Bức ảnh chụp 1 nhóm học sinh nhìn qua thì bình thường, nhìn kỹ mới ám ảnh
Giáo dục học sinh đúng cách không chỉ chú trọng đến điểm số mà còn phải chú trọng đến giáo dục đạo đức.
Một vụ việc xảy ra tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã khiến các bậc phụ huynh nước này xôn xao suốt một thời gian dài. Theo đó những hình ảnh, đoạn video trích xuất từ camera giám sát tại lớp học một trường cấp 1 ở tỉnh Chiết Giang được chia sẻ trên mạng xã hội.
Trong đoạn clip, một bé gái đứng ở gần cánh cửa. Có lẽ vì thấy không khỏe nên em dựa vào tường, bước đi không vững. Vài giây tiếp theo, em ngã úp mặt xuống đất rồi cứ thế nằm bất động. Điều đáng nói là lúc bé gái bị ngã, tiếng động vang lên rất lớn, thế nhưng các bạn học xung quanh lại không có phản ứng gì, chỉ dửng dưng làm bài tiếp hoặc nói chuyện tiếp.
Trong khi bé gái đang nằm dưới đất, một số bạn cùng lớp còn cười đùa, đi ngang qua bạn mình nhưng lại không hề cúi xuống xem bạn bị làm sao. Dường như bé gái không hề tồn tại trong lớp học.
Bé gái cứ nằm như trên sàn nhà đến gần 1 phút rồi tự tỉnh lại, lồm cồm bò lên ghế ngồi. Sau đó, giáo viên bước vào lớp, phát hiện em trông không ổn nên đã đưa em đến bệnh viện.
Sau khi xem xong đoạn clip, nhiều cư dân mạng đã dùng từ "ớn lạnh", hay "ám ảnh" để mô tả cảm giác của mình. Lớp học thường được ví như một gia đình, với thầy cô là cha mẹ, bạn học như những anh chị em trong gia đình. Lớp học lẽ ra phải là một nơi ấm áp, "tràn đầy ánh nắng" nhất, nhưng tại sao khi một bạn học xảy ra chuyện, những đứa trẻ này lại có thể thờ ơ, không cảm xúc như vậy?
Ngay cả khi hốt hoảng, không biết giải quyết vụ việc như nào thì các em học sinh cũng hoàn toàn có thể gọi giáo viên đến giúp đỡ. Tuy nhiên, tất cả những gì các em này làm cho bạn mình, đó là "không làm gì cả"!
Nói về vụ việc, nhiều cư dân mạng cho rằng, nguyên nhân không phải do học sinh mà là do... xu hướng xã hội gây ra. Ngày nay, không ai dám giúp đỡ người khác một cách dễ dàng, nhất là trong những trường hợp khẩn cấp như vậy. Nếu có chuyện gì ngoài ý muốn xảy ra, họ có thể tự chuốc lấy rắc rối.
Thậm chí, một phụ huynh còn thẳng thắn cho rằng nếu con anh gặp phải tình huống này, anh sẽ dặn con... đừng can thiệp vào việc của người khác!
Giáo dục học sinh không chỉ chú trọng đến điểm số mà còn phải chú trọng đến giáo dục đạo đức
Trang Sohu của Trung Quốc cũng đã có những chia sẻ về vụ việc. Theo Sohu, trên thực tế, sự việc xảy ra không thể đơn giản là do vấn đề của một học sinh hay một lớp nào đó mà nó chạm đến chiều sâu của hệ thống giáo dục hiện đại. "Chúng ta không thể bỏ qua bầu không khí xã hội và những vấn đề giáo dục đằng sau hiện tượng này", Sohu viết.
Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng thờ ơ không phải là một tội ác đơn giản của bản chất con người mà là một phản ứng bản năng trước những điều chưa biết và không chắc chắn. Con người thường có nỗi sợ hãi và lo lắng trước những tình huống không thể hiểu hoặc không thể đoán trước được, và cảm xúc này thường sẽ ngăn cản họ khỏi hành động.
Trong trường hợp này, một mặt, theo bản năng, học sinh có thể muốn tránh xa những trường hợp khẩn cấp vì các em lo lắng bị hiểu lầm hoặc phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, nó cũng phản ánh học sinh thiếu năng lực và kinh nghiệm xử lý các sự cố khẩn cấp. Đối mặt với sự cố như vậy, các em có thể nhất thời không biết phải làm gì.
Tuy nhiên, giáo dục, với tư cách là một công cụ quan trọng trong việc hình thành hành vi xã hội của cá nhân cần bù đắp cho sự thờ ơ này. Giáo dục nên dạy học sinh cách đối mặt với hoàn cảnh khó khăn của người khác cũng như cách hiểu và đáp ứng nhu cầu của người khác.
Ngoài ra, sự việc này còn phản ánh hệ thống giáo dục hiện đại bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường xã hội. Trong xã hội có tính cạnh tranh cao này, thành tích học tập của học sinh bị đề cao quá mức, từ đó bỏ bê việc phát triển đạo đức và tình cảm.
Phương pháp giáo dục phiến diện này có thể khiến học sinh thiếu lòng nhân ái và trách nhiệm trước khó khăn của người khác. Điều này thực tế không có lợi cho việc học sinh phát triển thành một con người có nhân cách tốt.
Điểm số, thành tích quan trọng nhưng không thể bỏ qua việc phát triển đạo đức, giáo dục tình cảm cho học sinh, chúng ta hãy coi đó là trách nhiệm của mình để trau dồi sự phát triển toàn diện.
Hướng dẫn học sinh không còn thờ ơ trước khó khăn của người khác mà tích cực giúp đỡ - đây mới là nền giáo dục hiện đại mà chúng ta mong đợi.