiếp tục phục vụ khách? Và ai cũng có quyền giữ chỗ hộ cho bạn bè, khi họ có việc cần phải đi đâu vài phút, nên đừng cố “bới móc” nhau một cách nhỏ nhen và vô lý để làm gì?
VNA thuê và trả tiền cho các em nghỉ ngơi tại phòng khách
thương gia ở Nhật, chứ không ai cho các em ngồi không, ngồi nhờ cả. Ai đến
trước ngồi trước, ai đến sau hết chỗ thì chịu khó đứng (first come, first
serve) mà. Các em cần ngồi hơn khách khác, vì các em còn phải có trách nhiệm
với sự an toàn và tiện nghi của vài trăm hành khách chỉ sau vài tiếng nữa. Các
khách khác có thể ngồi nghỉ ngơi khi lên máy bay, còn các em thì không được
phép. Tại sao tác giả tấm ảnh lại phải che mờ mặt của hai người khách ngồi phía
trước vậy? Phải chăng tác giả cũng biết rất rõ rằng: mình đang có hành động mà
khó một người lịch sự nào chấp nhận được?”
Chị Trần Bích Hà lên án hành vi chụp ảnh các tiếp viên trong phòng chờ là sai trái bởi bức ảnh đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận một cách khủng khiếp. Chị lý giải cho tư thế ngủ mỏi mệt của các bạn tiếp viên, lý giải cho thắc mắc của mọi người là tại sao tiếp viên lại được ở trong phòng chờ Business Louge, còn không giữ chỗ cho hành khách. Mọi chỉ trích của cư dân mạng đều được chị Hà giải thích hết, không sót điều gì. Có thể thấy người cựu tiếp viên này tâm huyết với nghề thế nào, dù đã nghỉ việc từ rất lâu. Và sau những bức xúc dồn nén, chị lên tiếng động viên những cô gái tiếp viên – “nạn nhân” oan uổng trong bức ảnh tai hoạ hôm nay, khuyên họ mạnh mẽ trước cơn mưa chỉ trích của cư dân mạng.
Chị mong mọi người hiểu đúng về nghề tiếp viên đầy "bão táp", dừng phán xét tiếp viên hàng không một cách phiến diện chỉ qua một bức ảnh
Và các em yêu quý của chị: đừng buồn, cũng khỏi cần phản ứng làm gì nữa. Những ai thật sự là CON NGƯỜI, thì đều lấy cái sự hiểu biết, thông cảm, chia sẻ làm lẽ sống. Nhưng những người tử tế thường không hay lên tiếng, vì nhiều khi, họ không đủ cái trơ, cái lỳ lợm để phản ứng lại với những cư xử KHÔNG NGƯỜI.
Dũng
cảm lên bọn em nhé. Chị muốn thấy bọn em luôn nghiến răng lại, ngẩng cao đầu,
đi về phía trước. Mình chỉ phải cúi đầu khi làm điều gì có lỗi thôi, các em ạ.
Vậy hãy sống sao cho không bao giờ phải cúi đầu hổ thẹn”.
Chia sẻ về
việc viết status rất dài mang tên “Chọn an toàn hay chọn sự đẹp mắt”, chị Bích
Hà cho biết: “Mình chỉ muốn mọi người
hiểu thêm về cái nghề đầy bão tố của tiếp viên hàng không thôi. Quá nhiều hiểu
nhầm không đáng. Người chụp ảnh tiếp viên ngủ rồi bêu riếu là không chấp nhận
được, mình sẵn sàng tranh luận với N.T (người chụp)”. Ngoài ra, sau khi sự
việc ngày càng ầm ĩ trên mạng, các tiếp viên bắt đầu phản ứng gay gắt, có người
phát ngôn hơi quá khích, chị Hà cũng khuyên rằng “Dù trái tim có đau vì bị bêu riếu vô lý, thì cái đầu cũng phải lạnh”.
Nhiều
thành viên facebook tỏ ra đồng tình với chị Bích Hà, thông cảm với các cô gái,
chàng trai tiếp viên hãng hàng không quốc gia trong bức ảnh. Nickname Thu Hằng
bày tỏ: “Em ko phải là tiếp viên nhưng em
đọc chia sẻ của chị em thấy rất thương, rất thông cảm với các bạn các anh chị.
Nếu ai cũng có cái nhìn sâu sắc và thông cảm với người khác trước nhất, đến
trước cái định kiến xấu xí thì tốt quá”. Phần khác là những người đang làm
nghề tiếp viên, như bạn Kieu Trang Le:“Cám
ơn cô đã đang và sẽ luôn dõi theo và có sự động viên kịp thời đến tiếp viên
chúng em để chúng em vững tin tiếp tục cái nghiệp đã lựa chọn!”.
Tiếp viên hàng không thì cũng là con người, cần phải nghỉ ngơi
Những dòng tâm sự thật dài của người cựu quản lý đội tiếp viên hàng
không đã khiến nhiều người phải suy ngẫm, có cái nhìn khác đi về nghề “osin cao
cấp” này, và thấu hiểu hơn cho những nỗi khổ, nguy hiểm mà họ phải đối mặt trên
mỗi chuyến bay. Họ phải là những chàng trai, cô gái dũng cảm đến mức nào mới có
thể trụ vững trên bầu trời, đảm bảo an toàn, phục vụ hàng trăm con người trên
mọi hành trình dù dài hay ngắn…