Bức ảnh “Dỗ em” của Na Sơn trở thành ảnh “nạn nhân động đất ở Nepal”
Bức ảnh “Dỗ em” của nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp hai anh em người H'Mong tại Việt Nam trở thành một trong những bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội trong tâm điểm trận động đất ở Nepal vào tuần trước.
Bức ảnh chụp hai đứa trẻ đang ôm nhau, bé gái ôm chặt anh trai như đang muốn tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi thế giới bên ngoài, cùng đôi mắt đầy sợ hãi của cậu bé, đã thật sự gây xúc động đối với bất kỳ ai xem qua.
Trong vòng chưa đầy một tuần, bức ảnh này đã nhanh chóng được chia sẻ trên Facebook và Twitter với chú thích “Bé gái 2 tuổi được anh trai 4 tuổi bảo vệ ở Nepal”. Không dừng lại ở đó, đã có rất nhiều nỗ lực để tìm kiếm hai đứa trẻ trong số nạn nhân của trận động đất ở Nepal, thậm chí có người còn kêu gọi quyên góp hỗ trợ hai em bé trong bức ảnh.
Thực tế, bức ảnh này được chụp gần một thập kỷ trước ở miền Bắc Việt Nam.
Tác giả thực sự của bức ảnh, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nói với BBC “Tôi chụp bức ảnh này vào tháng 10/2007 tại Cán Tỷ, một ngôi làng xa xôi ở tỉnh Hà Giang. Khi tôi khi đi ngang qua ngôi làng thì nhìn thấy hai đứa trẻ H'Mong đang chơi trước nhà khi cha mẹ các em đã lên nương làm việc. Cô bé khoảng 2 tuổi đang khóc vì sợ hãi người lạ và cậu anh trai khoảng 3 tuổi, ôm em gái vào lòng và dỗ dành. Đó là một khoảnh khắc rất đẹp và dễ thương, nên tôi bấm máy ngay”.
Na Sơn cho biết anh đã đăng bức ảnh này trên blog cá nhân và rất ngạc nhiên khi ba năm trước, bức ảnh đã được chia sẻ giữa những người dùng Facebook Việt với chú thích “trẻ mồ côi bị bỏ rơi”. “Một số người thậm chí còn thêu dệt những câu chuyện phức tạp đằng sau bức ảnh, kiểu như người mẹ hai em bé đã qua đời và người cha đã bỏ rơi chúng”, Na Sơn nói.
Theo Na Sơn, sau đó bức ảnh cũng được đăng trên nhiều trang mạng xã hội với chú thích đây là trẻ em mồ côi ở Miến Điện, Thái Lan, thậm chí cả “nạn nhân của nội chiến Syria”. “Tôi đã nỗ lực để làm rõ câu chuyện và khẳng định bản quyền của bức ảnh nhưng xem ra mọi chuyện chẳng ăn thua”, nhiếp ảnh gia Na Sơn cho biết. “Đây có lẽ là bức ảnh của tôi được chia sẻ nhiều nhất, chỉ đáng tiếc nó lại kèm theo những câu chuyện lâm ly không đúng sự thật”.
(Theo BBC)