Bức ảnh chụp ở bệnh viện lúc 10h sáng và sự thật khiến dân tình sửng sốt: Chúng ta đang làm gì với con cái của mình vậy?
Đối với cuộc đời của một đứa trẻ, những điều đẹp đẽ nhất không phải là điểm số hay tiền bạc, mà là tình yêu thương, trí tuệ, tự do và hạnh phúc.
Nhà tâm lý học Hà Lăng Phong (Trung Quốc) từng chia sẻ một câu chuyện về gia đình mình. Khi con gái còn nhỏ, anh đã làm việc chăm chỉ để cho con theo học trường cấp 1 tốt nhất huyện. Một hôm, con gái anh làm bài kiểm tra trên lớp và được 97 điểm (thang điểm 100), tức là chỉ làm sai 3 câu.
Hà Lăng Phong đã khen con hết lời: "Giỏi quá, mới bắt đầu học cấp 1 mà con đã được 97 điểm rồi. Thật đáng kinh ngạc".
Thế nhưng tối hôm đó, cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho anh hỏi: "Anh thấy bài kiểm tra của cháu như thế nào" - "Tôi thấy rất tốt, cảm ơn cô giáo", anh Hà đáp lại. Chẳng ngờ cô giáo lại sẵng giọng:
"Với số điểm như thế, sao anh có thể thấy tốt được chứ? Lần này kiểm tra, cả lớp có 17 em được trên 100 điểm, còn lại đều là 99 điểm. Chỉ riêng con anh được 97 điểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích chung của cả lớp. Là phụ huynh, anh vẫn cảm thấy hài lòng sao? Làm thế nào mà anh có thể thờ ơ với việc học của con như vậy?".
Lời nói của cô giáo khiến Hà Lăng Phong chết lặng. Có thể hình dung được, cuộc sống tiểu học của con gái anh chẳng dễ dàng. Chỉ vì điểm kém, con gái anh ở trường đã bị mắng mỏ, xúc phạm, thậm chí bị bắt nạt. Năm lớp 4, khi đi xe bus đến trường, con anh còn từng muốn nhảy ra khỏi xe.
Nhưng lúc đó Hà Lăng Phong bận kiếm tiền và giao du, hoàn toàn không hiểu hoàn cảnh của con gái mình. Anh chỉ nghĩ điểm số của con không theo kịp các bạn là do bố mẹ làm chưa đủ tốt nên đã tìm đủ mọi cách thuê gia sư cho con, kèm con học tập đến nửa đêm.
Mãi đến khi con gái vào cấp 2, anh mới dần hiểu ra những gì con gái đã phải chịu đựng.
Nhìn lại quá trình trưởng thành của con, Hà Lăng Phong cảm thấy sai lầm lớn nhất mà mình đã gây ra là gửi con đến trường tiểu học tốt nhất huyện. Ban đầu, anh chỉ muốn con được trưởng thành, rèn luyện trong môi trường tốt nhất. Ai ngờ, nó đã đẩy con anh vào bi kịch, khủng hoảng tâm lý.
Câu chuyện của gia đình Hứa Lăng Phong có nhiều điểm tương đồng với câu chuyện của một nữ sinh tên Tiểu Lý. Em sinh ra trong một gia đình giàu có ở Thượng Hải, từ nhỏ đã rất chăm chỉ, đạt nhiều thành tích trong học tập. Sau đó, em được nhận vào một trường THCS tốt nhất của Thượng Hải.
Ở đó, Tiểu Lý cảm thấy khủng hoảng vô cùng. Em thức ngày thức đêm để học, bắt ép bản thân phải chăm chỉ hơn. Ngày nào em cũng làm thêm bài tập đến tận 2, 3h sáng và thường chỉ ngủ 4 tiếng/ngày. Cốt chỉ để thành tích học tập không thua kém các bạn.
Cuối cùng, Tiểu Lý mắc chứng lo âu và trầm cảm nặng, buộc phải nghỉ học ở nhà. Thế nhưng bố mẹ em không hiểu và liên tục thuyết phục em đi học trở lại, phải nhanh chóng đạt được thành tích tốt như cũ.
Kết quả vào ngày thứ 2 của năm học mới, Tiểu Lý đã trèo lên bậu cửa sổ, định nhảy xuống. Rất may là em được các giáo viên phát hiện ra và cứu kịp thời. Khi được hỏi "Có thành viên gia đình hay bạn bè nào mà em nhớ không", Tiểu Lý nói "Không".
Tiểu Lý rõ ràng là một cô gái trẻ, đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời nhưng lại tràn đầy sự tuyệt vọng với cuộc sống.
Bức ảnh ở bệnh viện khiến phụ huynh phải suy ngẫm lại
Ông Hồ Đặng, giám đốc Trung tâm Tư vấn và Giáo dục Sức khỏe Tâm thần tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, phát hiện ra rằng so với các trường bình thường, học sinh từ các trường danh tiếng dễ bị trầm cảm hơn. Bởi một khi vào trường danh tiếng, các em sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực tâm lý như sự nghiêm khắc, đốc thúc của thầy cô, nỗi lo bị tụt hạng, kỳ vọng quá cao của gia đình, sự cạnh tranh thành tích giữa các thành viên cùng lớp...
Những khó khăn này như tảng núi đè nặng, khiến các em không thở nổi.
Tuy nhiên, những cơ hội khi được học ở các ngôi trường danh tiếng luôn khiến cha mẹ cố gắng hết sức gửi con vào học. Và sau ánh sáng rực rỡ của mặt trời, luôn tồn tại một bóng đen.
Theo một khảo sát của Trung Quốc, 30% bệnh nhân trầm cảm ở nước này là người dưới 18 tuổi. 50% bệnh nhân trầm cảm là học sinh. Từ "trầm cảm" ngày càng đến gần hơn với con trẻ.
Tại Khoa Tâm thần Nhi của Bệnh viện số 6 Đại học Bắc Kinh, vào lúc 10 giờ sáng, cửa phòng khám đã vây kín bởi các bậc phụ huynh đang hồi hộp chờ gọi tên. Những chiếc ghế chờ bên cạnh đầy ắp trẻ nhỏ. Khung cảnh này kéo dài đến tận 18h tối.
Một bác sĩ họ Trương cho biết, khi ông mới ra trường, trẻ em và thanh thiếu niên ít gặp vấn đề tâm lý hơn. Nhưng những năm gần đây, số lượng tăng lên đáng sợ.
Có thể nói rằng, để giành chiến thắng ở vạch xuất phát, nhiều đứa trẻ phải tham gia đường đua, chịu áp lực rất lớn từ khi nhỏ. Nếu cha mẹ đặt quá nhiều áp lực cho con ngay từ đầu, điều có thể khiến con bị "chấn thương".
Ban đầu, khi một đứa trẻ chào đời, hy vọng duy nhất của cha mẹ là chúng có thể lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ sẽ quên đi ý định ban đầu của mình và ngày càng đặt nhiều kỳ vọng vào con.
Trên thực tế, đối với cuộc đời của một đứa trẻ, những điều đẹp đẽ nhất không phải là điểm số hay tiền bạc, mà là tình yêu thương, trí tuệ, tự do và hạnh phúc. Vì vậy, xin được gửi lời khuyên đến mọi bậc phụ huynh:
- Chọn trường cho con không phải là tìm trường tốt nhất mà là tìm trường phù hợp nhất.
- Đừng để con sống như nô lệ của điểm số khi còn nhỏ.
- Cuối cùng, hãy cho phép trẻ nhảy ra khỏi "đường đua" và được sống hết mình.