"Bữa tiệc" săn hải cẩu đẫm máu ở Canada: Hàng nghìn con vật bị truy cùng diệt tận, chỉ để phục vụ cho nhu cầu thời trang lông thú xa xỉ

Imacho,
Chia sẻ

Ngành thương mại hải cẩu đã tồn tại ở Canada suốt nhiều thập kỷ bất chấp sự phản đối của các tổ chức bảo vệ động vật và người dân trên khắp thế giới.

Cứ mỗi độ tháng 3, tháng 4 về, ngư dân ở một số vùng biển tại Canada lại lên đường cho "bữa tiệc" đi săn hải cẩu. Bất chấp phản đối của các tổ chức bảo vệ động vật và hầu hết mọi người khắp thế giới, ngư dân xứ sở lá phong vẫn duy trì hoạt động tàn nhẫn này trong suốt nhiều thế kỷ qua. Dù việc săn bắn này đã giảm thiểu rất nhiều nhưng mỗi năm vẫn giết hại hàng chục nghìn con hải cẩu và khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.

Ngành thương mại hải cẩu du nhập từ châu Âu đến Canada vào khoảng những năm 1500. Trước đây, dầu hải cẩu được sử dụng làm chất bôi trơn máy. Sau này, nhu cầu thời trang lông, da thú ngày một tăng cao, gián tiếp đẩy mạnh hoạt động săn bắn hải cẩu để lấy bộ da của chúng, tập trung ở vịnh St. Lawrence và ngoài khơi bờ biển Newfoundland và Labrador, Canada.

Một khi rơi vào tầm ngắm của thợ săn thì hải cẩu không có cơ hội sống sót.

Mỗi năm đến hẹn lại lên, ngư dân ra khơi săn hải cẩu thì cũng là lúc mọi người trên thế giới, bao gồm cư dân Canada tổ chức những chiến dịch phản đối. Dưới sức ép của dư luận, doanh số bán da hải cẩu ngày một thuyên giảm, số lượng ngư dân đi săn mỗi năm cũng chỉ còn vài trăm người nhưng không sao có thể chấm dứt triệt để hoạt động này.

Thông thường, ngư dân sẽ sử dụng rất nhiều dụng cụ bao gồm súng trường, gậy hoặc hakapik, cây gỗ có gắn móc nhọn ở 1 đầu, đồng thời khi tấn công đều nhắm vào tử huyệt của hải cẩu để giết chết con vật một cách nhanh chóng nhất nhưng vẫn giữ được bộ da nguyên vẹn nhất. Rất nhiều con hải cẩu bị bắn, đánh không chết ngay mà vẫn nằm thoi thóp giữa vũng máu của chính mình trên nền tuyết trắng. Nhìn những hình ảnh ấy, không phải ai cũng có thể kiềm chế được cảm xúc và sự phẫn nộ.

Những hình ảnh gây ám ảnh trong mỗi mùa đi săn bắn hải cẩu ở Canada.

Săn bắn hải cẩu là cuộc chiến không khoan nhượng mà phần thắng lúc nào cũng nghiêng về phía loài động vật cấp cao nhưng tàn nhẫn. Họ không hề chọn lọc trong việc giết hại hải cẩu, có những "em bé" hải cẩu chỉ mới vài tuần tuổi, chưa thể tự mình đi kiếm đồ ăn hay tự tận hưởng buổi đi bơi đầu tiên, đã sớm bị giết chết. Vào năm ngoái, ngư dân đã giết chết hơn 30 nghìn hải cẩu con (đa số là hải cẩu đàn hạc hay còn gọi là hải cẩu Greenland) chỉ trong vòng 9 ngày đi săn. Số lượng hải cẩu bị sát hại trong thời điểm năm 2018 là 80 nghìn con, tất cả đều chỉ để tạo ra những sản phẩm mà chẳng ai muốn mua.

"Bữa tiệc' săn hải cẩu đẫm máu ở Canada: Hàng nghìn con vật bị truy cùng diệt tận, chỉ để phục vụ cho nhu cầu thời trang lông thú xa xỉ - Ảnh 3.

Hải cẩu Greenland là mục tiêu hàng đầu săn bắn của ngư dân Canada.

Tất nhiên về phía các ngư dân, họ cũng có lý lẽ cho riêng mình, biện minh rằng hải cẩu ăn quá nhiều cá tuyết, khiến số lượng sinh vật này thuyên giảm trầm trọng tại khu vực chúng sinh sống. Vậy nhưng, các nhà khoa học lại phản bác, rằng cá tuyết chỉ chiếm một lượng nhỏ trong khẩu phần ăn thường ngày của hải cẩu và chính việc ngư dân đánh bắt vô tội vạ mới khiến số lượng cá tuyết sụt giảm không điểm dừng.

Dù vấp phải sự phản đối của dư luận và truyền thông trên khắp thế giới nhưng ngành thương mại hải cẩu lại nhận được sự ủng hộ của chính phủ Canada. Những người đứng đầu nước đầu này cho rằng hoạt động này vừa màng ý nghĩa văn hóa, vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Nỗ lực hiếm hoi của chính phủ Canada là bắt buộc thợ săn bắn phải có bằng mới được phép hành nghề. Ngoài ra, họ còn tạo điều kiện để các ngư dân chuyển đổi sang ngành nghề khác.

seal_slaughter_gif2

WastefulAgedCoyote-size_restricted

GrizzledScarceBoutu-size_restricted

"Bữa tiệc' săn hải cẩu đẫm máu ở Canada: Hàng nghìn con vật bị truy cùng diệt tận, chỉ để phục vụ cho nhu cầu thời trang lông thú xa xỉ - Ảnh 4.

Những "em bé" hải cẩu chào đời chưa được bao lâu đã bị ngư dân sát hại bằng một cách tàn nhẫn nhất

Theo Woodford, việc buôn bán da hải cẩu đảm bảo 40% thu nhập của ngư dân, những người sống ở khu vực kinh tế thấp như Newfoundland và Labrador, nguồn sống hoàn toàn dựa vào việc đánh bắt cá. Đây là lý do vì sao mỗi năm Canada phải chi vài triệu đô la để giám sát hoạt động săn bắn hải cẩu đồng thời phát triển các dự án tiêu thụ thịt hải cẩu sau khi chúng bị lột sạch da.

"Thực tế chính phủ Canada đang chi hàng chục triệu đô la để hỗ trợ cho hoạt động săn bắn hải cẩu vô nghĩa này trong khi lợi nhuận nó mang lại chẳng thấm tháp vào đâu" - Rebecca Aldworth, giám đốc điều hành Tổ chức Nhân đạo Quốc tế - Humane Society International (HSI) cho hay.

Những sản phẩm làm từ da hải cẩu được bán với mức giá cao ngất ngưỡng.

Được biết, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới cấm nhập khẩu những sản phẩm làm từ da hải cẩu và nhờ đó đã góp phần cứu sống 3 triệu con vật trong suốt 1 thập kỷ vừa qua. HSI cũng đang tích cực thuyết phục nhiều quốc gia tham gia vào chiến dịch "tẩy chay" này. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là chính sách của chính phủ Canada. Nhiều đề xuất yêu cầu nước này dừng cấp giấy phép hành nghề săn bắn hải cẩu trong tương lai.

Dù số lượng hải cẩu ở Canada vẫn chưa rơi xuống mức đáng báo động nhưng việc săn bắn tràn lan, nhất là những cá thể con nhỏ, sớm muộn cũng khiến chúng đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đó là chưa kể đến việc hải cẩu đang phải đối mặt với mối nguy hại mang tên biến đổi khí hậu, băng tan nhanh thành nước đồng nghĩa với việc hải cẩu sẽ bị mất đi nơi sinh sống, hải cẩu con lại càng khó sống sót đến khi trưởng thành hơn. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu như chính phủ và ngư dân Canada không thay đổi việc làm được coi là mang đậm giá trị văn hóa, thì sớm muộn tỷ lệ sống sót của các cá thể con cũng sẽ suy giảm mạnh, từ đó khiến giống loài đối mặt với nạn tuyệt chủng trong tương lai.

(Nguồn: Tổng hợp)

Chia sẻ